Thu nhập cao từ nuôi ốc bươu đen

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhờ nuôi ốc bươu đen kết hợp nuôi cá mà chị Trần Thị Ánh Hương (thôn An Thạch, xã Xuân An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) thu nhập gần 400 triệu đồng/năm.

Gia đình chị Hương có 2 ao cá rộng khoảng 2.000 m2. Năm 2007, chị bắt được mớ ốc bươu đen rồi đem thả xuống ao. Không ngờ ốc sinh sôi phát triển. Cuối vụ thu hoạch, ngoài tiền bán cá, gia đình chị còn có thêm thu nhập từ bán ốc. Nhận thấy hiệu quả mang lại, chị Hương lên mạng internet tìm hiểu kỹ thuật nuôi ốc bươu đen kết hợp nuôi cá. “Để mô hình phát huy hiệu quả, tôi chỉ thả một số loại cá không ăn ốc. Sau đó, tôi trồng hoa súng, thả thêm bèo, rau muống; đồng thời tận dụng đất bờ ao trồng cỏ voi, tạo bóng mát, bổ sung nguồn thức ăn và làm nơi cho ốc sinh sống”-chị Hương chia sẻ kinh nghiệm.

 Chị Trần Thị Ánh Hương (thôn An Thạch, xã Xuân An, thị xã An Khê) thu gom trứng ốc để ấp. Ảnh: Ngọc Minh
Chị Trần Thị Ánh Hương (thôn An Thạch, xã Xuân An, thị xã An Khê) thu gom trứng ốc để ấp. Ảnh: Ngọc Minh


Cùng với áp dụng đúng kỹ thuật nuôi, chị Hương còn nhân giống ốc theo cách thức tự nhiên. Vào mùa ốc sinh sản (từ cuối tháng 8 đến tháng 10 hàng năm), chị thu gom từng ổ trứng đem về để nơi cao ráo trong bể nuôi ấp. Chị cho hay: “Nếu để trứng ngoài tự nhiên, tỷ lệ nở chỉ đạt 50-60% và nguy cơ bị chuột, kiến ăn rất cao. Còn mang vào trong bể nuôi ấp thì tỷ lệ trứng nở đạt 90%. Khoảng 20 ngày thì trứng nở và sau 2 tuần có thể thả ốc xuống ao hoặc xuất bán con giống với giá 4 triệu đồng/kg”.

Theo chị Hương, ốc bươu đen hay còn gọi là ốc nhồi rất dễ nuôi, ít dịch bệnh, kỹ thuật chăm sóc đơn giản và không tốn nhiều thời gian. Bên cạnh tận dụng các loại rau cỏ có sẵn trong ao, thỉnh thoảng chỉ bỏ thêm lá mì, lá chuối, bầu bí để làm thức ăn cho ốc. “Trung bình ốc nuôi từ lúc nở đến khi thu hoạch khoảng 4-5 tháng. Ốc được nuôi hoàn toàn tự nhiên nên thịt thơm giòn và được thị trường ưa chuộng. Nhiều người còn đặt mua làm quà biếu người thân, bạn bè”-chị Hương vui vẻ nói.

Chị Hương cho biết thêm: Mỗi ngày, gia đình bán 10 kg ốc thương phẩm với giá 90-120 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình chị thu nhập gần 400 triệu đồng/năm. Thời gian tới, chị sẽ cải tạo gần 1 sào ruộng lúa để mở rộng ao nuôi.

Nhận xét về mô hình nuôi ốc kết hợp nuôi cá của gia đình chị Hương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân An Nguyễn Ngọc Duy cho biết: Gia đình chị Hương đã tận dụng những điều kiện sẵn có để phát triển mô hình nuôi ốc và cá mang lại thu nhập cao. Trên địa bàn xã có nhiều ao hồ, bàu đập và có thể cải tạo những chân ruộng sản xuất kém hiệu quả để nuôi ốc. Thời gian tới, Hội sẽ phối hợp với ngành chức năng hướng dẫn kỹ thuật và tổ chức cho hộ dân có nhu cầu tham quan, học hỏi kinh nghiệm nuôi ốc bươu đen, góp phần đa dạng mô hình chăn nuôi, nâng cao thu nhập cho người dân.

 

 NGỌC MINH
 

Có thể bạn quan tâm

Năng suất và giá lúa trà sớm giảm, nông dân kém vui

Năng suất và giá lúa trà sớm giảm, nông dân kém vui

(GLO)- Hiện nay, một số vùng trọng điểm lúa nước của tỉnh Gia Lai đang thu hoạch lúa trà sớm vụ Đông Xuân 2024-2025. Tuy nhiên, một số vùng bị ảnh hưởng của thời tiết nên bước vào thu hoạch năng suất giảm. Hơn nữa, giá lúa Đông Xuân cũng giảm, nông dân thu lợi nhuận không cao so với năm trước.

Các thương hiệu cà phê của Gia Lai được trưng bày, giới thiệu tại nhiều điểm bán hàng OCOP. Ảnh: V.T

Xây dựng thương hiệu: Đòn bẩy để nông sản vươn xa

(GLO)- Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm là một bước quan trọng trong phát triển bền vững và là đòn bẩy để nông sản vươn xa. Sự thành công trong xây dựng thương hiệu không chỉ giúp tăng giá trị cho sản phẩm mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp trong tương lai.

Người dân xã Nam Yang (huyện Đak Đoa) thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Vũ Thảo

Niên vụ hồ tiêu 2024-2025: Niềm vui chưa trọn

(GLO)- Thời điểm này, bà con nông dân trong tỉnh Gia Lai đang khẩn trương thu hoạch hồ tiêu niên vụ 2024-2025. Dù giá hồ tiêu đang ở mức cao nhưng do ảnh hưởng bởi thời tiết, nhất là giai đoạn cây ra hoa gặp không khí lạnh kéo dài dẫn đến năng suất giảm 20-30% so với vụ trước.