Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai: Phát huy truyền thống 40 năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trải qua chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển, Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai đã gặt hái được nhiều thành tựu với nhiệm vụ nâng cao trình độ dân trí và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai (Ảnh:internet)
Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai (Ảnh:internet)
Một thời gian khó
Tiền thân của Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai là Trường Sư phạm cấp II Gia Lai-Kon Tum, được thành lập ngày 2-11-1979 tại số 24 Hùng Vương, thị xã Pleiku (nay là Trường THPT Phan Bội Châu) với nhiệm vụ đào tạo giáo viên cấp II và hệ 12+2 cho tỉnh. Năm học đầu tiên, nhà trường có 30 cán bộ, giảng viên chia làm 5 phòng và 3 tổ chức năng, chiêu sinh được 182 sinh viên thuộc 4 chuyên ngành gồm: Văn, Toán-Lý, Hóa-Sinh, Sử-Địa. Đến đầu năm học 1981-1982, trường chuyển về địa điểm mới ở xã Trà Bá, thị xã Pleiku. “Đây là trại lính của chế độ cũ được cải tạo lại để dạy học. Cả trường có một dãy nhà gồm 3 phòng thưng cót, nền đất được tận dụng làm phòng học và phòng ở của giáo viên. Ban đêm, chúng tôi đốt lửa chiếu sáng thay cho đèn dầu và xua đuổi muỗi. Ăn uống thiếu thốn. Đến dịp Tết Nguyên đán, anh chị em giảng viên muốn về quê cũng không có tiền”-thầy Lê Thanh Sơn-Trưởng phòng Hành chính-Quản trị, người có 36 năm công tác ở trường nhớ lại.
 Một tiết học của sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai. Ảnh: N.T
Một tiết học của sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai. Ảnh: N.T
4 năm sau, nhà trường chuyển về cơ sở mới là đồi 42, phường Diên Hồng, thị xã Pleiku (nay là 126 Lê Thánh Tôn, phường Ia Kring, TP. Pleiku). Dù vậy, vì điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, nhà trường phải phân tán ở 3 cơ sở với 8 địa điểm cách nhau khoảng 10 km. “Những năm này cũng vất vả lắm. Giảng viên phải tăng gia sản xuất, nuôi heo thì mới đủ sống. Mỗi ngày, chúng tôi phải đi xe đạp hoặc đi bộ cả 10 km để đến các điểm trường dạy học”-thầy Sơn kể.
Đến năm 1991, nhà trường được chia tách và nâng cấp thành Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai với gần 500 sinh viên. Từ thời điểm này, trường bắt đầu mở rộng các ngành đào tạo. Là một trong những sinh viên đầu tiên theo học khi trường được nâng cấp thành trường cao đẳng, ông Nguyễn Ngọc Ngô-Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện-hồi tưởng: “Tôi học khóa 1991-1994. Thời kỳ đó, ít người đi học sư phạm lắm vì học xong thường bị phân công dạy vùng sâu, vùng xa, tiền lương không đủ trang trải cuộc sống. Trường mới thành lập, không có ký túc xá nên sinh viên phải ở trọ để theo học. Giảng viên cũng thiếu nên thường xuyên phải kiêm nhiệm và tăng ca”.
Những thành tựu quan trọng
Đến nay, ngôi trường được thành lập sau giải phóng 4 năm với bộn bề gian khó đã vươn mình trở thành cái nôi đào tạo nguồn nhân lực trong và ngoài tỉnh, góp phần nâng cao trình độ dân trí. Có được điều đó là nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự đồng lòng chung sức của nhiều thế hệ thầy và trò Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh. 
Nhà trường đạt được những thành tích vẻ vang sau 40 năm. Ảnh: N.T
Nhà trường đạt được những thành tích vẻ vang sau 40 năm. Ảnh: N.T
Theo thống kê, 40 năm qua, nhà trường đã đào tạo hàng ngàn lượt sinh viên theo các chương trình: giáo viên cao đẳng sư phạm; giáo viên cao đẳng sư phạm diện rộng, hẹp; bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm; bồi dưỡng tin học; dạy tiếng Jrai, Bahnar… Song song với đó, nhà trường còn liên kết với các trường đại học trong cả nước để đào tạo hệ từ xa, sau đại học. Tính riêng giai đoạn 1994-2014, trường đã đào tạo 3.500 sinh viên theo 20 chuyên ngành giáo viên sư phạm, 5 loại hình bồi dưỡng; liên kết với 10 trường đại học trong nước đào tạo hơn 3.000 sinh viên các hệ khác nhau. Ngoài ra, nhà trường cũng tổ chức đào tạo cho hàng chục lượt sinh viên Lào.
Chất lượng giáo dục của trường từng bước được nâng lên. Những năm 80, trường có khoảng 10% sinh viên đạt khá giỏi nhưng đến nay, tỷ lệ này đạt khoảng 30%, cá biệt có ngành đạt 50% và tỷ lệ sinh viên ra trường đạt 90%. Bên cạnh đó, trình độ đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý của trường cũng được nâng lên. Từ chỗ chỉ có 30 cán bộ, giảng viên với trình độ cao nhất là đại học, đến nay, trường có 128 cán bộ, giảng viên với trình độ cao nhất là tiến sĩ. 
Cơ sở vật chất nhà trường từng bước được đầu tư theo hướng hiện đại đáp ứng nhu cầu dạy và học. Trường hiện có mặt bằng tổng thể 7,57 ha chia thành 2 khu vực. Một là khu nhà làm việc và giảng đường rộng 5 ha. Khu vực còn lại rộng hơn 2 ha là nhà nội trú và nhà khách. Ngoài phòng học, nhà làm việc, Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh còn có hội trường, phòng thí nghiệm và hệ thống internet được kết nối đồng bộ. Khuôn viên trường có hàng trăm cây xanh tạo không gian xanh-sạch-đẹp. Với nỗ lực không ngừng nghỉ của các thế hệ thầy và trò, Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh đã được Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh trao tặng nhiều phần thưởng như: Huân chương Lao động hạng ba, hạng nhì; cờ thi đua; bằng khen...
40 năm là hành trình dài để Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh khẳng định vị thế của mình. Tuy vậy, những năm gần đây, công tác tuyển sinh của nhà trường gặp không ít khó khăn. Hiện nhà trường đang triển khai nhiều giải pháp nhằm duy trì và nâng tầm một ngôi trường có bề dày lịch sử của tỉnh. Bà Nguyễn Thị Thu Hà-Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh-cho biết: “Thời gian tới, ngoài việc duy trì chương trình đào tạo giáo viên sư phạm các hệ, chú trọng đào tạo giáo viên ngành mầm non và bồi dưỡng kiến thức cho giáo viên theo Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, chúng tôi sẽ tiếp tục liên kết với các cơ sở giáo dục trong cả nước để đào tạo sau đại học. Chúng tôi cũng đã trình UBND tỉnh phê duyệt đề án xây dựng Trường THPT chất lượng cao tự chủ về tài chính thuộc Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh”.
NGUYỄN TÚ

Có thể bạn quan tâm

Thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Ia Tô (xã Ia Tô, huyện Ia Grai) mong muốn được hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản. Ảnh: H.D

Ia Grai: Hợp tác xã chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm

(GLO)- Nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã chủ động tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm của mình. Tuy nhiên, để sản phẩm mới có được chỗ đứng ổn định trên thị trường, các HTX rất cần sự hỗ trợ của chính quyền và ngành chức năng địa phương.

Hướng dẫn thực hiện các phong trào thi đua cho phụ nữ huyện Phú Thiện

Hướng dẫn thực hiện các phong trào thi đua cho phụ nữ huyện Phú Thiện

(GLO)- Sáng 25-3, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hiện các phong trào thi đua, đợt thi đua đặc biệt chào mừng các ngày lễ lớn và hưởng ứng phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hơn 100 cán bộ, hội viên phụ nữ của 2 xã Ia Piar và Ia Peng (huyện Phú Thiện).

Hội LHPN xã Ia Mơ Nông tặng hội viên thùng rác để bỏ rác sinh hoạt, bảo vệ môi trường. Ảnh: G.H

Ia Mơ Nông chung tay bảo vệ môi trường nông thôn

(GLO)- Nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và triển khai nhiều mô hình, cách làm hay, hiệu quả, góp phần làm cho cảnh quan môi trường nông thôn của xã ngày càng xanh-sạch-đẹp. 

Diện mạo nông thôn xã Chư Mố ngày càng khang trang. Ảnh: R.H

Chuyện về những ngôi làng bên sông Ba

(GLO)- Đến xã Chư Mố (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai), chúng ta nhận thấy tên gọi 5 làng ở đây đều gắn liền với dòng sông Ba và những người lập làng đầu tiên. Đó là các làng: Plơi Apa Ama Đă, Plơi Apa Ama H’Lăk, Plơi Apa Ama Lim, Plơi Apa Ơi H’Trông và Plơi Apa Ơi H’Briu.

Hàng cây ngô đồng rực sắc trên đường về miền biên giới Ia Mơ. Ảnh: V.T.T

Về miền biên giới Ia Mơ

(GLO)- Khi ngồi viết những dòng chữ này, tôi vẫn còn vấn vương trước vẻ đẹp của hàng cây ngô đồng điểm tô sắc đỏ chấm phá trên nền trời xanh biếc dọc miền biên giới Ia Mơ.