Tín dụng tăng trưởng góp phần phục hồi kinh tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lời Tòa soạn: Mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, nhưng ngành Ngân hàng tỉnh Gia Lai đã có sự tăng trưởng tích cực trong năm 2020. Phóng viên Báo Gia Lai điện tử đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Nghị-Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh về vấn đề này.

* P.V: Điểm lại bức tranh kinh tế và hoạt động của ngành Ngân hàng, trong năm 2020 có những dấu ấn gì, thưa ông?

 

Ông Nguyễn Hữu Nghị. Ảnh: Sơn Ca
Ông Nguyễn Hữu Nghị. Ảnh: Sơn Ca

- Ông NGUYỄN HỮU NGHỊ: Dù bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng GDP của Gia Lai tăng 6,3%, các chỉ số kinh tế chủ yếu đều có sự tăng trưởng. Trong năm, ngành Ngân hàng đã nghiêm túc triển khai thực hiện các cơ chế chính sách có liên quan theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đơn cử như thực hiện 3 đợt điều chỉnh giảm đồng loạt các mức lãi suất điều hành, triển khai các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, bị thiệt hại do tình hình mưa lũ tại các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên, tiếp tục hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do hồ tiêu chết để tái đầu tư, ổn định cuộc sống. Trên tinh thần chia sẻ khó khăn, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã chủ động tiết kiệm chi phí, giảm bớt lợi nhuận thực hiện các chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bằng giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, cho vay mới.

Ngoài ra, các tổ chức tín dụng đã tích cực mở rộng sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trên nền tảng công nghệ số, đáp ứng nhu cầu ngày một gia tăng của khách hàng.

* P.V: Xin ông cho biết, thông qua những chỉ số quan trọng đạt được trong hoạt động ngân hàng năm 2020 đã thể hiện được điều gì?

- Ông NGUYỄN HỮU NGHỊ: Kết thúc năm 2020, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh đạt 94.100 tỷ đồng, tăng 2,5% so với cuối năm 2019. Tổng nguồn vốn huy động đạt 39.600 tỷ đồng, tăng 8,2% so với cuối năm 2019. Đây là những con số phản ánh thực tế tình trạng “sức khỏe” của nền kinh tế địa phương và hoạt động ngân hàng trong một năm có quá nhiều thử thách vì đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh này, cả tín dụng và huy động đều có mức tăng trưởng chừng mực, hợp lý nhất là vào quý IV, điều này cho thấy nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi tích cực. Góp phần vào đó, hoạt động ngân hàng là bệ đỡ nguồn vốn, kích cầu tăng trưởng cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, xúc tiến thương mại đầu tư du lịch vào cuối năm. Tuy nhiên, một điểm đáng lưu ý là tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng. Điều này là dấu hiệu cảnh báo hoạt động ngân hàng cần tiếp tục duy trì các giải pháp tăng trưởng bền vững, chất lượng.     

 Ảnh: Sơn Ca
Các ngân hàng thương mại đã tích cực hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn bằng chính sách lãi suất, tăng trưởng tín dụng hợp lý nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh. Ảnh: Sơn Ca


* P.V: Bước vào năm 2021, ngành Ngân hàng sẽ hướng trọng tâm hoạt động vào lĩnh vực gì, thưa ông?   

- Ông NGUYỄN HỮU NGHỊ: Chúng tôi sẽ tiếp tục làm tốt công tác tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo triển khai có hiệu quả công tác tiền tệ ngân hàng trên địa bàn. Trên tinh thần thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh công tác huy động vốn, đặc biệt là vốn trung dài hạn. Bám sát danh mục lĩnh vực dự án kêu gọi đầu tư và yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà trong năm 2021 để đảm bảo đầu tư vốn tín dụng có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, tiếp tục có giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tiếp cận vốn theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Từ thực tế hoạt động ngân hàng trong năm vừa qua, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh đặt chỉ tiêu định hướng nguồn vốn huy động tăng 7%, dư nợ cho vay tăng 5% so với năm 2020, kiểm soát và duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 3% tổng dư nợ. Điều này cho thấy, quyết tâm của toàn ngành Ngân hàng trong việc tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế phục hồi tăng trưởng, đảm bảo nhu cầu vốn trên địa bàn, gắn mục tiêu tăng trưởng hợp lý đi đôi với an toàn, chất lượng tín dụng.     

* P.V: Xin cảm ơn ông!

 

 SƠN CA (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng

Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng

Từ đầu tháng 4, xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm ở một số ngân hàng nhen nhóm trở lại với mức tăng 0,1- 0,2% tại các kỳ hạn khác nhau. Theo các chuyên gia nguyên nhân bởi đang có xu hướng dòng tiền rút ra khỏi ngân hàng tìm đến các kênh đầu tư khác trong khi đó tín dụng bắt đầu khởi sắc.