Ưu tiên giống cây trồng kháng sâu bệnh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Vụ mùa 2021, ngành Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng các giống xác nhận có năng suất, chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng kháng sâu bệnh tốt, đồng thời xuống giống đồng loạt để đạt hiệu quả cao hơn.
Theo ông Nguyễn Long Khánh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh, để đẩy nhanh tiến độ gieo trồng vụ mùa, Phòng phối hợp với UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, hướng dẫn người dân triển khai làm đất, gieo sạ vụ mùa theo đúng lịch thời vụ. Đồng thời, phổ biến các loại giống chất lượng cao, kháng được sâu bệnh, có thời gian sinh trưởng ngắn. Cụ thể, đối với cây lúa nước, bà con nông dân nên sử dụng các giống xác nhận, có thời gian sinh trưởng ngắn, cứng cây để tránh thiệt hại do mưa bão như: HT1, ML48, ML49, LH12, JO2. Đối với cây mì nên chọn các giống KM94, KM98-5 có năng suất, hàm lượng tinh bột cao, khả năng kháng sâu bệnh tốt, nhất là bệnh khảm lá, chổi rồng; khuyến cáo người dân sử dụng các giống TR4, TR9, TR11 và giống lai đa dòng TRS1 để trồng mới và tái canh cà phê.
Nông dân Chư Pưh làm đất để gieo sạ lúa vụ mùa. Ảnh: Quang Tấn
Nông dân huyện Chư Pưh làm đất để gieo sạ lúa vụ mùa. Ảnh: Quang Tấn
Tại cánh đồng Thơ Ga, sau khi thu hoạch xong lúa Đông Xuân, người dân nhanh chóng bắt tay vào làm đất, cày ải để chuẩn bị xuống giống theo đúng lịch thời vụ. Đang cấy dặm diện tích lúa xuống giống cách đây 1 tháng, ông Rơ Chăm Lát (làng Thơ Ga A, xã Chư Don) phấn khởi cho biết: “Mình có 5 sào ruộng ở cánh đồng này. Vụ mùa năm nay, mình chọn giống lúa HT1 để gieo sạ. Đây là giống lúa ngắn ngày, cây thấp, có khả năng chống đổ ngã, kháng được nhiều sâu bệnh, năng suất và chất lượng gạo tốt. Đến nay, lúa sinh trưởng và phát triển rất tốt. Hy vọng gia đình mình sẽ có vụ mùa bội thu”.
Sau khi đất đủ độ ẩm, anh Trần Văn Nguyên (làng Chư Bố 2, xã Ia Phang) tiến hành trồng hơn 1 ha mì. Để tránh thiệt hại do bị nhiễm bệnh khảm lá, vụ mùa năm nay, anh Nguyên chọn giống mì KM94. Anh cho hay: “Vụ trước do sử dụng giống mì trôi nổi trên thị trường nên toàn bộ diện tích bị nhiễm bệnh khảm lá. Vụ này, tôi chọn giống mì có khả năng kháng bệnh, nhất là bệnh khảm lá để trồng”.
Ông Lát đang tiến hành dăm lại ruộng lúa của gia đình. Ảnh: Quang Tấn
Ông Rơ Chăm Lát (làng Thơ Ga A, xã Chư Don, huyện Chư Pưh) đang dặm lại ruộng lúa của gia đình. Ảnh: Quang Tấn
Tính đến thời điểm này, nông dân Chư Pưh đã xuống giống hơn 20,7 ngàn ha cây trồng các loại, đạt 68,8% kế hoạch. Cụ thể, nông dân đã gieo sạ được 130 ha lúa nước, đạt 5,8% kế hoạch; 3.191 ha bắp, đạt 41,7% kế hoạch; 1.533 ha mì, đạt 98,9% kế hoạch; 85,5 ha khoai, đạt 57,3% kế hoạch; trồng được 409,5 ha rau, đạt 48,5% kế hoạch; 483 ha đậu đỗ, đạt 33,9% kế hoạch; hơn 12,3 ngàn ha cây công nghiệp dài ngày, đạt 98,9% kế hoạch...
“Thời gian tới, Phòng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, thị trấn để hướng dẫn người dân đẩy nhanh tiến độ gieo trồng vụ mùa 2021 đảm bảo đúng lịch thời vụ, chú trọng sử dụng các loại giống kháng sâu bệnh nhằm đạt hiệu quả cao. Đồng thời, tuyên truyền người dân tuyệt đối không sản xuất lúa tại các chân ruộng có nguy cơ bị hạn, thiếu nước mà chuyển đổi sang cây trồng khác sử dụng nước ít, có hiệu quả và ổn định đầu ra. Trong đó, tập trung vận động người dân chuyển đổi diện tích hồ tiêu già cỗi sang cây trồng khác, có hợp đồng liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã như: chanh dây, cây dược liệu, chuối, sầu riêng, mít, khoai lang, bắp ngọt, bắp lấy thân, cà phê. Mặt khác, thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở để hướng dẫn người dân các biện pháp kỹ thuật như bón phân hợp lý, điều chỉnh lượng nước phù hợp, tưới nước tiết kiệm… không để cây trồng bị hạn trong mùa khô gây ảnh hưởng đến năng suất”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết thêm.
QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.