Thu nhập ổn định từ nuôi dúi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ 6 con dúi giống, anh Trần Ngọc Hiệp (thôn An Thượng 2, xã Song An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã gầy dựng đàn dúi phát triển hơn 170 con, mang lại thu nhập 120-150 triệu đồng/năm.

Dẫn chúng tôi tham quan mô hình nuôi dúi của gia đình, anh Hiệp cho biết: Năm 2019, được bạn bè giới thiệu, anh mua 3 cặp về nuôi thử nghiệm. Tận dụng khu chuồng bò cũ, anh xây thành các ô có kích thước 60 x 60 cm để thả dúi vào nuôi. Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm nên 2 con bị chết do viêm đường ruột. Không nản, anh mua bổ sung và tích cực tìm tòi, học hỏi kiến thức nuôi dúi qua bạn bè, sách báo và mạng internet. “Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật chăn nuôi nên đàn dúi luôn khỏe mạnh và sinh sản nhanh. Hiện gia đình có 2 khu chăn nuôi dúi với tổng diện tích 55 m2”-anh Hiệp cho hay.

  Mô hình nuôi dúi của anh Trần Ngọc Hiệp (bìa trái; xã Song An, thị xã An Khê) đem lại thu nhập 120-150 triệu đồng/năm. Ảnh: Ngọc Minh
Mô hình nuôi dúi của anh Trần Ngọc Hiệp (bìa trái; xã Song An, thị xã An Khê) đem lại thu nhập 120-150 triệu đồng/năm. Ảnh: Ngọc Minh


Theo anh Hiệp, dúi dễ nuôi, chi phí đầu tư thấp, không mất nhiều công chăm sóc. Tuy nhiên, nếu ăn phải thức ăn ôi thiu, nấm mốc, dúi sẽ bị viêm đường ruột hoặc ánh sáng quá nhiều cũng làm cho vật nuôi bị đau mắt, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển. “Vì vậy, chuồng nuôi phải thoáng mát, tránh ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp; thường xuyên vệ sinh, phun khử trùng 1 lần/tuần giúp dúi có môi trường sống thuận lợi. Ngoài ra, thức ăn cần tươi ngon, khô ráo”-anh Hiệp chia sẻ.

Nói thêm về kinh nghiệm nuôi dúi, anh Hiệp cho hay, dúi không cần uống nước, thức ăn chủ yếu là loại tre không quá già hay quá non, thân mía, hạt bắp, củ lang, củ mì. Dúi ăn ít và có đặc tính ăn đêm, ngủ ngày. Do đó, chỉ cần cho dúi ăn 1 lần vào chiều tối. Ở giai đoạn sinh sản, dúi ăn ít hơn bình thường, phải tách chuồng nuôi riêng và thường xuyên theo dõi. Khi thấy dúi cái có biểu hiện động dục thì thả dúi đực vào ở cùng. Sau khoảng 15 ngày thì tách đôi để dúi cái dưỡng thai và sinh con. Trung bình mỗi năm, dúi sinh sản 3 lứa, mỗi lứa 2-4 con. Sau khoảng 2-3 tháng là có thể đem bán làm con giống, giá bán 1,2 triệu đồng/cặp. Đối với dúi thương phẩm, nuôi 7-8 tháng đạt trọng lượng 1-1,2 kg/con, giá bán dao động 480-600 ngàn đồng/kg. “Do nhu cầu con giống cao nên dúi sinh sản đến đâu khách hàng mua hết tới đó. Nhờ đó, mỗi năm, gia đình thu nhập 120-150 triệu đồng. Thời gian tới, tôi sẽ mở rộng mô hình, hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi và cung cấp con giống cho người dân có nhu cầu”-anh Hiệp nói.

Ông Võ Văn Thanh-Chủ tịch Hội Nông dân xã Song An-nhận xét: Anh Hiệp là người đầu tiên nuôi dúi ở địa phương. Thời gian tới, chúng tôi phối hợp với các hội, đoàn thể tuyên truyền, vận động hộ dân có nhu cầu nuôi dúi đến tham quan, học hỏi mô hình chăn nuôi của gia đình anh Hiệp. Đồng thời, phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi dúi để nhân rộng, giúp người dân có thêm sự lựa chọn, đa dạng mô hình chăn nuôi, nâng cao thu nhập.

 

 NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

(GLO)- Gia Lai là một trong những địa phương được xem là điểm "nóng" của cả nước vì bệnh dại. Nguyên nhân được xác định là do tỷ lệ tiêm phòng vắc xin bệnh dại đạt thấp, ý thức phòng-chống bệnh dại tại cộng đồng chưa cao và việc quản lý đàn chó, mèo gặp còn gặp khó. 
Giá trị của màu xanh

Giá trị của màu xanh

Rừng sạch, gạo "xanh", nông nghiệp tuần hoàn, tăng trưởng bền vững... không chỉ bảo vệ môi trường sống, bảo vệ bầu khí quyển của chính chúng ta mà còn mang lại giá trị vật chất thiết thực.
Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Trước tình trạng mất trộm sâm Ngọc Linh trong thời gian qua, huyện Tu Mơ Rông đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tăng cường các biện pháp bảo vệ vườn sâm, bảo vệ tài sản và tích cực đấu tranh với các đối tượng nhằm giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

(GLO)- Huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) hiện có 1.120 ha hồ tiêu. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế của Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho thấy chỉ có hơn 420 ha hồ tiêu đảm bảo chất lượng. Để cây hồ tiêu phát triển bền vững thì cần có một cuộc “cách mạng” trong việc tổ chức lại sản xuất.

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

(GLO)- Với giá nội địa tăng gấp đôi, giá xuất khẩu tăng 40% so với cùng thời điểm năm ngoái, cà phê đang có giá cao kỷ lục. Giá cao đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà phê tăng trưởng rất mạnh, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai.