Triệt phá nhóm lừa đảo qua điện thoại xuyên quốc gia

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Ngãi đã điều tra làm rõ và bắt một số đối tượng trong đường dây lừa đảo qua điện thoại với nhiều đối tượng trong và ngoài nước câu kết gọi điện cho nạn nhân tự xưng là Công an, Kiểm sát viên... đã lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.

Các tài khoản ngân hàng nạn nhân chuyển tiền vào.
Các tài khoản ngân hàng nạn nhân chuyển tiền vào.


Theo cơ quan CA, vài năm trở lại đây trên địa bàn Quảng Ngãi đã xảy ra hàng chục vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhóm đối tượng trên đã sử dụng CMND của người khác được chúng mua tại các nhà nghỉ, tiệm cầm đồ... để mở hàng trăm tài khoản ngân hàng đăng ký dịch vụ Internet banking rồi cung cấp cho nhóm đối tượng người Đài Loan, câu kết với các đối tượng người Việt Nam đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của nhiều người bị hại ở Việt Nam.

Thiếu tá Lê Thành Long - Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh cho biết, thủ đoạn của chúng là sử dụng các thiết bị viễn thông công nghệ cao, thực hiện cuộc gọi qua Internet (Voip), giả mạo số thuê bao của các cơ quan bảo vệ pháp luật Việt Nam đang điều tra vụ án rửa tiền, đường dây ma túy... đe dọa bắt giam, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng do các đối tượng lừa đảo chỉ định để xác minh, bảo lãnh. “Khi bị hại chuyển tiền, các đối tượng sử dụng dịch vụ Internet Banking chuyển tiền qua nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau để mua tiền điện tử (tiền ảo) hoặc quy đổi sang nhân dân tệ, chuyển ra nước ngoài rồi chiếm đoạt”, Thiếu tá Lê Thành Long cho biết.

Trên địa bàn Quảng Ngãi nhiều nạn nhân bị mất tiền tỷ với thủ đoạn các nhóm đối tượng sử dụng công nghệ cao, giả danh Công an, Viện kiểm sát gọi điện đe dọa, thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhiều nạn nhân lớn tuổi nghe hăm dọa trên điện thoại đã vội chuyển tiền qua tài khoản cho nhóm lừa đảo. Đơn cử trường hợp bà P.T.T, ở TP Quảng Ngãi trình báo việc bị lừa với thủ đoạn trên với số tiền 5,8 tỷ đồng. Đầu tiên nạn nhân nghe cuộc điện thoại từ máy điện thoại bàn khi làm việc tại cơ quan. Nhóm đối tượng trên tự xưng là công an, viện kiểm sát yêu cầu trao đổi qua điện thoại di động. Các đối tượng liên tục dùng lời lẽ đe dọa nạn nhân liên quan vụ án và yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản để “chứng minh” mình trong sạch. Mặc dù là cán bộ nhưng P.T.T. vẫn bị “sập bẫy”, bị các đối tượng chiếm đoạt gần 6 tỷ đồng.

Trước thủ đoạn lừa đảo trên, Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh khẩn trương điều tra. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp một số đơn vị bạn đã làm rõ 5 đối tượng trong đường dây sử dụng công nghệ cao lừa đảo xuyên quốc gia, gồm: Đặng Thành Toại (25 tuổi), Lê Ngọc Quyền (24 tuổi), Nguyễn Tấn Thắng (25 tuổi), Hoàng Minh Tài (27 tuổi) và Nguyễn Văn Rô (28 tuổi, đều trú TX Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk).

 

Đối tượng Hoàng Minh Tài và Nguyễn Văn Rô, Đặng Thành Toại
Đối tượng Hoàng Minh Tài và Nguyễn Văn Rô, Đặng Thành Toại


Theo tài liệu điều tra, các đối tượng ở tỉnh Đắk Lắk đã kết nối với một số đối tượng xuất khẩu lao động, người nước ngoài để mở các tài khoản ngân hàng, mục đích để chuyển tiền lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, các đối tượng đã đi gom CMND tại các nhà nghỉ, hiệu cầm đồ, sau đó làm giả CMND và đi mở tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau. Chỉ trong thời gian ngắn, hàng chục tài khoản ngân hàng đã được các đối tượng mở ra. Đây chính là các tài khoản mà nhóm đối tượng lừa đảo dùng để nhận tiền chiếm đoạt từ các nạn nhân.

Theo Thiếu tá Lê Thành Long, để tránh trở thành nạn nhân của loại tội phạm này, khuyến cáo mọi người hạn chế đưa các thông tin cá nhân lên các mạng xã hội, bật tính năng bảo mật tài khoản xác thực hai bước; không đăng nhập vào đường link, trang web lạ hoặc nghi vấn hoạt động lừa đảo; gọi điện xác thực khi người sử dụng tài khoản mạng xã hội (kể cả người thân, bạn bè mình, vì biết đâu số người này đã bị chiếm quyền quản trị tài khoản) nhắn tin hỏi mượn tiền, nhờ nạp card điện thoại, yêu cầu cung cấp mã OTP để chuyển tiền.

“Mọi trường hợp làm việc, cơ quan tiến hành tố tụng (công an, viện kiểm sát, tòa án) đều gửi giấy mời/giấy triệu tập trực tiếp đến công dân; vật chứng của vụ án chờ xử lý đều phải trực tiếp lập biên bản tạm giữ và chuyển vào các tài khoản tạm giữ mở tại Kho bạc nhà nước các địa phương; việc áp dụng biện pháp ngăn chặn (bắt, tạm giam…), hạn chế quyền công dân đối với người bị buộc tội đều bảo mật trước khi thực hiện, không có việc thông tin qua điện thoại hay mạng xã hội để khống chế, yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng của bị hại như thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo”, Thiếu tá Lê Thành Long khuyến cáo.

Theo T.SỰ (cadn)

Có thể bạn quan tâm