Trồng mới 8.000 ha rừng: Chạy đua với mùa mưa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Tranh thủ mùa mưa, UBND các huyện và các ban quản lý rừng phòng hộ, công ty lâm nghiệp, doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp tiến hành trồng rừng với mục tiêu hoàn thành kế hoạch trồng mới 8.000 ha rừng trước khi bước vào mùa khô.

Khẩn trương trồng rừng

Khi màn sương sớm còn đang dày đặc thì trên ngọn núi cao hơn 1.000 m so với mực nước biển ở xã Hòa Phú (huyện Chư Păh), anh Bùi Quốc Nguyên-người nhận khoán trồng rừng đang hướng dẫn dân làng Broch (xã Ia Khươl) triển khai công việc. Lần lượt những cây thông non được nhẹ nhàng bóc lớp ni lông bọc bên ngoài bầu giống. Một người đi trước chọc lỗ xuống hố đã đào sẵn, người đi sau dùng tay xới cho tơi đất rồi trồng thông non xuống. Họ cứ thế lần lượt lấp đầy từng khoảnh đất trống trên triền núi.

Người dân xã Ia Khươl (huyện Chư Păh) trồng rừng. Ảnh: Nguyễn Tú
Người dân xã Ia Khươl (huyện Chư Păh) trồng rừng. Ảnh: Nguyễn Tú


Anh Nguyên cho biết: “Tôi được Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ giao trồng mới 35 ha thông ở ngọn núi này. Tranh thủ mùa mưa, tôi thuê 35 nhân công đều là anh em, họ hàng ở làng Broch lên đây trồng. Thời điểm này tìm thuê nhân công rất khó, tiền công trả 200-350 ngàn đồng/ngày”. Theo anh Nguyên, công đoạn vất vả nhất là gùi cây giống lên núi. Mùa mưa, đường trơn trượt, xe độ chế chỉ chở được đến lưng chừng, sau đó thông tiếp tục được gùi lên. Mỗi chuyến đi và về mất hơn 2 tiếng đồng hồ, trong khi mỗi gùi chỉ chứa được vài chục cây. Dốc cao, có hôm người đi trước trượt chân ngã khiến những người sau cũng ngã theo.

Tại một ngọn núi phía đối diện cũng có một nhóm người đang lúi húi trồng rừng. Ông Nguyễn Tất Thành-Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ-thông tin: “Theo kế hoạch, năm nay, chúng tôi trồng mới 100 ha thông tại tiểu khu 253. Ở đây, chúng tôi có 2 nhóm nhận trồng với tổng diện tích 75 ha. Đến nay, diện tích đã trồng mới đạt khoảng 60 ha. Chúng tôi đang đôn đốc các nhóm nhận khoán để hoàn thành 40 ha còn lại trước khi mùa mưa kết thúc”.

Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiêp Kông Chro cấp giống cho người dân trồng rừng. Ảnh: Nguyễn Diệp
Công ty TNHH một thành viên lâm nghiêp Kông Chro cấp giống cho người dân trồng rừng. Ảnh: Nguyễn Diệp


Tương tự, năm 2021, Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Kông Chro dự kiến sẽ trồng mới 350 ha rừng. Từ đầu năm 2021 đến nay, Công ty đã chuẩn bị xong 250 ha đất và trồng mới được 80 ha ở các xã: Đak Song, Sró, Đak Pling. Đây là một trong những đơn vị dẫn đầu trong công tác trồng rừng, phủ xanh đồi trọc. Tính riêng năm 2020, Công ty đã trồng được 370,3 ha rừng. “Những năm gần đây, Công ty đẩy mạnh trồng rừng nhằm tạo thêm sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân trong huyện. Năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công tác trồng rừng của Công ty ít nhiều bị ảnh hưởng”-Giám đốc Công ty Từ Tấn Lộc cho biết.

Trong khi đó, để thực hiện kế hoạch trồng 30 ha rừng năm 2021, ngay từ đầu năm, Ban Quản lý rừng phòng hộ Mang Yang đã tiến hành ươm giống, đồng thời thuê người phát dọn thực bì, đào hố, vận chuyển hơn 57.000 cây thông giống lên những ngọn núi có độ cao 800-900 m, vượt nhiều đoạn dốc vô cùng khó khăn để phủ xanh những khu vực đất trống, đồi trọc thuộc địa bàn xã Đak Jơ Ta. Ông Nguyễn Văn Hùng-Trưởng ban-cho hay: Đến giữa tháng 6-2021, đơn vị đã trồng hơn 30,7 ha, vượt kế hoạch đề ra. Diện tích rừng trồng mới này được giao các hộ nhận khoán trồng và chăm sóc với kinh phí chi trả 60-63 triệu đồng/ha/4 năm.  

Ông Lê Thanh Sơn-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang-thông tin: Năm 2021, tỉnh giao cho huyện trồng 200 ha rừng tập trung và 70 ha cây phân tán. Đến nay, địa phương đã trồng được 188 ha. “Thực hiện chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ huyện đề ra, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch phân bổ xuống các xã, thị trấn, các công ty lâm nghiệp trồng 500 ha rừng. Bên cạnh chỉ tiêu trồng rừng, huyện hỗ trợ trên 300 triệu đồng giúp các hộ nghèo, cận nghèo người dân tộc thiểu số trồng cây dổi xanh, mắc ca. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực trồng rừng ở những khu vực đất bạc màu, độ dốc cao, góp phần tăng độ che phủ rừng”-ông Sơn thông tin.

Đẩy nhanh tiến độ

Nghị quyết Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Ia Grai đề ra chỉ tiêu trồng mới hơn 400 ha rừng trong năm 2021. Tuy nhiên hiện đã được điều chỉnh lên 1.234 ha. Ông Đào Lân Hưng-Phó Chủ tịch UBND huyện-thông tin: Hiện các xã Ia Pếch, Ia Bă, Ia Grăng và Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Ia Grai đã trồng gần 80 ha. Số diện tích còn lại đang được Công ty TNHH một thành viên Minh Anh Nguyễn Gia Lai (460 ha), Công ty cổ phần Trần Quang Gia Lai (735 ha) thực hiện. “Chúng tôi thường xuyên theo dõi tiến độ trồng rừng để có chỉ đạo kịp thời, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị. Đồng thời, chủ động phối hợp, đôn đốc các doanh nghiệp tranh thủ mùa mưa đẩy nhanh tiến độ trồng rừng theo kế hoạch tỉnh giao”-ông Hưng nêu giải pháp.

Toàn tỉnh đã trồng hơn 2.256 ha rừng, đạt 28,2% so với kế hoạch đề ra. Ảnh: Đức Thụy
Toàn tỉnh Gia Lai đã trồng hơn 2.256 ha rừng, đạt 28,2% so với kế hoạch đề ra. Ảnh: Đức Thụy


Ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI với mục tiêu trồng mới 40.000 ha rừng, áp lực rất lớn. Khó khăn hiện nay là các nguồn kinh phí hỗ trợ cho việc trồng rừng theo Nghị định 75 và Nghị định 38 của Chính phủ chưa được bố trí, tỉnh phải tạm ứng. Đặc biệt, việc giải quyết các thủ tục đất đai cho các doanh nghiệp trồng rừng còn chậm, một số đơn vị được giao đất trồng rừng có năng lực tài chính hạn chế nên triển khai chậm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Việt-Phó Giám đốc Công ty cổ phần Trần Quang Gia Lai thì cho hay: “Đến thời điểm này, doanh nghiệp đã trồng hơn 162 ha và chuẩn bị hơn 300 ha đất cùng cây giống. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các đơn vị ký hợp đồng trồng rừng ở các tỉnh Phú Yên, Bình Định không huy động được nhân công khiến tiến độ bị ảnh hưởng. “Theo chứng nhận đầu tư thì đơn vị hoàn thành công tác trồng rừng trong năm 2022, nhưng theo yêu cầu của địa phương, chúng tôi đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ trong năm nay”-ông Việt nói.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, tính đến ngày 4-8, toàn tỉnh đã trồng hơn 2.256 ha rừng, đạt 28,2% so với kế hoạch đề ra. Trong đó, rừng sản xuất là 1.920 ha, rừng phòng hộ 147,2 ha; trồng rừng thay thế 110,7 ha và cây phân tán 78,26 ha. Một số địa phương, đơn vị như: huyện Chư Prông, Kbang, Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Hà Nừng (huyện Kbang), Kông Chiêng (huyện Mang Yang) đã chủ động triển khai, tranh thủ thời tiết thuận lợi để hoàn thành kế hoạch trồng rừng được giao. Trong khi đó, các doanh nghiệp thuê đất trồng rừng chỉ mới thực hiện được 247/2.757 ha so với kế hoạch, nhiều doanh nghiệp có diện tích được giao lớn nhưng đến nay tiến độ thực hiện rất chậm. Tại một số huyện phía Đông và Đông Nam tỉnh như: Đak Pơ, An Khê, Kông Chro, Ia Pa, Krông Pa, Ayun Pa do thời tiết hanh khô kéo dài, lượng mưa thấp dẫn đến chậm tiến độ so với kế hoạch trồng rừng chung của tỉnh.

Trao đổi với P.V, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh-cho biết: Sở sẽ thường xuyên theo dõi, đôn đốc các địa phương, đơn vị tranh thủ thời tiết thuận lợi khẩn trương triển khai trồng rừng theo kế hoạch. Đồng thời, đơn vị sẽ tiếp tục vận động người dân đang canh tác nông nghiệp trên đất lâm nghiệp chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng rừng kết hợp xen cây nông nghiệp ngắn ngày, cây dược liệu theo mô hình nông-lâm kết hợp.

“Chỉ còn hơn 3 tháng nữa là mùa mưa kết thúc, do vậy phải bằng mọi giá hoàn thành chỉ tiêu trồng mới 8.000 ha rừng, trung bình mỗi tháng hơn 2.000 ha. Sở cũng đã thành lập ban chỉ đạo công tác trồng rừng nhằm giải quyết nhanh vấn đề kinh phí, nguồn cây giống giúp các địa phương, đơn vị chủ động triển khai theo kế hoạch. Mặt khác, đôn đốc, kiểm tra, tháo gỡ vướng mắc về đất đai, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp lớn vào hợp tác, liên doanh, liên kết trồng rừng”-ông Nghĩa khẳng định.  

 

 MINH NGUYỄN - HOÀNH SƠN

Có thể bạn quan tâm

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

(GLO)- Nhờ biết tính toán và tích cực lao động sản xuất nên gia đình ông Rơ Châm Pyik (làng Châm Aneh, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) có nguồn thu ổn định hơn 900 triệu đồng/năm. Không những thế, ông còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở cơ sở.

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

(GLO)- Chiều 29-10, tại xã Ia Tô, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Công ty cổ phần Giống cây trồng, vật nuôi Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo đánh giá kết quả sản xuất giống lúa HG12 trên địa bàn huyện trong vụ mùa năm 2024. 

Tuổi cao vẫn bền chí làm giàu

Tuổi cao vẫn bền chí làm giàu

(GLO)- Sở hữu 5 ha cà phê với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm nhưng ông Amyơm (SN 1964; làng Dơk Rơng, xã Glar, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) vẫn muốn mở rộng thêm diện tích nhằm nâng cao thu nhập cùng quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp

(GLO)- Từ nguồn hỗ trợ của Trung ương và ngân sách địa phương, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai phối hợp với các địa phương xây dựng nhiều mô hình trình diễn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi cho người dân. Nhờ đó, năng suất, chất lượng nông sản địa phương được nâng cao.

Chăn nuôi bò kết hợp trùn quế: Lợi ích kép

Chăn nuôi bò kết hợp trùn quế: Lợi ích kép

(GLO)- Tuy mới thành lập nhưng Tổ hội nghề nghiệp nuôi trùn quế xã Tú An (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã mang lại lợi ích kép cho các thành viên khi không chỉ tạo cơ hội chia sẻ kinh nghiệm làm ăn mà còn thúc đẩy việc nhân rộng mô hình chăn nuôi bò kết hợp nuôi trùn quế.