Trung Quốc bỏ tiền tỉ nhảy vào truyền tải điện ở Lào

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo thỏa thuận vừa được ký tại Vientiane (Lào) hôm 1-9, công ty truyền tải điện quốc gia Lào (EDLT) sẽ do chính phủ Lào điều hành nhưng "tận dụng sức mạnh tài chính và kinh nghiệm" của Trung Quốc để phát triển.
Lễ ký kết thỏa thuận cổ đông thành lập EDLT tại Lào - Ảnh chụp màn hình Tân Hoa xã
Lễ ký kết thỏa thuận cổ đông thành lập EDLT tại Lào - Ảnh chụp màn hình Tân Hoa xã
Tân Hoa xã đã bắt đầu bản tin về thỏa thuận giữa Công ty điện lực quốc gia Lào (EDL) và công ty China Southern Power Grid (CSG) bằng việc ca ngợi. CSG là một trong hai tập đoàn điện lực do nhà nước Trung Quốc quản lý.
"Việc thành lập EDLT là một bước quan trọng trong việc xây dựng cộng đồng Trung Quốc - Lào cùng chung tương lai, là thành tựu mới nhất sau Hội nghị Mekong - Lan Thương lần 3", hãng thông tấn chính thức Trung Quốc khẳng định ngày 3-9.
Theo thỏa thuận cổ đông giữa Lào và Trung Quốc, EDLT sẽ hoạt động dưới sự điều tiết của Chính phủ Lào nhưng sẽ "tận dụng sức mạnh tài chính, kinh nghiệm của CSG trong xây dựng, vận hành và quản lý lưới điện, hướng tới xây dựng mạng lưới điện quốc gia cho Lào". Chi tiết về cổ phần của hai bên không được tiết lộ. 
Sự xuất hiện của EDLT thu hút sự chú ý quốc tế trong bối cảnh có nhiều lo ngại và cảnh báo từ các tổ chức xếp hạng tín dụng về nợ quốc tế của Lào, đặc biệt nợ Trung Quốc.
Trang web của Đại sứ quán Trung Quốc tại Lào cho biết Vientiane sẽ vận hành các trạm truyền tải điện của EDLT nhưng không hé lộ mức nắm giữ cổ phần mỗi bên ra sao. Mặc dù vậy, theo sứ quán Trung Quốc, "Lào cũng có thể từng bước mua lại cổ phần trong quá trình hoạt động".
Hãng tin Reuters ngày 4-9 dẫn dẫn 3 nguồn giấu tên tiết lộ phần lớn cổ phần trong EDLT sẽ do Trung Quốc nắm giữ. Một nguồn tin ẩn danh khác lạc quan rằng sự xuất hiện của công ty mới sẽ giúp Lào có được vị thế thương lượng giá điện tốt hơn khi bán cho nước ngoài và "bắt đầu thu lợi nhuận". 
Cả EDL và CSG đều không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters. Chính phủ Lào và Trung Quốc cũng im lặng khi được Reuters liên hệ.
Theo tờ Vientiane Times, EDLT sẽ đầu tư khoảng 2 tỉ USD trong tương lai vào lưới điện địa phương và các trạm truyền tải điện ra nước ngoài. Xuất khẩu điện là một trong các trọng tâm trong kế hoạch phát triển của Lào.
Phát biểu trước đó trong lễ ký kết tại Vientiane, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào Khammany Inthirath khẳng định EDLT là một dự án quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa ở Lào. 
Theo ông Inthirath, không chỉ giúp tự túc và ổn định nguồn điện để phát triển của đất nước, EDLT sẽ củng cố kết nối cơ sở hạ tầng Lào với các nước láng giềng, góp phần giúp Lào trở thành "viên pin sạch của châu Á".
Theo BẢO DUY (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Giá cà phê xuất khẩu tăng 78,5%

Giá cà phê xuất khẩu tăng 78,5%

(GLO)- Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, trong tháng 1-2025, tuy xuất khẩu cà phê của nước ta chỉ đạt 140 ngàn tấn (giảm 41,1% so với cùng kỳ năm 2024), nhưng giá trị thu về lại tăng 5% so với cùng kỳ năm 2024, đạt 763 triệu USD.

Bentley Continental GT 2025 “cập bến” Việt Nam, giá khởi điểm 20 tỷ đồng

Bentley Continental GT 2025 “cập bến” Việt Nam, giá khởi điểm 20 tỷ đồng

(GLO)- Đây là thế hệ thứ 4 của Bentley Continental GT với nhiều sự nâng cấp mới về công nghệ và hệ truyền động hybrid. Tuy Continental GT 2025 được định vị là dòng xe Grand Tourer. Mẫu xe đến từ Anh Quốc này sở hữu thời gian tăng tốc đáng kinh ngạc, chỉ mất 3,2 giây để tăng tốc từ 0 lên 100 km/h.

Niêm yết giá, luật đã có sao chưa làm?

Niêm yết giá, luật đã có sao chưa làm?

Quán bún riêu nổi tiếng có tuổi đời chục năm ở Hà Nội đã bị đóng cửa ngay đầu năm mới, do hành khách tố phải trả 1,2 triệu đồng cho 3 bát bún. Khi bị dư luận phản ứng và cơ quan chức năng vào cuộc thì chủ quán thanh minh là "nói đùa" khi tính tiền.