Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024:

Thí sinh Gia Lai phấn khởi sau môn thi đầu tiên

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Trưa 27-6, sau khi hoàn thành bài thi Ngữ văn-môn tự luận duy nhất của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (thời gian làm bài 120 phút), nhiều thí sinh tỉnh Gia Lai rời phòng thi trong tâm trạng phấn khích bởi phần lớn nội dung đã được ôn tập kỹ trước đó.

Thí sinh Gia Lai phấn khởi sau môn thi đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Đ.T

Thí sinh Gia Lai phấn khởi sau môn thi đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Đ.T

Không khó “bỏ túi” điểm 7

Những nụ cười rạng rỡ của thí sinh, những cái ôm siết chặt mừng vui là hình ảnh chung tại điểm thi Trường THPT Phan Bội Châu (TP. Pleiku) sau khi kết thúc buổi thi đầu tiên của kỳ “vượt vũ môn”.

Thí sinh Trần Nguyễn Cẩm Tú (áo trắng; điểm thi Trường THPT Phan Bội Châu, TP. Pleiku) chia sẻ niềm vui với một tình nguyện viên sau khi hoàn thành tương đối tốt bài thi Ngữ văn. Ảnh: Mộc Trà

Thí sinh Trần Nguyễn Cẩm Tú (áo trắng; điểm thi Trường THPT Phan Bội Châu, TP. Pleiku) chia sẻ niềm vui với một tình nguyện viên sau khi hoàn thành tương đối tốt bài thi Ngữ văn. Ảnh: Mộc Trà

Em Trần Nguyễn Cẩm Tú phấn khởi nói: "Em thấy đề Ngữ văn năm nay khá hay, đặc biệt là câu nghị luận xã hội. Yêu cầu “trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc tôn trọng cá tính” rất phù hợp với giới trẻ chúng em hiện nay nên em khá thoải mái khi bày tỏ quan điểm của mình. Theo em, cá tính là màu sắc cá nhân của mỗi người. Việc tôn trọng cá tính sẽ tạo nên một xã hội đa dạng, sáng tạo và thú vị hơn. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta quá đề cao cá tính của bản thân. Việc lắng nghe và tinh thần học hỏi cũng sẽ giúp chúng ta trưởng thành và phát triển. Ở phần nghị luận văn học, bài thơ “Đất nước” đã quá quen thuộc, em không gặp nhiều khó khăn. Em tự tin mình có thể đạt được 8 điểm”.

Nhiều học sinh tại điểm thi Trường THPT Lê Lợi (TP. Pleiku) phấn khích sau khi hoàn thành môn thi đầu tiên. Ảnh: Phương Duyên

Nhiều học sinh tại điểm thi Trường THPT Lê Lợi (TP. Pleiku) phấn khích sau khi hoàn thành môn thi đầu tiên. Ảnh: Phương Duyên

Tương tự, em Lê Phạm Yến Nhi, thí sinh tại điểm thi Trường THPT Lê Lợi (TP. Pleiku) vui mừng chia sẻ: “Em xét tuyển đại học khối A và B nên môn Ngữ văn không nằm trong tổ hợp. Nhưng thật may mắn, câu 2 của phần làm văn với yêu cầu phân tích trích đoạn trong bài thơ “Đất nước” (5 điểm) tụi em đã được ôn rất kỹ. Những hình ảnh trong trích đoạn như “Đất nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn”, “Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn”… rất gần gũi, thân thương nên dễ phân tích. Em dự tính được khoảng 7 điểm. Đa số các bạn cùng điểm thi với em đều phấn khởi vì làm được bài”.

Em H’Diễm (bìa phải)-thí sinh điểm thi Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (TP. Pleiku) phấn khởi sau khi kết thúc môn thi Ngữ văn. Ảnh: Trần Dung
Em H’Diễm (bìa phải)-thí sinh điểm thi Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (TP. Pleiku) phấn khởi sau khi kết thúc môn thi Ngữ văn. Ảnh: Trần Dung

Trong khi đó, em H’Diễm-thí sinh điểm thi Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (TP. Pleiku) cũng thở phào nhẹ nhõm. “Khi mới đọc đề, em thấy khá dài nhưng khi xem kỹ thì nội dung cô đọng và có chiều sâu. Em đã rất lo lắng sẽ gặp khó ở môn Ngữ văn. Tuy nhiên, với đề thi năm nay, em cho rằng nếu biết phân bổ thời gian hợp lý thì sẽ hoàn thành bài thi đúng trọng tâm”-H’Diễm nói.

Chiến sĩ Cảnh sát Giao thông huyện Ia Pa chúc mừng các sĩ tử đã hoàn thành môn thi đầu tiên. Ảnh: Vũ Chi
Chiến sĩ Cảnh sát Giao thông huyện Ia Pa chúc mừng các sĩ tử đã hoàn thành môn thi đầu tiên. Ảnh: Vũ Chi

Đó cũng là cảm nhận chung của phần lớn thí sinh tại các điểm thi ở các địa phương khác trong tỉnh. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, huyện vùng khó Ia Pa có 1 điểm thi duy nhất tại Trường THPT Nguyễn Tất Thành với 296 thí sinh, trong đó có 22 thí sinh tự do. Kết thúc môn thi đầu tiên, hầu hết các thí sinh tại điểm thi này đều khá thoải mái bởi theo các em đề thi vừa sức và nằm trong đề cương ôn tập.

Em Phạm Nhật Anh-điểm thi Trường THPT Nguyễn Thái Học (huyện Chư Pưh) được mẹ và em gái động viên sau khi hoàn thành bài thi môn Ngữ văn. Ảnh: Ngọc Sang

Em Phạm Nhật Anh-điểm thi Trường THPT Nguyễn Thái Học (huyện Chư Pưh) được mẹ và em gái động viên sau khi hoàn thành bài thi môn Ngữ văn. Ảnh: Ngọc Sang

Em Ksor Hồ Thiên Phong cho biết: “Vì em đã đậu vào Trường Đại học Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh nhờ xét học bạ nên kỳ thi tốt nghiệp này em không quá áp lực. Môn thi đầu tiên không phải môn thế mạnh nên em làm bài vừa kịp thời gian. Em hy vọng chiều nay mình sẽ làm bài tốt hơn”.

Theo báo cáo nhanh của Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn tỉnh có 15.058 thí sinh đăng ký dự thi môn Ngữ văn, tuy nhiên chỉ có 15.027 thí sinh dự thi (vắng 31 thí sinh, trong đó có 9 thí sinh người dân tộc thiểu số). Buổi thi diễn ra bình thường; không có trường hợp cán bộ, giáo viên, nhân viên và thí sinh nào vi phạm quy chế thi.

Rời điểm thi Trường THPT Nguyễn Thái Học (huyện Chư Pưh), thí sinh Phạm Nhật Anh không khỏi vui mừng vì “trúng tủ”. Nam sinh cho biết, đề thi Ngữ văn năm nay không quá khó với em và các bạn vì sát với chương trình ôn tập.

“Theo em, cấu trúc đề thi năm nay có sự khác biệt so với các năm trước khi các câu hỏi đầu không quá dễ để “ăn điểm”; phần nghị luận xã hội cũng đòi hỏi phải tư duy nhiều hơn. Độ khó tăng lên nhưng nhìn chung cũng không phải quá khó”-Nhật Anh chia sẻ.

Còn em Nguyễn Thành Lập (cùng điểm thi) tự tin nhận định: “Em nghĩ năm nay phổ điểm của môn Ngữ văn sẽ ở mức 7,5-8 điểm”.

Các sĩ tử điểm thi Trường THPT Hà Huy Tập (huyện Kông Chro) kết thúc môn thi Ngữ văn trong tâm trạng thoải mái. Ảnh: Ngọc Minh

Các sĩ tử điểm thi Trường THPT Hà Huy Tập (huyện Kông Chro) kết thúc môn thi Ngữ văn trong tâm trạng thoải mái. Ảnh: Ngọc Minh

Tại điểm thi Trường THPT Hà Huy Tập (huyện Kông Chro), thí sinh Võ Tiến Sĩ cũng nhẹ nhõm chia sẻ: “Đề có sự phân hóa rõ ràng. Những câu đầu ở phần 1 khá dễ và khó dần ở các câu sau. Tuy không phải “bài tủ” của em nhưng tác phẩm “Đất nước” tụi em đã được thầy cô ôn tập kỹ nên em nghĩ mình sẽ đạt hơn 7 điểm”.

Cùng tâm trạng, em Mía (dân tộc Bahnar, điểm thi Trường THCS Võ Thị Sáu, huyện Đak Đoa) cũng tự tin với kết quả 70% ở bài thi Ngữ văn. “Em hy vọng đây sẽ là khởi đầu tốt cho kỳ thi quan trọng cuối cấp của mình”-Mía bày tỏ.

Clip: Thí sinh Gia Lai bước vào buổi thi đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Thực hiện: Nhóm P.V

“Mong con hoàn thành bài thi một cách tốt nhất”

Trong khi sĩ tử hồi hộp vào phòng thi, các phụ huynh chờ đợi bên ngoài cũng lo lắng không kém. Để rồi, ai cũng hồ hởi cùng niềm vui của các con sau môn thi đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ngồi chờ con tại quán nước gần trường, chị Võ Thị Ngọc Thúy (xã Tân Bình, huyện Đak Đoa) tâm sự: “Kỳ thi này là bước ngoặt của con nên dù công việc nhà nông bận rộn nhưng tôi vẫn tạm gác việc nhà để đưa đón, động viên con thoải mái, tự tin, hoàn thành bài thi một cách tốt nhất. Con nói làm bài khá tốt, dù chưa biết điểm số thế nào nhưng thấy con vui là mẹ cũng vui lây”.

Phụ huynh chia sẻ niềm vui cùng con sau giờ thi Ngữ văn tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Huệ. Ảnh: Đinh Yến
Phụ huynh chia sẻ niềm vui cùng con sau giờ thi Ngữ văn tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Huệ. Ảnh: Đinh Yến

Trò chuyện với P.V, chị Nay H’Huynh (trú tỉnh Đắk Lắk) cho hay: “Con đi thi nhưng tâm trạng cha mẹ cũng hồi hộp không kém gì. 12 năm đèn sách được quyết định trong 2 ngày này nên mặc dù đang sinh sống ở Đắk Lắk nhưng tôi vẫn quyết định về nhà đưa đón con đi thi. Hiện cháu đang ở với bác ruột. Tôi rất vui vì con nói là làm được bài. Hy vọng con sẽ vượt qua kỳ thi với kết quả cao”.

Cũng mong muốn sát cánh bên con trong những ngày “vượt vũ môn”, ông Trương Văn Mai (xã Kông Yang, huyện Kông Chro) sắp xếp việc ruộng rẫy, vượt đường xa hơn 20 km chở con đi thi. Ông Mai chia sẻ: “Vợ chồng tôi có 3 đứa con, 2 con gái đầu sinh đôi hôm nay thi tốt nghiệp. Những năm học ở bậc THPT, các con đều là học sinh giỏi nên tôi khá yên tâm. Tôi hy vọng môn thi đầu tiên các con đạt kết quả tốt, tạo đà để các con tự tin thi những môn tiếp theo”.

Bên ngoài điểm thi Trường THPT Hà Huy Tập (huyện Kông Chro), phụ huynh kiên nhẫn chờ con trong suốt buổi thi. Ảnh: Ngọc Minh

Bên ngoài điểm thi Trường THPT Hà Huy Tập (huyện Kông Chro), phụ huynh kiên nhẫn chờ con trong suốt buổi thi. Ảnh: Ngọc Minh

Trong khi đó, chị Bùi Thị Huyên (xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh) cũng cho hay, chị hạnh phúc khi thấy con trai bước ra phòng thi với gương mặt rạng rỡ. “Hơn một tháng trời, ngày nào cũng thấy con thức khuya ôn bài. Tối hôm qua, cả nhà cũng không ngủ được, chỉ biết bên cạnh động viên để con giảm áp lực. Bây giờ kết quả như thế nào không còn quan trọng nữa. Chủ yếu là con có tâm lý thoải mái để hoàn thành các môn thi còn lại”-chị Huyên tâm sự.

Audio: Thầy Đặng Văn Du-nguyên Tổ trưởng Tổ Ngữ văn Trường THPT Pleiku-nhận định về đề thi môn Ngữ văn. Thực hiện: Nhóm P.V

Thông tin từ Sở Y tế, trong buổi thi Ngữ văn, tại 41 điểm thi không có dịch bệnh xảy ra nhưng có 1 cán bộ coi thi tại điểm thi trường Trường THPT Pleime (xã Ia Ga, huyện Chư Prông) có dấu hiệu đau bụng, rối loạn tiêu hóa. Sau khi thăm khám, uống thuốc, hiện tại sức khỏe của cán bộ coi thi này đã ổn định.

Các tình nguyện viên hỗ trợ thí sinh Trường THPT Phan Chu Trinh (huyện Ia Pa) suất cơm trưa. Ảnh: Vũ Chi

Các tình nguyện viên hỗ trợ thí sinh Trường THPT Phan Chu Trinh (huyện Ia Pa) suất cơm trưa. Ảnh: Vũ Chi

Có thể bạn quan tâm

Chuyện về “đại sứ văn hóa đọc” Bùi Phạm Thùy Linh

Chuyện về “đại sứ văn hóa đọc” Bùi Phạm Thùy Linh

(GLO)- Cuối tháng 10 vừa qua, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức lễ tổng kết và trao giải Đại sứ văn hóa đọc năm 2024. em Bùi Phạm Thùy Linh-Học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Kim Đồng (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) đã đạt giải nhì toàn quốc và giải “Truyện ngắn khuyến đọc hay nhất”.