Trồng cà chua ghép trên gốc cà tím, nông dân Vĩnh Phúc bất ngờ thu 30-40 triệu/sào ngon ơ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Bạch Lưu, huyện Sông Lô (tỉnh Vĩnh Phúc) đã tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, triển khai thực hiện nhiều mô hình trình diễn giống cây mới đem lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao, trong đó có mô hình trồng cà chua ghép trên gốc cà tím.

Trước đây, nông dân xã Bạch Lưu (huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) trồng cây cà chua nhưng năng suất, chất lượng quả không cao, thời gian thu hoạch ngắn.

Năm 2012, được sự hướng dẫn, hỗ trợ về giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc của Sở NNPTNT, UBND xã Bạch Lưu đã phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật rau hoa quả Vĩnh Phúc triển khai mô hình trồng cà chua ghép trên gốc cây cà tím với hơn 10 hộ dân tham gia.


 

Mô hình trồng cà chua ghép trên gốc cà tím của gia đình ông Vũ Ngọc Toàn, xã Bạch Lưu, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) cho hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình trồng cà chua ghép trên gốc cà tím của gia đình ông Vũ Ngọc Toàn, xã Bạch Lưu, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) cho hiệu quả kinh tế cao.


Với kinh nghiệm hơn 8 năm trồng cà chua ghép, ông Nguyễn Văn Thanh, thôn Hồng Sen cho biết: "Đồng đất ở đây là đất thịt, có độ bền cao, nhiều dinh dưỡng, rất phù hợp để trồng cà chua ghép. So với cây cà chua thông thường, cà chua ghép có nhiều ưu điểm như khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, kéo dài thời gian thu hoạch.

Khi chín, cà chua có màu đỏ, đẹp, cứng, nhiều bột, ăn ngon và ngọt hơn cà chua thông thường. Gia đình tôi đang trồng gần 3 sào cà chua ghép, cây sinh trưởng và phát triển tốt, dự kiến đợt thu hoạch sắp tới, sau khi trừ các chi phí, gia đình tôi thu về hơn 30 triệu đồng/sào".

Hiện trên địa bàn xã Bạch Lưu có gần 30 hộ tham gia trồng cà chua ghép, chủ yếu tập trung ở thôn Hồng Sen, thôn Hồng Đường và rải rác ở một vài thôn khác, với tổng diện tích hơn 16 ha.

Trưởng thôn Hồng Sen Trần Quốc Kính cho biết: "Hiện nay, toàn thôn có hơn 4 ha trồng cà chua ghép. Trung bình mỗi vụ, người dân thu hoạch được khoảng 2-3 tấn quả/sào. Năm nay, cà chua được giá, có thời điểm giá bán lên tới 40.000/kg, dự kiến người dân thu về 30-40 triệu đồng/sào".

Theo kinh nghiệm của các hộ dân, quy trình trồng và chăm sóc cà chua ghép khá đơn giản. Cây cà chua ghép giai đoạn mới trồng sinh trưởng phát triển chậm, giai đoạn bắt đầu ra hoa cây phát triển rất nhanh, thời kỳ này cần cung cấp đầy đủ phân bón cho cây trồng.

Khi trời mưa, cần chú ý bệnh đốm đen, tránh ảnh hưởng đến hoa, quả và những mầm non đang phát triển. Đặc biệt, với giống cà chua ghép, người trồng không phải tiến hành thụ phấn cho hoa mà cây vẫn cho nhiều quả.

Là một trong những hộ chuyên trồng cà chua ghép, ông Vũ Ngọc Toàn, thôn Hồng Sen chia sẻ: "Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và giúp cây sinh trưởng phát triển tốt, người trồng cần duy trì chế độ tưới, bón phân... cho cây đúng thời điểm.

Khi cây trồng bị sâu bệnh phá hoại, không sử dụng thuốc hóa học mà người trồng phải tự bắt sâu.

Cà chua được các thương lái tới tận vườn đặt mua, hoặc xuất bán cho thị trường trong tỉnh và các tỉnh lân cận như Phú Thọ, Tuyên Quang…Gia đình tôi hiện trồng hơn 2 sào cà chua ghép, sau khi trừ các chi phí, dự kiến khi thu hoạch sẽ lãi gần 30 triệu đồng/sào".

Phó Chủ tịch UBND xã Bạch Lưu Trần Xuân Kiên cho biết: "Để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, UBND xã đã hỗ, trợ tạo mọi điều kiện thuận lợi để triển khai, đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới cho năng suất, giá trị kinh tế cao vào sản xuất, trong đó có mô hình trồng cà chua ghép trên gốc cà tím...".

"Qua thực tế sản xuất, mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với việc trồng các loại cây hoa màu khác. Thời gian tới, chính quyền xã tiếp tục hỗ trợ, chỉ đạo kịp thời nhằm thúc đẩy, phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; đồng thời, thực hiện thắng lợi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế theo hướng bền vững", ông Trần Xuân Kiên cho hay.



https://danviet.vn/trong-ca-chua-ghep-tren-goc-ca-tim-nong-dan-vinh-phuc-bat-ngo-thu-30-40-trieu-sao-ngon-o-20220213214954052.htm

Theo Anh Phương (Báo Vĩnh Phúc/Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.