Ổn định nguồn vốn cho phát triển kinh tế Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thay vì phát triển về lượng, trong 6 tháng đầu năm 2019, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã chú trọng đầu tư nguồn vốn cho các ngành, lĩnh vực kinh tế ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, gắn với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Đồng thời, các ngân hàng tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người trồng hồ tiêu. 
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam-Chi nhánh tỉnh, hoạt động của ngành Ngân hàng trong 6 tháng đầu năm nay đã đạt được những kết quả quan trọng, gắn liền với sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Cụ thể, các chi nhánh ngân hàng đã tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực tiền tệ-ngân hàng, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, chấp hành nghiêm túc các mức lãi suất huy động, cho vay tối đa theo quy định. Đồng thời, các ngân hàng tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các hộ dân bị thiệt hại do cây hồ tiêu chết; mở rộng đầu tư tín dụng ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhằm góp phần hạn chế nạn “tín dụng đen”. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng nhằm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp trên địa bàn phát triển. Đây cũng là điểm sáng trong hoạt động ngân hàng khi đảm bảo ổn định nguồn vốn cho nền kinh tế phát triển.
 Nguồn vốn tín dụng đã hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội địa phương.       Ảnh: S.C
Nguồn vốn tín dụng đã hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Ảnh: S.C
Ông Lý Anh Đào-Giám đốc SHB Chi nhánh Gia Lai-nhận định: “Sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ổn định được tỷ giá đồng Việt Nam, tác động tích cực đến dòng tiền huy động vốn của ngân hàng 6 tháng đầu năm nay. Huy động vốn đồng Việt Nam vừa có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, vừa giữ ổn định về lãi suất. Trong khi đó, lãi suất cho vay không tăng mà có xu hướng giảm nhẹ”. Đáng lưu ý, nhờ sự tin tưởng vào đồng Việt Nam nên trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người dân vẫn tích lũy, tiết kiệm và ngân hàng vẫn là một kênh đầu tư hút vốn ổn định, sinh lợi an toàn. Riêng đối với SHB Gia Lai, tổng dư nợ đạt hơn 1.350 tỷ đồng (tăng gần 6% so với đầu năm), huy động vốn đạt gần 1.000 tỷ đồng (tăng 8% so với đầu năm).
Trong bối cảnh nền kinh tế địa phương đang đối mặt với nhiều nhân tố không thuận lợi, giá cả các mặt hàng nông sản chủ lực giảm mạnh ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của người dân, thay vì phát triển theo diện rộng thì ngành Ngân hàng hướng đầu tư tín dụng có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng đầu tư vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cho các ngành, lĩnh vực kinh tế ưu tiên. Đơn cử như dư nợ tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 53.906 tỷ đồng (chiếm 61,2% tổng dư nợ); dư nợ cho vay 5 nhóm ngành, lĩnh vực kinh tế ưu tiên đạt 5.937 tỷ đồng; dư nợ chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp đạt 7.979 tỷ đồng/209 doanh nghiệp; dư nợ cho vay chương trình bình ổn thị trường đạt 1.081 tỷ đồng… Ông Nguyễn Dự-Giám đốc Agribank Gia Lai-cho biết: “Từ thực tế kinh doanh của Chi nhánh cho thấy, mảng khách hàng doanh nghiệp đang có dấu hiệu tăng trưởng rất tốt khi hấp thu vốn tín dụng đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Hiện nay, tỷ trọng vốn cho doanh nghiệp chiếm khoảng 20% tổng dư nợ của Chi nhánh. Đối với nhóm khách hàng này, chúng tôi đã triển khai nhiều gói cho vay ưu đãi về lãi suất”. Ước tính đến cuối tháng 6, tổng dư nợ của Agribank Gia Lai đạt khoảng 8.700 tỷ đồng, huy động vốn đạt khoảng 5.100 tỷ đồng.
Tính đến cuối tháng 6-2019, tổng nguồn vốn huy động của ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh ước đạt 35.250 tỷ đồng, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 2,7% so với cuối năm 2018. Tổng dư nợ cho vay ước đạt 88.700 tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 1,3% so với cuối năm 2018; trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn chiếm 64,7% tổng dư nợ, dư nợ cho vay trung, dài hạn chiếm 35,3% tổng dư nợ. Tỷ lệ nợ xấu chiếm 2,03% tổng dư nợ. 
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam-Chi nhánh tỉnh, mặc dù các ngân hàng trên địa bàn đã hết sức cố gắng nhưng trong điều kiện khó khăn chung, nguồn vốn huy động và tín dụng toàn ngành tăng chậm so với kế hoạch đề ra; việc xử lý thu hồi nợ đến hạn, nợ tồn đọng vẫn gặp nhiều trở ngại. Để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch của năm 2019, theo ông Nguyễn Văn Cư-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam-Chi nhánh tỉnh: “Trong 6 tháng còn lại của năm, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng tập trung đẩy mạnh công tác huy động vốn, đầu tư vốn tín dụng bám sát kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, chủ động tiếp cận khách hàng nhằm kịp thời tháo gỡ các vấn đề khó khăn, vướng mắc, đáp ứng vốn cho các dự án có hiệu quả, khả thi, đảm bảo tăng trưởng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng, giảm thiểu nợ xấu. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng có giải pháp xử lý nợ hồ tiêu theo quy định, giúp người dân tái đầu tư sản xuất, ổn định cuộc sống”.
SƠN CA

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

(GLO)- Việc có đến 12/16 khu vực, sắc thuế đạt và vượt tiến độ đã tạo đà cho tổng thu nội địa của tỉnh Gia Lai trong quý I-2024 đạt 1.935,6 tỷ đồng, bằng 34,7% dự toán Bộ Tài chính giao và 33,6% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Rủi ro lớn

Rủi ro lớn

Trong lúc giá vàng nhảy múa vì khan hiếm, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vàng đã chớp thời cơ để tung mạnh ra thị trường nhiều sản phẩm vàng mini và đã tạo nên một cơn sốt mới.