(GLO)- Ngày 7-7, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác tài chính ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020. Tham dự hội nghị tại điểm cầu Gia Lai có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hoàng cùng lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Sơn Ca |
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: 6 tháng đầu năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19, tăng trưởng GDP chỉ đạt 1,81%, mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ trong 10 năm trở lại. Tuy vậy, Việt Nam vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội; đảm bảo nhiệm vụ kép vừa phòng-chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội.
Tổng thu ngân sách ước đạt 668,7 ngàn tỷ đồng, bằng 44,2% dự toán, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thu ngân sách trung ương ước đạt 41,8% dự toán, thu ngân sách địa phương đạt 47,4% dự toán; chỉ có 34/63 địa phương thu nội địa đạt trên 50% dự toán, 24/63 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ năm ngoái.
Về chi ngân sách, tổng chi ước đạt 729,4 ngàn tỷ đồng, bằng 41,8% dự toán. Cả nước đã chi phòng-chống dịch Covid-19 là 4,1 ngàn tỷ đồng, chi hỗ trợ cho hơn 11 triệu đối tượng bị ảnh hưởng theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ khoảng 11,3 ngàn tỷ đồng. Đồng thời, đã chi 1.664 tỷ đồng dự phòng năm 2020 để hỗ trợ các địa phương phòng-chống dịch tả heo châu Phi, khắc phục hậu quả và khôi phục sản xuất sau thiên tai; xuất cấp 13,6 ngàn tấn gạo dự trữ quốc gia để hỗ trợ các địa phương.
Riêng đối với Gia Lai, kết quả thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2020 thực hiện 2.048 tỷ đồng, đạt 44,8% dự toán Trung ương giao, đạt 39,4% dự toán HĐND tỉnh giao, giảm so với tiến độ 551,2 tỷ đồng và giảm 8,1% so với cùng kỳ năm 2019. Về chi ngân sách đã thực hiện 6.168 tỷ đồng, bằng 47,7% dự toán Trung ương giao, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhìn chung, công tác quản lý điều hành chi ngân sách thực hiện đúng quy định.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành Tài chính cần chủ động khơi thông nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, tạo ra nhiều nguồn lực cho phát triển kinh tế, đảm bảo yêu cầu tăng trưởng, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia trước mắt và lâu dài. Với vai trò huyết mạch của nền kinh tế, ngành Tài chính phấn đấu cao nhất thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm: bảo đảm dự toán thu chi ngân sách đã đề ra; bảo đảm nguồn lực tài chính cần thiết để hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội; bảo đảm kinh tế vĩ mô.
SƠN CA