UBND huyện Mang Yang "lúng túng" vì hai cây cổ thụ bị đốn hạ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Chiều 31-7, UBND huyện Mang Yang cho biết đã gửi Văn bản số 3219/BC-UBND do ông Nguyễn Như Phi-Chủ tịch UBND huyện ký để báo cáo và xin ý kiến về vụ hai cây gỗ trâm đỏ bị chặt hạ trên địa bàn.
 

 Cây trâm cổ thụ bị đốn hạ nằm trên xe chờ vận chuyển. Ảnh: Văn Ngọc
Cây trâm cổ thụ bị đốn hạ nằm trên xe chờ vận chuyển. Ảnh: Văn Ngọc


Theo đó, ngày 24-7, UBND huyện đã nhận được đề xuất qua điện thoại từ UBND xã Kon Thụp về việc cho phép xác nhận gỗ rừng tự nhiên, gỗ sót lại ở vườn nhà tại làng Dơ Nâu, xã Kon Thụp. Sau đó UBND huyện đã yêu cầu xã Kon Thụp phải thực hiện nghiêm công văn 4362/UBND-NL ngày 13-12-2013 của UBND tỉnh về việc khai thác gỗ rừng tự nhiên trên diện tích đất nằm ngoài quy hoạch lâm nghiệp trên địa bàn huyện Mang Yang và Công văn 07/UBND-HKL ngày 8-1-2014, về việc tạm dừng khai thác, tận thu cây gỗ rừng tự nhiên nằm ngoài diện tích đất lâm nghiệp. Bên cạnh đó, đối chiếu với điểm a, khoản 2, điều 1 của Thông tư 21 thì đối tượng được đề xuất thực hiện không đúng quy định. Từ đó UBND huyện yêu cầu UBND xã Kon Thụp nghiêm túc chấp hành các quy định và tạm thời không xác nhận việc khai thác gỗ rừng tự nhiên của hộ gia đình và các cá nhân trên địa bàn huyện.

Tuy nhiên, sau đó, UBND huyện đã phát hiện trên địa bàn xã Kon Thụp xảy ra việc khai thác gỗ rừng tự nhiên còn sót lại trên vườn nhà tại làng Dơ Nâu, xã Kon Thụp. Các đối tượng đã huy động phương tiện cơ giới gồm 2 xe múc, 2 xe đầu kéo, 1 xe cẩu công xuất lớn để khai thác hai cây trâm đỏ. Trong đó một cây có đường kính gốc khoảng 1,2 mét chiều dài trên 10 m. Việc khai thác đã làm hư hỏng nghiêm trọng 100 mét đường giao thông nông thôn. Qua kiểm tra các đối tượng không xuất trình các giấy tờ theo quy định, không trình diện và không hợp tác để xử lý. Cũng theo văn bản báo cáo này, UBND huyện đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tạm giữ tang vật để tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên các đối tượng vẫn không trình diện và hợp tác xử lý nên UBND huyện báo cáo để Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với UBND huyện xử lý 2 cây gỗ trâm theo quy định của pháp luật.

Trước đó, ngày 24-7, ông Kiều Minh Phụng (SN 1979, trú tại xã Xuân Sơn, huyện Sơn Tây, TP. Hà Nội) có đơn xin các ông Lê Trọng-Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Yang; ông Nguyễn Long Sơn-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện; ông Hoàng Y Byơi-Chủ tịch UBND xã Kon Thụp để xem xét tạo điều kiện để vận chuyển hai cây gỗ trâm từ vườn nhà ông Vôch (trú tại làng Dơ Nâu, xã Kon Thụp) về Hà Nội làm cây bóng mát. Tuy nhiên khi chưa có ý kiến của UBND huyện Mang Yang thì ông Phụng đã tiến hành hạ và vận chuyển cây gỗ đi nên UBND huyện đã ngăn chặn.

Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm