"Cơm có thịt" cho học sinh nghèo Ia Tul

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 1-10, lần đầu tiên chương trình “Cơm có thịt” đã đến với các em học sinh nghèo người dân tộc Jrai ở xã Ia Tul, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai. Đây cũng là lần đầu tiên chương trình “Cơm có thịt” đến được với học trò nghèo các tỉnh Tây Nguyên.
Hơn 100 học sinh lớp 1 của Trường tiểu học Kim Đồng (xã Ia Tul, huyện Ia Pa) lần đầu tiên được ăn, ngủ bán trú tại trường bắt đầu từ ngày 1-10-2018.  Chương trình “Cơm có thịt” qua bàn tay “mai mối” của nữ Nhà báo Hoàng Thiên Nga-Trưởng Văn phòng Đại diện Báo Tiền Phong Khu vực Tây Nguyên đã đến được với những học sinh người dân tộc Jrai nghèo của huyện vùng xa này.
Chuẩn bị cơm có thịt chô học sinh. Đức Phương
Chuẩn bị cơm có thịt cho học sinh. Ảnh: Đức Phương
Đúng 10 giờ, khi tiếng trống trường vang lên báo hiệu kết thúc giờ học buổi sáng, hơn 100 học sinh ở 3 lớp 1 của trường được ở lại, ngồi tại chỗ để ăn cơm trưa. Bữa cơm trưa đã được 2 cô nhà bếp chuẩn bị từ sớm, bỏ vào các hộp bằng inox to, xếp trên xe đẩy từ nhà bếp đến tận phòng học. Các thầy cô giáo, cùng với lãnh đạo huyện, quan khách, chung tay đưa từng phần ăn đựng trong khay inox đến tận bàn cho các em. Mỗi em được chia khẩu phần khoảng 2 chén cơm trắng, 1 chén canh và 1 phần thịt heo băm nhỏ nấu trộn với đậu khuôn. “Cô dầu bếp Rô H’Điên cho hay: “Chúng tôi cố gắng để đảm bảo các em ăn no và đủ dinh dưỡng. Ưu tiên lớn nhất là giữ vệ sinh và đảm bảo an toàn thực phẩm cho các bữa ăn.”
Lần đầu tiên được ăn bữa cơm tại trường có đủ dinh dưỡng, các em học sinh rất hào hứng. Nhiều học sinh đã ăn không hết khẩu phần của mình. Em Rah Lan Xun, học sinh lớp 1A cho biết: “Ở nhà em cũng ăn cơm, nhưng thường là ăn với canh rau và lá mì xào, cá khô. Ít khi có thịt lắm. Hôm nay ăn có thịt, canh rất ngon”.  
Thầy giáo Trần Đăng Khoa-Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Đồng cho hay, năm học 2018-1019, trường có 11 lớp, 396 học sinh. Trong đó, 100% học sinh là người dân tộc Jrai, đa phần các em đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Vì thế các em một buổi đi học, một buổi thường phải theo cha mẹ lên nương, rẫy. Nhất là vào ngày mùa, nhiều em phải vắng học dài ngày để theo cha mẹ lên nương rẫy để có người nấu cho ăn nên ảnh hưởng rất lớn đến việc học. Chính vì thế nhà trường rất mong muốn tổ chức được bữa ăn trưa cho các em để níu giữ học sinh ở lại trường.
“Bằng tâm huyết của mình, tôi đã thuyết phục vợ mình đồng lòng bỏ ra 100 triệu đồng tiền tiết kiệm từ đồng lương nhà giáo của cả hai để xây dựng bếp ăn bán trú cho học sinh lớp 1 của trường tôi, vì vợ dạy trường khác ở huyện Phú Thiện. Nhưng bấy nhiêu đó là không đủ, để duy trì được bếp ăn cho hơn 100 học sinh ở 3 lớp 1, tôi phải đi vận động các nhà hảo tâm ở khắp nơi, kể cả gửi thư xin sự giúp đỡ của Báo Tiền Phong”-thầy Khoa bày tỏ.
Thầy Khoa đã hy sinh căn phòng làm việc của hiệu trưởng để dời thư viện trường qua, rồi trưng dụng phòng thư viện làm nhà bếp cho trường. Bằng số tiền cá nhân của mình, thầy Khoa đã bỏ ra 30 triệu đồng để mua nồi niêu, dụng cụ bếp núc cho bếp ăn bán trú và khay ăn bằng inox, đũa muỗng cho học sinh; 70 triệu đồng còn lại thầy dành để mua gạo cho bếp ăn. Nhưng bấy nhiêu đó là chưa đủ để duy trì bếp ăn được lâu dài. Chung tay hưởng ứng với tâm huyết của thầy Khoa, Nhà báo Hoàng Thiên Nga-Trưởng Văn phòng đại diện Báo Tiền phong Khu vực Tây Nguyên đã dắt mối đưa chương trình “Cơm có thịt” do Nhà báo Trần Đăng Tuấn tổ chức đến với học trò nghèo xã Ia Tul. Chính Nhà báo Hoàng Thiên Nga đã vận động Bí thư Huyện ủy Ia Pa, Bí thư Thị ủy Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) cùng nhiều nhà hảo tâm chung sức hỗ trợ gần 100 triệu đồng cho “Quỹ vì học trò nghèo vùng cao” của Nhà báo Trần Đăng Tuấn để tổ chức “Bữa cơm có thịt” cho học sinh nghèo xã Ia Tul. 
Em Rah Lan Xun-HS lớp 1A Trường TH Kim Đồng hào hứng với chương trình “Cơm có thịt”. Đức Phương
Em Rah Lan Xun-HS lớp 1A Trường TH Kim Đồng hào hứng với chương trình “Cơm có thịt”. Ảnh: Đức Phương
Chứng kiến các em học sinh hào hứng ăn “bữa cơm có thịt” rất ngon miệng, Nhà báo Hoàng Thiên Nga cho biết: Thời gian qua, Quỹ vì học trò nghèo vùng cao” của Nhà báo Trần Đăng Tuấn đã huy động được hơn 80 tỷ đồng để tổ chức chương trình “Cơm có thịt” cho học sinh nghèo ở các tỉnh miền núi khó khăn. Qua Báo Tiền Phong mai mối, tổ chức, đây là lần đầu tiên chương trình “Cơm có thịt” đến với học trò nghèo ở các tỉnh Tây Nguyên. “Sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức chương trình “Cơm có thịt” tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đinh Núp, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa.  Hy vọng rằng với ý nghĩa thiết thực của chương trình sẽ huy động được sự chung sức ngày càng nhiều, càng đông đảo của các nhà hảo tâm để chương trình “Cơm có thịt” không chỉ dừng lại ở các học sinh lớp 1 mà ở các lớp khác, các trường khác ở nhiều huyện, nhiều tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên”-Nhà báo Hoàng Thiên Nga-bày tỏ.
Có mặt chứng kiến bữa cơm có thịt của học sinh nghèo xã Ia Tul, ông Trương Hoài Hương-Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Xuân Hương (huyện Ia Pa-Gia Lai) cam kết sẽ ủng hộ chương trình “Cơm có thịt” số tiền 70 triệu đồng để góp sức tổ chức bữa cơm cho học sinh nghèo. 
Ông Phạm Văn Đức-Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Ia Pa cho hay, mấy năm nay, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo Ngành GD-ĐT huyện tổ chức trường bán trú, bếp ăn bán trú để có điều kiện tổ chức dạy 2 buổi/ngày. Nhằm có thời gian níu giữ học sinh lâu hơn ở trường để hạn chế tình trạng học sinh bỏ học, vắng học dài ngày theo cha mẹ lên nương, rẫy. Tuy nhiên vì điều kiện huyện nghèo, người dân còn khó khăn nên việc huy động nguồn lực xã hội để tổ chức bếp ăn bán trú chưa được nhiều. Chương trình “Cơm có thịt” đến với học sinh nghèo huyện Ia Pa thật nhiều ý nghĩa.
Đức Phương

Có thể bạn quan tâm