Thu hoạch hồ tiêu gặp khó do mưa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp trên khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên kết hợp với không khí lạnh tăng cường mạnh, ngày 31-3 và dự báo 1-4, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, ảnh hưởng đến việc thu hoạch hồ tiêu.
Gia đình ông Lê Trình (xã Ia Vê, huyện Chư Prông) có hơn 500 trụ hồ tiêu đang trong giai đoạn chín rộ. Hơn nửa tháng trở lại đây, trên địa bàn xuất hiện nhiều cơn mưa đầu mùa đã làm cho gia đình ông gặp khó khăn trong việc thu hoạch và phơi hồ tiêu. “Hầu hết người trồng hồ tiêu trên địa bàn xã Ia Vê đều rất lo lắng khi mưa lớn kéo dài kết hợp với gió mạnh, diện tích hồ tiêu vào giai đoạn chín rộ sẽ bị rụng quả, gây khó khăn trong việc thu hoạch, giảm năng suất và tăng chi phí nhân công”-ông Trình cho biết.
Tương tự, những ngày qua, trên địa bàn huyện Chư Sê cũng liên tục xuất hiện mưa lớn gây ảnh hưởng đến việc thu hoạch hồ tiêu. Chị Đào Thị Linh (xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) chia sẻ: “Thông thường, từ giữa tháng 2 đến giữa tháng 4, thời tiết nắng ráo nên việc thu hoạch và bảo quản hồ tiêu gặp thuận lợi. Tuy nhiên, năm nay, mới bắt đầu giữa tháng 3 đã xuất hiện nhiều cơn mưa về chiều làm cho người trồng hồ tiêu gặp khó khăn. Vườn tiêu nhà tôi có hơn 800 trụ đang thời điểm chín rộ. Tiêu chín rụng đầy gốc mà gặp trời mưa sẽ bị hư hỏng gây thiệt hại về năng suất”.
Ông Hoàng Phước Bính-Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê-cho biết: “Đợt mưa đến sớm này giúp cho người trồng cà phê tiết kiệm được chi phí tưới nước. Tuy nhiên, đối với người trồng hồ tiêu thì ảnh hưởng lớn đến việc thu hoạch”.
Trong khi đó, trận mưa ngày 31-3 đã giúp cho hàng ngàn ha cây trồng cạn, cây công nghiệp dài ngày ở khu vực phía Đông tỉnh được giải hạn. Ông Nguyễn Hiệp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ-cho biết: Sau thời gian nắng nóng kéo dài, các hồ đập trên địa bàn huyện bắt đầu cạn nước, năng lực tưới giảm nhiều. Nếu thời tiết tiếp tục nắng nóng kéo dài thêm khoảng 15-20 ngày thì nhiều diện tích lúa nước bị hạn cuối vụ. Trận mưa này đã giúp nhiều diện tích cây trồng trên địa bàn huyện được bổ sung nước tưới.
Người dân xã Ia Hlốp (huyện Chư Sê) gặp khó khi thu hoạch hồ tiêu do mưa lớn. Ảnh: Anh Quân
Người dân xã Ia Hlốp (huyện Chư Sê) gặp khó khi thu hoạch hồ tiêu do mưa lớn. Ảnh: Anh Quân
Ông Nguyễn Văn Huấn-Trưởng phòng Dự báo (Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên) thông tin: Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng thấp trên khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên tiếp tục đi sâu vào đất liền kết hợp với không khí lạnh tăng cường mạnh nên từ ngày 31-3 đến 1-4, tỉnh Gia Lai có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và giông. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Dự báo trong 24 giờ tới, khu vực phía Đông và Đông Nam tỉnh, lượng mưa phổ biến 40-80 mm, có nơi trên 100 mm; các địa phương còn lại có nơi trên 50 mm. Ngoài ra dự báo trong những ngày tới, nguy cơ lũ quét trên các suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc và ngập cục bộ tại các khu dân cư vùng trũng thấp ven sông của các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh.
Để chủ động ứng phó với đợt mưa kéo dài, UBND tỉnh vừa có Công văn số 605/UBND-NL yêu cầu các sở, ban, ngành là thành viên Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đôn đốc công tác phòng-chống, ứng phó thiên tai ở các địa phương được giao phụ trách. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 524/UBND-NL ngày 22-3-2022; theo dõi chặt chẽ diễn biến của đợt mưa lớn để nắm bắt thông tin, chủ động phòng tránh, ứng phó với mọi tình huống xấu có thể xảy ra, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản của Nhà nước và Nhân dân; tổ chức trực ban Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện, xã để nắm bắt thông tin, sẵn sàng ứng phó.
Ngoài ra, cần rà soát, triển khai công tác đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân; sẵn sàng sơ tán người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, vùng xung yếu, vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, chia cắt đến nơi an toàn, đồng thời đảm bảo quy định về phòng-chống dịch Covid-19. Triển khai lực lượng canh gác ở những vị trí ngầm, tràn, đường giao thông bị ngập, nước chảy xiết; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời xử lý sự cố, đảm bảo thông tuyến trên các trục giao thông chính. Kiểm tra, rà soát các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, nhất là đối với các hồ chứa xung yếu, công trình đang thi công đảm bảo an toàn.
NGUYỄN DIỆP - ANH QUÂN

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.