"Tiếp sức" cho thương hiệu thịt bò Krông Pa vươn xa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Các dòng sản phẩm thịt bò Krông Pa đã chiếm được lòng tin của thực khách trong nước bởi chất lượng hảo hạng, đặc biệt là thịt bò một nắng. Để thương hiệu “Bò Krông Pa-Gia Lai” ngày một vươn xa, giúp người dân có thêm thu nhập, ngành chức năng của tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp thiết thực.
Chất lượng hảo hạng
Trong xưởng chế biến rộng chừng 30 m2, chủ cơ sở sản xuất bò một nắng-muối kiến vàng Nguyệt Viên Food Phạm Thị Ánh Nguyệt (thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa) đang cặm cụi đóng gói sản phẩm “Bò Krông Pa-Gia Lai”. Chị chia sẻ: “Mỗi năm, chúng tôi cung cấp khoảng 4 tấn thịt bò khô cho thị trường trong nước. Trong các sản phẩm làm từ thịt bò Krông Pa thì bò một nắng của gia đình tôi chiếm ưu thế về số lượng và được khách đặt mua nhiều. Trước đây, chúng tôi chế biến bằng phương pháp thủ công, còn nay đã được trang bị nhiều máy móc hiện đại".
Cụ thể, máy cắt, hệ thống máy chế biến thịt bò một nắng là sản phẩm của đề tài: “Thiết kế chế tạo hệ thống máy chế biến thịt bò một nắng tại huyện Krông Pa” do Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TP. Hồ Chí Minh) chủ trì thực hiện. Mỗi hệ thống có công suất 100 kg/ngày, cao gấp 5-10 lần so với phương pháp chế biến thủ công. Việc sản xuất thịt bò một nắng không còn phải phụ thuộc vào thời tiết mà đã có tích hợp điện trở nhiệt bổ sung nhiệt lượng để sấy thịt bò trong trường hợp trời mưa hoặc thiếu nắng. Ngoài ra, người vận hành có thể điều khiển và giám sát nhiệt độ từ xa thông qua phần mềm cài đặt trên điện thoại thông minh.
Chị Phạm Thị Ánh Nguyệt (thị trấn Phú Túc) đóng gói sản phẩm thịt bò một nắng Krông Pa. Ảnh: Thiên Di
Chị Phạm Thị Ánh Nguyệt (thị trấn Phú Túc) đóng gói sản phẩm thịt bò một nắng Krông Pa. Ảnh: Thiên Di
Nhắc đến sản phẩm “Bò Krông Pa” mà không nói đến cơ sở bò một nắng Đức Mười của bà Hồ Thị Mười ở thị trấn Phú Túc là một thiếu sót. Năm 1990, vận dụng cách nướng thịt nai của đồng bào Jrai trên địa bàn huyện, bà Mười chế biến món thịt bò một nắng bán cho thực khách ở địa phương. Từ đó, thịt bò một nắng trở thành đặc sản ở vùng “chảo lửa” này. Mỗi năm, cơ sở cung cấp cho thị trường khoảng 10 tấn thịt bò khô với nhiều dòng sản phẩm như: bò một nắng, bò xé sợi khô ăn liền. Không chỉ mang lại cho gia đình nguồn thu nhập cao, cơ sở còn tạo việc làm cho 3-4 nhân công ở địa phương.
“Bò ở huyện Krông Pa được nuôi theo hình thức chăn thả tự nhiên nên chất lượng thịt rất ngon. Khi mua thịt sống về, chúng tôi chọn lựa kỹ càng, sau đó, ướp thêm gia vị theo bí quyết riêng để tạo độ thơm ngon rồi phơi nắng 1 ngày. Khi dùng thì nướng trên bếp than hồng cho thịt chín, dậy mùi thơm. Do đó, các sản phẩm, nhất là thịt bò một nắng rất được khách hàng ưa chuộng. Chúng tôi cũng vừa mới khảo sát thêm thị trường Đà Nẵng để cung ứng cho một số siêu thị”-bà Mười tâm sự.
Logo nhãn hiệu chứng nhận Bò Krông Pa-Gia Lai
Logo nhãn hiệu chứng nhận "Bò Krông Pa-Gia Lai". Ảnh: Thiên Di
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa, năm 2021, trên địa bàn huyện có 23 cơ sở kinh doanh, chế biến các dòng sản phẩm thịt bò được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Hàng năm, các cơ sở này cung cấp hàng chục tấn sản phẩm từ thịt bò Krông Pa cho thị trường trong nước. 
Để thương hiệu bay xa
Krông Pa hiện có đàn bò hơn 63.300 con, trong đó có khoảng 25.000 con bò lai. Đây là tiềm năng cho hoạt động sản xuất các sản phẩm từ thịt bò, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Những năm qua, các cơ sở trang bị máy móc hiện đại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất.
Ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho hay: “Qua nghiên cứu cho thấy, đồng cỏ Krông Pa có hàm lượng kali tự nhiên rất cao. Vì vậy, chất lượng thịt bò ở Krông Pa thì hiếm có nơi nào sánh được. Đặc biệt, dòng sản phẩm chủ lực là thịt bò một nắng được UBND tỉnh cấp chứng nhận OCOP. Thời gian qua, ngoài việc hướng dẫn người dân kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ bệnh và cải tạo đàn bò, chúng tôi còn phối hợp với các ngành khác đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá thương hiệu thịt bò Krông Pa”.
Đoàn công tác của Sở Khoa học và Công nghệ khảo sát hoạt động chế biến, kinh doanh các sản phẩm từ thịt bò Krông Pa. Ảnh: Thiên Di
Đoàn công tác của Sở Khoa học và Công nghệ khảo sát hoạt động chế biến, kinh doanh các sản phẩm từ thịt bò Krông Pa. Ảnh: Thiên Di
Để thương hiệu “Bò Krông Pa-Gia Lai” lan tỏa sâu rộng trên cả nước không thể không nói đến những đóng góp của Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN). Theo đó, Sở đã hỗ trợ địa phương triển khai các nhiệm vụ KH-CN như: dự án “Phát triển giống bò thịt chất lượng cao tại huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai”, đề tài “Thiết kế chế tạo hệ thống máy chế biến thịt bò một nắng tại huyện Krông Pa”.  Các nhiệm vụ này được sự hưởng ứng tích cực của các hộ chăn nuôi, kinh doanh thịt bò ở Krông Pa.
Song song đó, năm 2020, Sở KH-CN triển khai nhiệm vụ “Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận Bò Krông Pa-Gia Lai” nhằm đưa các sản phẩm trở thành sản phẩm hàng hóa có thương hiệu, được bảo hộ nhãn hiệu và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, xây dựng được một thương hiệu đặc sản của huyện Krông Pa, phục vụ cho thương mại và du lịch. Sản phẩm “Bò Krông Pa-Gia Lai” đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp nhãn hiệu chứng nhận và UBND huyện làm chủ sở hữu nhãn hiệu này.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Nam Hải-Giám đốc Sở KH-CN-cho biết: “Việc xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm đặc thù của địa phương đã mang lại nhiều lợi ích cho các hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Các sản phẩm “Bò Krông Pa-Gia Lai” bước đầu đã khẳng định danh tiếng trên thị trường bằng chất lượng. Đây cũng là đặc sản có tiềm năng, được huyện Krông Pa dự định mở rộng sản xuất trong tương lai cùng với việc quy hoạch vùng chăn nuôi và quản lý các khâu sản xuất, chế biến chặt chẽ nhằm duy trì chất lượng sản phẩm, bảo vệ quyền sở hữu và quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận”.
THIÊN DI

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Ảnh Hà Duy

Chủ đầu tư phải lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án, cụ thể từng tháng

(GLO)- Đó là một trong những yêu cầu tại Công văn số 2671/UBND-KTTH do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành nhằm đề nghị các sở, ban, ngành; các địa phương; các chủ đầu tư triển khai các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.

Kho xăng dầu của Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên tại xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê) hiện chưa được chấp thuận đấu nối vào quốc lộ. Ảnh: V.T

Cửa hàng xăng dầu đấu nối vào đường giao thông: Vướng mắc cần tháo gỡ

(GLO)- Theo Luật Giao thông đường bộ và các quy định liên quan, các công trình xây dựng, trong đó có cửa hàng xăng dầu nằm dọc quốc lộ, tỉnh lộ phải xây dựng ngoài phạm vi hành lang an toàn đường bộ và thực hiện đấu nối đúng vị trí được UBND cấp tỉnh phê duyệt.