Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới là phù hợp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, hiện nay sự chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới là phù hợp. Bà cũng cho biết, Nhà nước khuyến khích thị trường vàng trang sức mỹ nghệ như một ngành sản xuất hàng hóa, có cạnh tranh lành mạnh và không “vàng hóa” làm tác động đến nền kinh tế.

 

Trong phát biểu mới đây về công tác quản lý thị trường vàng, bà Nguyễn Thị Hồng-Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết: Từ 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước không đưa thêm vàng ra thị trường, nên vàng miếng SJC trong lưu thông thậm chí còn được chuyển hóa sang vàng nguyên liệu để phục vụ cho sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Hơn nữa, các loại vàng trang sức mỹ nghệ này còn được đem xuất khẩu dẫn đến nguồn cung hạn chế. Từ đây, do nguồn cung bị giảm, giá vàng thế giới tăng cao, các doanh nghiệp phải dự trữ vàng do không biết giá vàng thế giới biến động như nào, việc mua nguyên liệu giá cao thì sẽ phải bán cao hơn. Do đó, sự chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cũng như chênh lệch giữa vàng miếng SJC và các loại vàng miếng khác thời gian qua là phù hợp.

Khách hàng đến giao dịch vàng (ảnh Vũ Thảo)
Khách hàng đến giao dịch vàng. Ảnh: Vũ Thảo


Theo đại diện một số doanh nghiệp kinh doanh vàng, việc chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới là điều không mong muốn. Giá vàng trong nước càng cao, mức chênh lệnh càng lớn so với giá vàng thế giới thì càng tăng mức độ rủi ro cho chính đơn vị kinh doanh. Do đó sự chênh lệch quá lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới là điều không mong muốn. Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh vàng đều cho rằng, việc khan hiếm vàng miếng lẫn vàng nguyên liệu đẩy mất cân đối cung cầu.

Ngay trong sáng ngày 1-8, giá vàng thế giới giao ngay giảm 2,3 USD xuống còn 1.764,2 USD/ounce. Nguyên nhân do đồng USD phục hồi đà tăng, khiến vàng trở nên kém hấp dẫn đối với người mua bằng ngoại tệ khác. Trong khi đó, tại TP. Pleiku, vàng SJC có giá 77,1 triệu đồng/lượng bán ra và 66,1 triệu đồng/lượng mua vào (tăng 100.000 đồng/lượng mua vào so với ngày 31-7).


Theo bà Lê Thúy Hằng-Tổng Giám đốc Công ty SJC, từ năm 2012 thương hiệu SJC được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước lựa chọn là thương hiệu vàng quốc gia. Việc sản xuất vàng miếng được Ngân hàng Nhà nước quản lý rất chặt chẽ trong tất cả các khâu của quy trình, bắt đầu từ cân đo sản phẩm, kiểm tra series, đốt nấu và dập ra vàng miếng. SJC là đơn vị đã được chọn là thương hiệu quốc gia nên luôn tuân thủ đúng các quy định của Ngân hàng Nhà nước. Giá để gia công các miếng vàng chỉ là 140.000 đồng cho một lượng.

Bà Lê Thúy Hằng cũng khẳng định, trong 10 năm qua SJC không được dập một miếng vàng nào từ nguyên liệu. “SJC không thao túng hay làm giá. Bởi giá vàng do cung-cầu của thị trường quyết định. Tất cả các đơn vị kinh doanh vàng đều hiểu không có đơn vị nào thao túng giá vàng. Việc đầu tiên khi lấy giá vàng là tham chiếu giá vàng thế giới, sau đó theo cung-cầu thực tế của thị trường. Quyết định ra giá vàng, không đơn vị nào có thể tự chủ động định giá trên thị trường”-bà Hằng nói.

Tổng giám đốc SJC đánh giá trên thị trường còn rất ít vàng miếng lưu thông, điều này khiến giá mặt hàng này cao hơn nhiều so với thế giới. (Nguồn: TTXVN)
Tổng giám đốc SJC đánh giá trên thị trường còn rất ít vàng miếng lưu thông, điều này khiến giá mặt hàng này cao hơn nhiều so với thế giới. Ảnh nguồn: TTXVN



Khẳng định thêm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết: Nếu người dân lựa chọn SJC thì mua giá cao hơn và khi bán sẽ giá cao hơn. Không một doanh nghiệp nào có thể thao túng vàng SJC để có thể chênh lệch lên đến mấy triệu đồng. Vấn đề này các cơ quan quản lý đã có thanh-kiểm tra các doanh nghiệp khi được phản ánh từ báo chí, truyền thông.


HUỲNH LÊ
 

 

Có thể bạn quan tâm

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

(GLO)- Sáng 9-1, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB Bank) Chi nhánh Gia Lai khai trương hoạt động ngân hàng tự động (Smartbank) Đak Đoa tại số 289 Nguyễn Huệ (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa).