Trường Sa, tháng 4 lịch sử 1975 - Kỳ cuối: Trường Sa, thành đồng Tổ quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau bước ngoặt lịch sử 30-4-1975, quần đảo Trường Sa thay da đổi thịt từng năm. Đã có những tòa nhà cao, có sóng điện thoại, có dân sinh sống, có tiếng chuông chùa ngân bình yên... ở quần đảo cách xa đất liền mấy trăm km này.
 
Quân và dân xã đảo Song Tử Tây cùng nhau đi viếng chùa đầu năm - Ảnh: MY LĂNG
Ngoài đảo xa dù thiếu thốn so với trong bờ nhưng nhiều người không muốn về, chỉ muốn gắn bó với đảo.
Ngô Thành Được
45 năm đổi thay, phát triển
Huyện đảo Trường Sa có ba đơn vị hành chính: thị trấn Trường Sa, xã đảo Sinh Tồn và xã đảo Song Tử Tây. Không còn chìm trong bóng tối buồn tẻ, đêm xuống các đảo ở Trường Sa như những thành phố nổi sáng rực đèn điện. Nguồn điện được lấy từ các trụ tuôcbin gió hiện đại.
Song Tử Tây - hòn đảo đầu tiên được treo ngọn cờ cách mạng cuối tháng 4-1975 ngày nay đã là xã đảo Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, cách Cam Ranh khoảng 310 hải lý.
Ngày nay, hành trình đi Song Tử Tây đã được rút ngắn, chỉ còn hai ngày một đêm. Người từ đất liền ra đây bất ngờ với rất nhiều thứ trên hòn đảo. 
Ở nơi cách xa đất liền mà đảo Song Tử Tây xây dựng được âu tàu kiên cố, rộng lớn với diện tích hơn 3,5ha. Đây là nơi trú ẩn an toàn cho tàu cá ngư dân đánh bắt xa bờ vào tránh bão.
Đặc biệt, đội dịch vụ hậu cần nghề cá âu tàu đảo Song Tử Tây còn cung cấp miễn phí nước ngọt, các dịch vụ y tế, sửa chữa tàu thuyền cho bà con ngư dân. Ngư dân muốn sử dụng nhiên liệu, nhu yếu phẩm cũng được cung cấp với giá như trong đất liền.
Trên đảo Song Tử Tây còn có ngọn hải đăng rất đẹp đầu tiên được xây dựng trên quần đảo Trường Sa (tháng 10-1993). Đây là hải đăng cấp 1, thuộc hệ thống bảo đảm an toàn hàng hải quốc tế. Trên đảo còn có một trạm khí tượng thủy văn.
Những cựu chiến binh 45 năm trước từng đổ bộ lên Song Tử Tây kể khi đó đảo chỉ có mấy chục cây dừa và rau dại là cây sâm đất, rau sam dại. Nhưng 45 năm sau, Song Tử Tây đã được phủ xanh bởi cây bàng vuông, cây phong ba, cây tra, cây mù u...
Đặc biệt, trên đảo còn có cây phong ba cổ thụ cao hàng chục mét mà chỉ huy trưởng Đậu Đình Dân tự hào khoe là cây di sản. 
Riêng ở thị trấn Trường Sa (đảo Trường Sa Lớn) còn có rặng tre - món quà mà một ông bố mang theo khi ra đảo thăm con. 
Đó là hình ảnh thân thuộc, thương nhớ với biết bao người lính ở những vùng quê miền Bắc, miền Trung khiến cho đảo xa như là một nơi đâu đó trong đất liền.
Nếu thế hệ bộ đội giữ đảo thời kỳ đầu tiên chỉ có rau sam dại để ăn tạm thì ngày nay đảo trồng được rất nhiều loại rau và có rau xanh quanh năm. 
Nhìn những luống rau ngót, rau muống, rau mồng tơi, rau cải... xanh mướt mắt, khó để nghĩ những loại rau ấy được trồng ngoài hòn đảo xa xôi, thời tiết khắc nghiệt và nước ngọt thiếu thốn này.
Bộ đội ở Song Tử Tây cũng như nhiều hòn đảo khác dù xa xôi đến mấy vẫn cố gắng đưa những loài hoa từ đất liền ra làm đẹp cho đảo. Những loài hoa ngoài này chủ yếu là hoa giấy, hoa sứ, hoa chuông vàng... vốn chịu được môi trường khắc nghiệt. 
Hoa nở khắp nơi trên đảo. Có đảo như Sơn Ca còn mang ra được chậu quất và tươi tốt mấy năm nay, ai cũng tự hào vì cả đảo có được cây quất tứ quý trổ hoa, kết trái.
Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn ngày xưa hoang vắng, sơ khai bao nhiêu thì bây giờ khác lạ bấy nhiêu. 
Khác lạ đến nỗi cựu chiến binh Lê Xuân Phát may mắn được hai lần quay lại thăm Trường Sa phải thốt lên: "Trường Sa khác một trời một vực ngày xưa. Tôi không nhận ra Song Tử Tây, Trường Sa Lớn. Đẹp hơn, khang trang hơn rất nhiều".
Bởi, Trường Sa hôm nay như một miền quê nhỏ giữa đại dương mênh mông. Khách đất liền ra thích thú khi thấy đảo xa cũng có cây đu đủ, cây xoài, cây dừa..., cũng có chim bồ câu, có những chú bò thẩn thơ nằm dưới bóng cây mát rượi giữa trưa nắng. Quân và dân trên đảo còn chăn nuôi gà, vịt, heo ở khu riêng biệt để bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, Song Tử Tây là đảo duy nhất ở quần đảo Trường Sa nuôi được bò. Thượng tá Đậu Đình Dân, chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây, tủm tỉm bảo: "Bộ đội không dám làm thịt bò đâu. Nuôi được mấy con nên giữ lại cho chiến sĩ và người dân nhìn đỡ nhớ nhà. Khi có sự kiện gì lớn mới dám làm bò đãi cả đảo".
 
Tối bình yên của vợ chồng chị Nguyễn Thị Lan ngồi nói chuyện với nhau, còn các con học bài ở Trường Sa - Ảnh: MY LĂNG
Cuộc sống bình dị ở quần đảo bão tố
Nhiều đảo như Song Tử Tây, Trường Sa Lớn, Sinh Tồn... có trường học, có người dân ra lập nghiệp sinh sống, có trụ sở ủy ban xã đảo, có bệnh xá, có cả dân quân tự vệ. 
Đến nay đã có năm ngôi chùa được xây dựng ở đảo Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca và Sinh Tồn.
Nhưng cái khắc nghiệt ở Trường Sa thì vẫn như thế: nắng, gió, mưa, bão. Nắng Trường Sa cháy da, đỏ rát mặt. Nắng khiến những cây phong ba, cây bàng trên đảo trơ trụi lá, chỉ còn những cành khẳng khiu.
Tuy nhiên, sức sống của những loài cây ở đảo cũng như quân dân trên đảo thì chẳng thể có khắc nghiệt nào quật ngã được. 
Những ngày ở đảo Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn... có cảm giác như ở vùng quê ven biển nào đó trong đất liền. Cuộc sống trên đảo cũng bình thường như trong bờ. 
Phụ nữ thì bận rộn với việc trồng rau, nuôi gà, sáng đưa con đến trường, về nấu cơm, giặt giũ, quét dọn nhà cửa...
Chiều mát mấy hộ dân ngồi hàn huyên vui vẻ trước cửa nhà. Các ông chồng thì làm dân quân. Ngày biển êm thì xin phép chỉ huy đảo cho chèo mủng đi giăng lưới kéo cá. Tối xem tivi, kiểm tra bài vở con học. Ngày rằm, mùng 1 rủ nhau đi chùa, cùng nấu đồ chay...
"Vợ chồng mình thích cuộc sống nhẹ nhàng, bình yên ngoài này", anh Sầm Văn Lương, hộ gia đình số 2, người Khánh Hòa, nói. Vợ chồng anh Sầm có một cô con gái tên Trúc Ly, đang học lớp 1.
"Ở đây các hộ gia đình đoàn kết lắm, sống rất tình cảm, có gì cũng chia cho nhau ăn qua ăn lại. Chỉ có cái là nếu trong đất liền buồn buồn còn lấy xe chở con đi chơi, đi ăn ly chè, ăn cái bánh.
Ở đây xung quanh là biển nước mênh mông. Vậy chứ vợ chồng mình không thích về đất liền ở. Trong kia xô bồ, đông đúc quá, không hợp", chị Trương Thị Mùi, 32 tuổi, vợ anh Sầm, cho hay.
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Lan, anh Ngô Thành Được, 32 tuổi, người Khánh Hòa có hai cậu con trai tên Ngô Nguyễn Thiên Long (7 tuổi, học sinh lớp 2) và Ngô Nguyễn Thiên Lâm (6 tuổi, lớp 1). Năm 2019 cả hai bé đều là học sinh xuất sắc. 
"Học hết tiểu học thì mình gửi hai đứa nhỏ vào bờ cho học tiếp chứ vợ chồng mình không vô đâu. Ở đây lâu quen rồi. Mỗi lần vào bờ thăm người thân là lại thấy nhớ đảo, chỉ muốn ra sớm", chị Lan chia sẻ.
Hỏi điều gì khiến chị yêu đảo như vậy, chị Lan nói ngắn gọn: Tình cảm quân dân. "Tết Trung thu, ở ngoài này xa xôi, thiếu thốn vật liệu nhưng các bác, các chú vẫn cố gắng tổ chức một đêm Trung thu rất vui cho các cháu. Các chú không ngại làm ông địa, đánh trống, đi múa lân khắp đảo làm cho các cháu vui", chị Lan kể.
Và người mẹ của hai cậu con trai lớn lên trên đảo mỉm cười bảo: "Tụi mình có gì cũng mang cho các bác, các chú một ít. Nấu chè đậu xanh, rau câu cũng chia một ít. Cây trái nhà trồng được có trái gì cũng mang lên cho các bác. 
Có khách từ đất liền mang trái cây ra tặng, các bác lại mang xuống cho mấy đứa nhỏ. Có khi các bác cho cân thịt heo, cả xấp giấy A4 để các cháu tha hồ vẽ".
My Lăng (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.