Trường THPT Dân tộc nội trú Đông Gia Lai: Gìn giữ trang phục truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bên cạnh đồng phục, học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú Đông Gia Lai còn được khuyến khích mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình. Thông qua đó, nhà trường mong muốn khơi dậy niềm tự hào và ý thức giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Năm học 2024-2025, Trường THPT Dân tộc nội trú Đông Gia Lai có 438 học sinh người dân tộc Bahnar, Jrai, Dao, Tày, Nùng, Mông, Thái, Mường, Mán, Thổ. Từ những buôn làng xa xôi thuộc huyện Kbang, Kông Chro, Mang Yang, Ia Pa, thị xã Ayun Pa và thị xã An Khê khi về học tập dưới mái trường, các em đã mang theo nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình, trong đó có trang phục truyền thống.

Vào ngày thứ hai hoặc dịp lễ, Tết, các em học sinh khoác trên mình trang phục dân tộc tạo thành vườn hoa rực rỡ sắc màu giữa sân trường. Việc làm này vừa góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa kết tinh trong những trang phục truyền thống, vừa quảng bá bản sắc văn hóa truyền thống đặc trưng của các dân tộc.

Giới thiệu về trang phục đang mặc, em Đinh Thị Tiach (lớp 12B) cho biết: Váy áo thổ cẩm của người Bahnar có tông màu chủ đạo là đen, xanh đen được trang trí khéo léo, hài hòa nhiều họa tiết hoa văn sinh động, độc đáo. Việc tạo ra bộ váy áo truyền thống mất rất nhiều thời gian, công sức.

Tại tổ dân phố Plei Nghe (thị trấn Kông Chro)-nơi gia đình em đang sinh sống có nhiều phụ nữ biết dệt. Cũng như nhiều bạn gái, em được bà ngoại, mẹ hướng dẫn kỹ thuật cơ bản dệt váy áo thổ cẩm. Hiện nay, em đã biết dệt khăn, váy áo trơn.

truong-thpt-dan-toc-noi-tru-dong-gia-lai-thi-xa-an-khe-khuyen-khich-hoc-sinh-mac-trang-phuc-truyen-thong-cua-dan-toc-minh-gop-phan-gin-giu-net-van-hoa-doc-dao.jpg
Trường THPT Dân tộc nội trú Đông Gia Lai khuyến khích học sinh mặc trang phục truyền thống, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc. Ảnh: N.M

“Em rất tự hào khi mặc trang phục của dân tộc mình trong giờ chào cờ đầu tuần hay các chương trình giao lưu văn hóa-văn nghệ do nhà trường tổ chức. Ở trường, nhiều bạn cũng mặc trang phục truyền thống, nhìn rất đẹp. Chúng em thường chia sẻ với nhau về ý nghĩa, vẻ đẹp trang phục mình đang mặc”-Tiach vui vẻ nói.

Xúng xính trong trang phục rực rỡ sắc màu cùng chiếc khăn đính tua rua hạt cườm óng ánh đặc trưng của phụ nữ dân tộc Mông ở xã Ya Hội (huyện Đak Pơ), em Lý Thị Thúy Mai (lớp 10B) tự hào chia sẻ: Trang phục phụ nữ Mông khá cầu kỳ với váy, áo, thắt lưng, có tấm vải che trước váy, xà cạp, khăn/mũ đội đầu. Phụ nữ trong làng thường mặc trang phục vào dịp lễ, Tết, du xuân hoặc hội làng. Em rất thích trang phục truyền thống của dân tộc mình vì rất duyên dáng và nổi bật. Nhà trường phát động mặc trang phục dân tộc, em ủng hộ và hưởng ứng ngay.

hoc-sinh-nguoi-dan-toc-thieu-so-trong-trang-phuc-truyen-thong-tro-chuye-cung-giao-vien-nhan-len-ve-dep-sac-mau-duoi-mai-truong-than-thuong-anh-ngoc-minh.jpg
Học sinh người dân tộc thiểu số trong trang phục truyền thống trò chuyện cùng giáo viên nhân lên vẻ đẹp sắc màu dưới mái trường thân thương. Ảnh: N.M

Những năm qua, Trường THPT Dân tộc nội trú Đông Gia Lai luôn tạo điều kiện để học sinh giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc mình qua các hoạt động như: duy trì hoạt động Câu lạc bộ Cồng chiêng, tổ chức ngoại khóa, hội thi “Sắc màu trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam”...

Thầy Hồ Đức Hòa-Bí thư Đoàn trường THPT Dân tộc nội trú Đông Gia Lai-cho hay: “Thông qua hội thi, các em có cơ hội giới thiệu trang phục truyền thống đặc sắc của dân tộc mình, từ đó khơi dậy niềm tự hào và ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Đây là hoạt động nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số; tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số”.

Còn thầy Trần Công Thường-Hiệu trưởng nhà trường thì nêu quan điểm: Ngày nay, học sinh tiếp cận rất nhanh với các xu hướng thời trang hiện đại nên ít sử dụng trang phục truyền thống của dân tộc mình. Vì vậy, nhà trường vận động, khuyến khích học sinh mặc trang phục truyền thống.

Trước mắt, nhà trường tiếp tục duy trì các hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ cồng chiêng, hội thi, giao lưu văn hóa-văn nghệ để tạo điều kiện cho các em học sinh sử dụng trang phục dân tộc, góp phần khơi dậy niềm tự hào và ý thức giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa trong từng học sinh.

Có thể bạn quan tâm

Dạy thêm trái quy định bị xử lý thế nào?

Dạy thêm trái quy định bị xử lý thế nào?

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp (Hà Nội) cho rằng, khi đã có quy định về các trường hợp “cấm” dạy thêm học thêm, nếu giáo viên vi phạm sẽ phải chịu hình thức kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo và buộc thôi việc.

Học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương được xét tuyển thẳng vào Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh năm 2025

Học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương được xét tuyển thẳng vào Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh năm 2025

(GLO)- Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh vừa công bố thông tin sẽ dành 15% chỉ tiêu để xét tuyển thẳng năm 2025, trong đó ưu tiên tuyển học sinh thuộc 149 trường THPT trên cả nước bằng điểm học bạ. Tỉnh Gia Lai có Trường THPT chuyên Hùng Vương nằm trong danh sách ưu tiên này.

Giáo viên 'nháo nhào' đăng ký dạy thêm

Giáo viên 'nháo nhào' đăng ký dạy thêm

Hôm nay (14/2), Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực. Trước giờ “G”, do chưa thể đăng ký kinh doanh cũng như chưa tìm được trung tâm “bảo trợ”, nhiều giáo viên đã tạm ngưng dạy hoặc dạy online để tìm cách thích ứng.

Làm thế nào để không chọn nhầm nghề?

Làm thế nào để không chọn nhầm nghề?

(GLO)- Khoảng thời gian đầu năm là lúc các trường đại học, cao đẳng trên cả nước đồng loạt đưa ra phương thức xét tuyển đầu vào đối với học sinh tốt nghiệp THPT. Các em học sinh lớp 12 sẽ đưa ra lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai. Điều quan tâm lúc này là làm thế nào để không chọn nhầm nghề?

Nam sinh lớp 8 lan tỏa đam mê tiếng Anh đến trẻ em yếu thế

Nam sinh lớp 8 lan tỏa đam mê tiếng Anh đến trẻ em yếu thế

(GLO)- Hành trình dạy tiếng Anh cho trẻ em yếu thế của nam sinh Nguyễn Viết Minh-Lớp 8.1, Trường THCS Lý Tự Trọng (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) thời gian qua đã truyền cảm hứng mạnh mẽ đến cộng đồng. Bằng việc làm này, em đã biến tình yêu Anh ngữ của mình trở nên thiết thực, đầy ý nghĩa.