Tuy nhiên, sự có mặt của Thư viện thân thiện Room to Read với số lượng đầu sách phong phú đã góp phần hình thành thói quen đọc sách, xây dựng văn hóa đọc trong nhà trường.
Mô hình thư viện thân thiện Room to Read được Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo xây dựng ở 10 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh. Từ đầu năm học 2023-2024, mô hình được triển khai tại Trường Tiểu học Kim Đồng. Hơn 1.700 cuốn sách được sắp xếp theo hướng mở, thân thiện, tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận dễ dàng, phù hợp với sở thích và khả năng đọc.
Sách được trưng bày và phân loại theo chiều cao, trình độ đọc của học sinh và dán theo từng mã màu tương ứng. Không chỉ có sách, các góc trò chơi cũng được trang bị và sắp xếp nhằm tạo môi trường đọc và học thân thiện, cuốn hút. Nhờ vậy, vào những giờ ra chơi, Thư viện đã trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều học sinh trong trường.
Các em học sinh Trường Tiểu học Kim Đồng đọc sách tại Thư viện thân thiện Room to Read. Ảnh: H.Đ.T |
Em Lê Hồng Huyền (lớp 5A1) bày tỏ: “Hàng ngày, em thường cùng các bạn lên thư viện để mượn sách về nhà đọc. Tại đây, em dễ dàng tìm sách phù hợp bản thân. Chúng em cũng được tham gia những hoạt động mở rộng cảm thụ riêng theo khả năng, năng khiếu xoay quanh chủ đề vừa được đọc. Em rất thích những buổi đọc sách trên thư viện bởi đã học được rất nhiều điều bổ ích”.
Sau thời gian ngắn triển khai, mô hình Thư viện thân thiện Room to Read đã cho thấy những ưu việt so với thư viện truyền thống. Đáng chú ý nhất là việc định hướng cho học sinh đọc sách theo trình độ, nhận thức. Những tiết cùng đọc và đọc to nghe chung rất hấp dẫn học sinh. Sau khi đọc sách tại thư viện, học sinh có những hoạt động mở rộng cảm thụ riêng theo khả năng, năng khiếu xoay quanh chủ đề vừa được đọc. Các em có thể viết, vẽ, làm thơ, thảo luận, đóng kịch... tùy vào tư duy sáng tạo của bản thân.
Ngoài các tiết học chính khóa và ngoại khóa trong thư viện, học sinh còn được mượn sách về nhà, từ đó lan tỏa văn hóa đọc tới những người thân trong gia đình. Mô hình được đánh giá là phù hợp với độ tuổi tiểu học, hỗ trợ xây dựng thói quen đọc cho học sinh. Thư viện thân thiện cũng có đủ không gian để học sinh tham gia vào các hoạt động cá nhân, cặp đôi, nhóm. Bên cạnh đó, tiết đọc thư viện được đưa vào thời khóa biểu cũng như xây dựng lịch mượn, trả sách cho tất cả các khối lớp.
Cô Đinh Thị Thanh Vui-Giáo viên chủ nhiệm lớp 5A1-cho biết: “Để vận hành mô hình thư viện này, các giáo viên của trường đã được Dự án Room to Read tổ chức tập huấn bài bản các kỹ năng cơ bản. Theo đó, các em được tham gia đọc sách cùng giáo viên để tạo sự thân thiện cũng như cảm giác tự tin. Qua thư viện, các em học sinh dân tộc thiểu số được tăng cường tiếng Việt nên thầy trò đều cảm thấy rất vui mừng”.
Thầy Bùi Trung Hiếu-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng-nhận xét: Ưu điểm lớn nhất của mô hình Thư viện thân thiện Room to Read là đã thay đổi hoàn toàn về hình ảnh của thư viện truyền thống trong nhà trường. Từ những “kho” chứa sách ban đầu, thư viện được mở rộng về diện tích, gắn kết với không gian đọc thư viện xanh, thư viện lớp học.
Thư viện trung tâm được thiết kế sáng tạo, đẹp mắt, tạo không gian, môi trường đọc sách thân thiện, gần gũi với học sinh. Các loại đồ dùng, thiết bị được trang bị đầy đủ, đáp ứng tốt nhất cho việc đọc của các em như: giá, kệ, giỏ đựng sách, bàn ghế, thảm xốp trải phòng, hệ thống bảng biểu... Ngoài ra, quy trình mượn sách cũng đơn giản để khuyến khích các em chủ động mượn sách.
Tuy vậy, Dự án Thư viện Room to Read chỉ hỗ trợ sách và các góc trò chơi phát triển ngôn ngữ, góc tra cứu, góc sáng tạo tại điểm trường trung tâm. Trong khi đó, Trường Tiểu học Kim Đồng còn có 5 điểm trường lẻ. Vì thế, để giúp những học sinh được thụ hưởng tiện ích từ thư viện, Ban Giám hiệu nhà trường cũng thực hiện luân chuyển sách đến các điểm trường.
Đồng thời, tổ chức hoạt động đọc sách ở thư viện ngoài trời, thư viện cây xanh để các em được đọc sách thường xuyên. Nhờ đó, ngày càng nhiều học sinh trong trường hình thành thói quen, đam mê đọc sách, góp phần mở rộng, nâng cao kiến thức, đáp ứng tốt cho việc học tập.