Ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất, kích tăng trưởng tín dụng cuối năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sau khi đồng loạt giảm lãi suất huy động ở mức thấp nhất, các ngân hàng (NH) đang bắt đầu xuất hiện làn sóng giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Đây có thể là động thái nhằm kích tăng trưởng tín dụng trong 2 tháng còn lại.

Mặc dù số NH tuyên bố giảm lãi suất cho vay đến thời điểm này vẫn chưa nhiều và mức giảm cũng không lớn, song theo dự báo của giới chuyên môn, làn sóng này sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn trong những tháng cuối năm.

 

Khách giao dịch tại ngân hàng HDBank
Khách giao dịch tại ngân hàng HDBank


Đồng loạt giảm lãi suất cho vay

Từ đầu tháng 10, một số NH bắt đầu công bố gói vay với lãi suất ưu đãi để kích cầu tín dụng cuối năm. VPBank công bố cho vay sản xuất kinh doanh với lãi suất từ 5,99%/năm (áp dụng từ nay đến hết 31/12/2020) dành cho cá nhân, hộ gia đình với hạn mức lên đến 20 tỷ đồng, thời gian vay tối đa là 24 tháng đối với gói hạn mức hoặc 180 tháng đối với nhu cầu vay theo món.

Tương tự, MBBank cũng đang áp dụng lãi suất cho vay kinh doanh từ 6,8%/năm với hạn mức 80% nhu cầu vốn trong thời hạn tối đa 180 tháng.

Khách hàng cá nhân vay tại ABBANK hiện tại đang được hưởng lãi suất ưu đãi chỉ từ 5,9%/năm trong chương trình "Vay ưu đãi - Lãi an tâm" và từ 7%/năm trong chương trình "Vay kinh doanh - phát tài nhanh" dành cho các hộ kinh doanh cá thể.

Vietcombank mới công bố gói cho vay khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) với lãi suất kinh doanh từ 5,9%/năm, áp dụng cho các khoản giải ngân mới từ ngày 13/10. Còn với khách hàng là cá nhân vay vốn kinh doanh, mức lãi suất cho vay 6,5%/năm. Đặc biệt, khách hàng vay vốn theo sản phẩm "kinh doanh tài lộc" sẽ được áp dụng mức lãi suất 5,7%/năm, áp dụng cho các khoản giải ngân mới từ ngày 20/10. Riêng các khoản vay tiêu dùng cũng được NH này ưu đãi cố định lãi suất trong 6 hoặc 12 tháng đầu tiên với lãi suất từ 6,79%/năm.

Agribank cũng vừa công bố giảm thêm lãi suất lần thứ 4 trong năm 2020, với mức giảm thêm 0,3%/năm từ ngày 1/10. Cụ thể, Agribank giảm các mức lãi suất gồm: Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa 4,5%/năm; lãi suất cho vay trung, dài hạn tối thiểu 7,5%/năm. Đặc biệt, từ nay đến hết 30/6/2021, Agribank cũng triển khai các gói tín dụng cho khách hàng doanh nghiệp FDI, khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa với tổng quy mô 35.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, không phải ai cũng được giảm lãi suất cho vay. Ông Nguyễn Văn Điệp, chủ một cơ sở sản xuất gỗ nội thất trên đường Tân Kỳ - Tân Quý (Q.Bình Tân) cho hay, hiện nay lãi suất cho vay giảm chủ yếu đối với các lĩnh vực ưu tiên, còn lại những lĩnh vực khác vẫn ở mức khá cao. "Mới đây tôi có tìm hiểu vay vốn ở một số NH để khôi phục sản xuất, nhưng sau khi tìm hiểu mặt bằng lãi suất chung, buộc phải tính lại. Một số NH chào gói vay mới lãi suất thấp từ 7,9 - 8,5%/năm nhưng chỉ áp dụng cho 3 - 6 tháng đầu, sau đó lãi suất thả nổi, tính ra cũng phải 10 - 12%/năm", ông Điệp nói.

Theo khảo sát của Thế giới Tiếp thị, hiện mức lãi suất cho vay khối doanh nghiệp của một số NH áp dụng theo nguyên tắc thả nổi, điều chỉnh định kỳ 3 tháng một lần đối với tất cả các kỳ hạn vay, vẫn dao động trung bình ở mức 9%/năm với kỳ hạn 6 tháng là, 9,2-9,5%/năm đối với kỳ hạn 9 tháng và kỳ hạn 12 tháng là 9,75%/năm. Tuy nhiên, mức lãi suất này chỉ dành cho 3 tháng đầu, tính từ khi vay vốn, sau đó sẽ được điều chỉnh dựa trên lãi suất tham chiếu cộng với biên độ từ 1-3%/năm. Tính ra, mặt bằng lãi suất vẫn ở mức trên 10%/năm đối với các kỳ hạn từ 6-12 tháng.

Sẽ còn giảm tiếp?

Theo các chuyên gia kinh tế, làn sóng giảm lãi suất cho vay có thể sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn trong thời gian tới để kích thích tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm.

Ông Trần Bá Duy, Giám đốc tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS nhận định, trong bối cảnh khó khăn hiện nay của dịch Covid-19, việc các NH giảm tiếp lãi suất để chia sẻ khó khăn cho các DN là điều nên làm.

Theo ông Duy: "Việc giảm thêm lãi suất cho vay sẽ khiến lợi nhuận từ hoạt động tín dụng của các NH giảm đi. Tuy nhiên, đó là việc nên làm để "nuôi dưỡng nguồn thu" bởi khi sản xuất kinh doanh hoạt động tốt trở lại, chẳng những tín dụng sẽ tăng nhanh hơn, mà nhu cầu sử dụng các sản phẩm dịch vụ khác như thanh toán, chuyển tiền, bảo lãnh… cũng sẽ phục hồi. Hệ quả là thu nhập và lợi nhuận của các NH cũng sẽ tăng theo". Vị chuyên gia này dự báo làn sóng giảm lãi suất cho vay sẽ diễn ra mạnh hơn trong thời gian tới.


 

 Làn sóng giảm lãi suất cho vay có thể sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn trong thời gian tới để kích thích tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm. Ảnh: VNN
Làn sóng giảm lãi suất cho vay có thể sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn trong thời gian tới để kích thích tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm. Ảnh: VNN


Trước kỳ vọng mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục giảm, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho hay, "vẫn còn dư địa để giảm lãi suất". Trong đó, đối với lãi suất huy động vẫn có thể giảm thêm, vì nếu so với lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng đến 1 năm, lãi suất thực dương khá cao.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, nếu lãi suất huy động tiếp tục giảm mạnh sẽ có nguy cơ trở thành bẫy thanh khoản khi người dân rút tiền và đầu tư vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Khi không thể giảm lãi suất huy động sẽ khó giảm lãi suất cho vay. "Lãi suất cho vay thời gian tới có thể sẽ giảm thêm, nhưng giảm sâu là rất khó, một phần do hạn chế từ cầu của nền kinh tế và cũng xuất phát từ việc chi phí hoạt động của NH, trong đó đặc biệt là vấn đề trích lập dự phòng rủi ro đang tăng cao ở nhiều nhà băng sau 9 tháng đầu năm", TS. Hiếu chia sẻ.

http://https://danviet.vn/ngan-hang-dong-loat-giam-lai-suat-kich-tang-truong-tin-dung-cuoi-nam-20201101095655279.htm

 

Theo THẾ GIỚI TIẾP THỊ/Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm