Thu hơn nửa tỷ đồng mỗi năm nhờ nuôi gà kết hợp trồng trọt

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Với việc lựa chọn mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi đã mang lại cho gia đình anh Nguyễn Quốc Sáu (thôn Tân Tiến, xã Trang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) nguồn thu hơn 500 triệu đồng/năm. Nguồn thu còn tăng trong những năm tiếp theo khi 6 ha cà phê tái canh bước vào kinh doanh.

Năm 2019, gia đình anh Nguyễn Quốc Sáu đầu tư gần 900 triệu đồng để xây dựng trại nuôi gà rộng 1.000 m2 bên cạnh vườn cà phê và mít. Để việc chăn nuôi được thuận lợi cũng như giảm chi phí nhân công, anh đầu tư xây dựng chuồng trại, mái che kiên cố, lắp đặt hệ thống máng đựng nước uống, thức ăn tự động.

Anh Nguyễn Quốc Sáu (thôn Tân Tiến, xã Trang, huyện Đak Đoa) bên vườn hồ tiêu của gia đình. Ảnh: Anh Huy
Anh Nguyễn Quốc Sáu (thôn Tân Tiến, xã Trang, huyện Đak Đoa) bên vườn hồ tiêu của gia đình. Ảnh: Anh Huy


Dẫn chúng tôi tham quan khu vực nuôi gà, anh Sáu cho biết: “Hai ngày nữa tôi nhập khoảng 10.000-12.000 con gà giống nên phải khẩn trương vệ sinh chuồng trại, quây bạt để úm gà con, thay lớp vỏ trấu mới để rải nền chuồng cho kịp tiến độ”.

Hơn 1 năm qua, gia đình anh nhận nuôi gia công cho Công ty TNHH một thành viên Chăn nuôi Bình Minh (tỉnh Đồng Nai) và được hướng dẫn kỹ thuật tận tình nên từ đó đến nay, đàn gà của gia đình anh luôn sinh trưởng tốt, mang lại nguồn lợi nhuận ổn định. Mỗi năm, gia đình anh nuôi 3 lứa với khoảng 10.000-12.000 con/lứa, trong thời gian 80 ngày; sau khi xuất chuồng, anh dành 20 ngày để vệ sinh, khử trùng chuồng trại, máng đựng thức ăn, nước uống, thay lớp trấu mới trước khi nhập lứa gà giống tiếp theo.

Lý giải cho việc lựa chọn mô hình nuôi gà gia công, anh Sáu cho hay: “Nuôi gia công, mình chỉ cần bỏ vốn ban đầu để xây chuồng trại, còn lại công ty đầu tư con giống, thức ăn và bao tiêu sản phẩm nên không lo đầu ra. Hơn nữa, với tình trạng giá cả nông sản bấp bênh như hiện nay, việc nuôi gia công an toàn hơn, người chăn nuôi không bị lỗ vốn”.

Minh chứng điều này, anh Sáu tính toán: Bình quân mỗi con gà trong thời gian nuôi ăn hết khoảng 4 kg cám (12.000 đồng/kg) chưa kể tiền vắc xin, thuốc kháng sinh, công chăm sóc... trong khi giá bán gà thịt nuôi nhốt theo kiểu công nghiệp chỉ dao động 25-35 ngàn đồng/kg. Với giá thành đó, người chăn nuôi nếu tự làm sẽ bị thua lỗ nhưng nếu nuôi gia công cho công ty thì không bị ảnh hưởng vì nuôi số lượng lớn, được bao tiêu sản phẩm.

Không chỉ thu về gần 200 triệu đồng/năm từ chăn nuôi gà, gia đình anh Sáu còn tiết kiệm được số tiền không nhỏ nhờ nguồn phân gà để bón cho cây trồng. “Trước đây, gia đình tôi phải bỏ ra hơn 200 triệu đồng để mua các loại phân bón cho diện tích cây trồng nhưng năm nay, tôi mới chỉ mua 20 triệu đồng phân lân. Mặt khác, so với phân hóa học, tôi thấy bón phân gà cây khỏe và phát triển xanh tốt hơn”-anh Sáu chia sẻ.

Anh Sáu kiểm tra các máng thức ăn cho gà. Ảnh: Anh Huy
Anh Sáu kiểm tra các máng thức ăn cho gà. Ảnh: Anh Huy

Bà Nguyễn Thị Tặng-Chủ tịch Hội Nông dân xã Trang: “Qua công tác tuyên truyền, vận động, nhiều hội viên trong xã đã mạnh dạn lựa chọn, chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế phù hợp. Trong đó, hội viên Nguyễn Quốc Sáu nhờ nắm vững quy trình kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và nắm bắt nhu cầu thị trường nên mô hình kinh tế của gia đình anh đã mang lại thu nhập cao, giải quyết việc làm cho nhiều lao động và là địa chỉ để nhiều hội viên, nông dân trong xã học tập, làm theo”.

Ngoài chăn nuôi gà, gia đình anh còn đang trồng và chăm sóc hơn 1.000 trụ hồ tiêu, 1 ha chanh dây, 6 ha cà phê, 500 cây ăn quả (bơ, mít, sầu riêng). Diện tích đất sản xuất này được gia đình anh mua từ năm 1999, khi cả hai vợ chồng còn làm công nhân cao su của Nông trường Hòa Bình (Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang). Diện tích này trước đây một phần gia đình anh trồng cây cao su. Khi cây cao su bắt đầu cho khai thác thì giá mủ giảm sâu, tiền bán mủ chỉ đủ trả tiền công khai thác nên anh lại quyết định chuyển sang trồng cà phê và hồ tiêu.

Anh Sáu cho hay: “Năm 2015 có lẽ là năm mà gia đình tôi thu cao nhất: 3.000 trụ hồ tiêu cho thu khoảng 10 tấn hạt tiêu khô (giá bán 220 ngàn đồng/kg), cà phê lúc đó cũng thu 10-12 tấn nhân (giá 38 ngàn đồng/kg)”. Sau đó, diện tích hồ tiêu do ảnh hưởng của dịch bệnh chết dần, hiện chỉ còn hơn 1.000 trụ, dự kiến cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng. Trên diện tích hồ tiêu đã chết, anh chuyển sang trồng chanh dây và mỗi năm trừ các khoản chi phí cũng thu về hơn 100 triệu đồng.

Riêng diện tích cà phê, dù trồng chưa lâu song vì muốn chuyển sang giống năng suất, chất lượng cao hơn nên anh đã quyết định tái canh hoàn toàn 6 ha trong năm 2019 và năm 2020. Với diện tích cây trồng và vật nuôi lớn nên hàng ngày, gia đình anh luôn có 6-8 lao động làm việc.

Làm công cho gia đình anh Sáu gần 3 năm qua, chị Loa (làng Groi 1, xã Glar) bộc bạch: “Mình rủ thêm 4 chị em trong làng đến đây cùng làm. Sáng mọi người chuẩn bị cơm mang theo để trưa ăn và nghỉ tại chỗ đến chiều làm tiếp. Công việc đều, tiền công trả vào cuối ngày nên mình và mọi người có thêm thu nhập lo chi phí trong nhà”.

ANH HUY
 

Có thể bạn quan tâm

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

(GLO)- Nhờ biết tính toán và tích cực lao động sản xuất nên gia đình ông Rơ Châm Pyik (làng Châm Aneh, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) có nguồn thu ổn định hơn 900 triệu đồng/năm. Không những thế, ông còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở cơ sở.

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

(GLO)- Chiều 29-10, tại xã Ia Tô, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Công ty cổ phần Giống cây trồng, vật nuôi Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo đánh giá kết quả sản xuất giống lúa HG12 trên địa bàn huyện trong vụ mùa năm 2024.