(GLO)- Cờ thi đua, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ dành cho tập thể có đóng góp quan trọng cho sự nghiệp giáo dục là niềm vinh dự lớn mà Trường THPT Trường Chinh (huyện Chư Sê, Gia Lai) đã đạt được suốt 10 năm nỗ lực với nhiệm vụ “trồng người”.
Đồng hành cùng học trò nghèo
Nhân kỷ niệm 10 năm thành lập trường (tổ chức vào ngày 17-11), em Nguyễn Thị Linh Sa, cựu học sinh khóa 2010-2013, dự định sẽ trao 7 suất học bổng (500 ngàn đồng/suất) cho 7 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của trường. Mới đi làm sau khi tốt nghiệp ngành Kinh tế đối ngoại (Trường Đại học Kinh tế-Luật, TP. Hồ Chí Minh) nhưng Sa vẫn trích một phần thu nhập để giúp đỡ các em, như một sự tri ân với trường cũ. Sa cho biết, ngày trước tuy nhà nghèo nhưng em rất ham học. Học trên trường chưa đủ, em còn xin bố mẹ cho đi học thêm. “Khi biết hoàn cảnh, thầy cô đều thương và cho em học miễn phí. Không những thế, thầy cô còn thường xuyên động viên, dành cho những phần học bổng nhỏ để em có thêm điều kiện đến trường. Em rất biết ơn thầy cô”-Sa xúc động kể lại.
Bí thư Đoàn trường THPT Trường Chinh trao quà cho học sinh nghèo. Ảnh: N.G |
Đồng hành cùng học sinh nghèo là một trong những cách hay để Trường THPT Trường Chinh duy trì sĩ số. Trường cách trung tâm huyện Chư Sê gần 10 km, địa bàn tuyển sinh rộng, đầu vào khá thấp, trong đó có khoảng 20% học sinh dân tộc thiểu số. Mỗi năm, trường tiếp nhận khoảng 30-40 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi cha mẹ. Để giúp đỡ các em, Công đoàn nhà trường đã xây dựng quỹ “Tiếp sức đến trường” do giáo viên đóng góp; phát động phong trào “Mỗi giáo viên nhận đỡ đầu một học sinh có hoàn cảnh khó khăn”. Chi đoàn trường còn làm “Vườn rau thanh niên” để các em có thêm nguồn thu và rèn luyện sức khỏe thông qua lao động. Năm học 2018-2019, bằng nguồn vận động từ các nhà hảo tâm, trường đã mạnh dạn xây dựng bếp ăn dành cho 33 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhà xa trường; bố trí cho các em ở tại 8 phòng trong khu tập thể.
Cô Nguyễn Thị Huệ-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: “Các thầy-cô giáo trong trường luôn cố gắng tìm cách giúp các em gắn bó với lớp với trường và cảm nhận trường như là ngôi nhà thứ 2 của mình mà ra sức học tập. Đây còn là giải pháp để nhà trường làm tốt công tác duy trì sĩ số học sinh, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục”. Nói thêm về vấn đề này, cô Huệ bày tỏ lời cảm ơn đến tập thể sư phạm nhà trường và các nhà hảo tâm đã cùng Ban Giám hiệu đồng hành với học trò nghèo hiếu học. Còn chị Nguyễn Thị Phương (tổ dân phố 11, thị trấn Chư Sê)-người nhận đỡ đầu cho 7 học sinh khó khăn của trường nói: “Tôi nhận lời giúp đỡ các cháu vì thấy được ý nghĩa thiết thực của việc làm này. Thêm một lý do nữa là bởi tôi rất xúc động trước tấm lòng vì học trò của các thầy-cô giáo nơi đây”.
Truyền cảm hứng học tập
Ngoài việc đồng hành cùng học sinh nghèo bằng những việc làm thiết thực, thầy-cô giáo Trường THPT Trường Chinh còn là những người rất có kinh nghiệm trong việc truyền cảm hứng học tập cho học sinh. Em Rmah Hùng (lớp 12A6) là một ví dụ. Năm lớp 10, Hùng một mực đòi nghỉ học vì gia đình khó khăn, bản thân bị bệnh tim, sức khỏe yếu, nhà lại xa trường. Khi ấy, cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Mỹ Nga đã “níu” Hùng ở lại bằng cách cùng đoàn viên, thanh niên xây dựng “Vườn rau thanh niên” để giúp Hùng và các em khác có nguồn thu nhập từ việc bán rau sạch, lấy tiền trọ học. Nhờ lao động nhẹ nhàng, phù hợp, sức khỏe Hùng tốt lên từng ngày và em đã lập kỳ tích khi từ một học sinh trung bình, từng có ý định bỏ học trở thành học sinh giỏi 2 năm liền, đạt giải khuyến khích cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh năm 2018.
Môi trường xanh-sạch-đẹp được Trường THPT Trường Chinh xây dựng trong 10 năm qua. Ảnh: Nguyễn Giang |
Ông Lê Duy Định-Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: “Tinh thần nhân văn trong môi trường giáo dục luôn được chúng tôi khuyến khích. Sự nghiệp giáo dục không chỉ dừng lại ở việc dạy kiến thức mà còn phải dạy học sinh trở thành những người có tấm lòng yêu thương, chia sẻ và biết ơn. Tôi đánh giá cao thành tích của thầy-cô giáo Trường THPT Trường Chinh trong việc hỗ trợ học sinh nghèo, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thông qua những việc làm cụ thể”. |
Cô Đinh Thị Phương Chi (giáo viên dạy Ngữ văn) thì lại truyền cảm hứng bằng cách cùng học sinh thực hiện dự án xây khu mua bán miễn phí cho bà con dân tộc thiểu số bán hàng rong tại chợ tổ dân phố 1 (thị trấn Chư Sê). Em Nguyễn Thị Thu Hằng (lớp 12A1) chia sẻ: “Từ khi cùng cô và các bạn vận động thực hiện dự án xây khu chợ miễn phí cho người dân tộc thiểu số, em thấy việc học thêm phần ý nghĩa. Hoạt động vì cộng đồng này giúp em có được nhiều bài học sâu sắc về giá trị cuộc sống”. Hiện cô Chi đang cùng học trò xây dựng dự án “Truyền thông về nuôi con bằng sữa mẹ, đặc biệt trong người dân tộc thiểu số” nhằm nâng cao nhận thức người dân về giá trị vật chất, tinh thần của sữa mẹ để tham gia cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm 2019.
Với lòng nhiệt huyết của thầy-cô giáo trong việc đồng hành và truyền cảm hứng học tập cho học sinh, Trường THPT Trường Chinh đã đạt được nhiều thành tích nổi bật: học sinh lớp 12 luôn đậu tốt nghiệp THPT với tỷ lệ cao, 95-98,6%; học sinh khá-giỏi duy trì ở mức trên 40%. Chất lượng giáo dục mũi nhọn được chú trọng, nhiều năm có học sinh vào đội tuyển thi học sinh giỏi cấp quốc gia... Sau 10 năm phát triển, ngôi trường này đã trở thành địa chỉ đào tạo đáng tin cậy của phụ huynh, học sinh và lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương.
Nguyễn Giang