Thiếu giáo viên trầm trọng nhưng hơn 74.000 biên chế giao địa phương chưa tuyển dụng được

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hết năm học vừa qua, cả nước ghi nhận thiếu tới 118.253 giáo viên, nhưng vẫn còn hơn 74.000 chỉ tiêu biên chế được giao cho các địa phương chưa tuyển dụng được.

Không tuyển dụng để trừ vào 10% phải tinh giản biên chế

Thống kê của Cục Nhà giáo và Quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho thấy, đến cuối năm học 2022 - 2023, cả nước tuyển dụng thêm hơn 17.000 giáo viên công lập. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 74.000 chỉ tiêu biên chế được giao cho các địa phương nhưng chưa tuyển dụng được.

Thiếu giáo viên nhưng không tuyển dụng khiến nhiều trường ở vùng cao không có giáo viên dạy tiếng Anh, phải nhờ giáo viên ở Hà Nội dạy học trực tuyến để thực hiện đủ chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: M.C

Thiếu giáo viên nhưng không tuyển dụng khiến nhiều trường ở vùng cao không có giáo viên dạy tiếng Anh, phải nhờ giáo viên ở Hà Nội dạy học trực tuyến để thực hiện đủ chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: M.C

Trong khi đó, cũng theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tình trạng thiếu giáo viên năm học này đang diễn biến trầm trọng hơn năm học trước. Cụ thể, đến thời điểm này, tình trạng thiếu giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông công lập diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước.

Theo thống kê sơ bộ trên cơ sở dữ liệu ngành, hiện nay, cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên. Số giáo viên thiếu tăng thêm 11.308 người so với năm học 2021 - 2022 (cấp mầm non tăng 7.887 người, cấp tiểu học tăng 169 người, cấp THCS tăng 1.207 người, cấp THPT tăng 2.045 người).

Cơ cấu đội ngũ nhà giáo còn mất cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên còn diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn học mới (các môn tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật) nhưng chậm được khắc phục.

Tuy yêu cầu tăng giáo viên nhưng tại các địa phương, biên chế sự nghiệp giáo dục được giao bổ sung không đáp ứng được nhu cầu giảng dạy trong các cơ sở giáo dục; đồng thời thực hiện yêu cầu của Chính phủ tinh giản biên chế 10% làm tình trạng thiếu giáo viên càng chậm được khắc phục.

Bộ GD-ĐT cho rằng, việc thực hiện chủ trương tinh giản 10% biên chế trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp ở nhiều địa phương còn thực hiện một cách cơ học. Thậm chí, một số địa phương không tuyển dụng mới giáo viên để thực hiện chủ trương tinh giản 10% biên chế.

Cần xem xét lại tinh giản biên chế trong ngành giáo dục

Lãnh đạo sở GD-ĐT nhiều địa phương cho rằng, cần xem lại việc tinh giản biên chế trong ngành giáo dục; đề nghị Bộ GD-ĐT đề xuất Chính phủ, Bộ Nội vụ bổ sung chỉ tiêu biên chế giáo viên hằng năm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, ban hành quy định cụ thể thực hiện tinh giản biên chế của ngành giáo dục, đảm bảo định biên giáo viên/lớp, không thực hiện cắt giảm biên chế theo tỷ lệ chung vì giáo dục có đặc thù riêng…

Những giải pháp được Bộ GD-ĐT đưa ra nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, về cơ bản không có gì "đột phá" so với các năm trước. Theo đó, bộ này yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát số lượng chỉ tiêu biên chế và số lượng giáo viên hiện có của các địa phương để phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo T.Ư bổ sung biên chế ngành giáo dục năm học 2023 - 2024 trong tổng số biên chế giáo viên được bổ sung đến năm 2026, theo Quyết định số 72-QĐ/TW.

Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương tổ chức tuyển dụng hết số biên chế giáo viên đã được giao, bảo đảm số lượng và chất lượng (ưu tiên tuyển giáo viên mầm non, tiểu học còn thiếu); sắp xếp, điều tiết giáo viên mầm non, phổ thông giữa các cơ sở giáo dục tại địa phương bảo đảm hợp lý, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ.

Trường hợp chưa tuyển đủ giáo viên thì bố trí nguồn lực để hợp đồng theo Nghị định số 111 ngày 30.12.2022 của Chính phủ; đồng thời xây dựng, rà soát, hoàn thiện Đề án phát triển đội ngũ giáo viên với tầm nhìn dài hạn, làm căn cứ cho việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng giáo viên.

Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, cần nghiên cứu xây dựng chính sách thu hút, tạo nguồn tuyển dụng giáo viên và hỗ trợ, tạo điều kiện để giáo viên yên tâm công tác; thực hiện đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu để bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Có thể bạn quan tâm

'Siết' chỉ tiêu xét tuyển sớm: Các trường top dưới sẽ gặp khó?

'Siết' chỉ tiêu xét tuyển sớm: Các trường top dưới sẽ gặp khó?

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non với nhiều điểm mới. Theo dự thảo, chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20%, điểm trúng tuyển không thấp hơn điểm chuẩn của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ GD&ĐT.

Gia Lai phấn đấu 90% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 vào năm 2030

Gia Lai phấn đấu 90% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 vào năm 2030

(GLO)- Ngày 3-12, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch số 281-KH/TU ngày 11-10-2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 5-1-2024 của Bộ Chính trị về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2025-2030.

Bỏ thi thăng hạng giáo viên từ tháng 12

Bỏ thi thăng hạng giáo viên từ tháng 12

Thay thi bằng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên với những quy định mới; hướng dẫn phương pháp tính giá dịch vụ GD-ĐT là những chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 12 năm nay.