Theo dấu Cinchona

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ít ai biết rằng, gần hàng thông cổ thụ trăm tuổi tại khu vực Biển Hồ chè (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah, Gia Lai) từng tồn tại một vườn thuốc đặc biệt được người Pháp trồng để lấy vỏ làm nguyên liệu sản xuất thuốc ký ninh điều trị bệnh sốt rét. Đó là vườn cây Cinchona (canh-ki-na). Tại Việt Nam, loài cây này gắn liền với tên tuổi của nhà khoa học, bác sĩ nổi tiếng người Pháp Alexandre Yersin.
Theo một số tài liệu được ghi chép lại, từ năm 1869, một số nhà khoa học Pháp đã có ý định đưa cây Cinchona về trồng thử nghiệm tại một số nước thuộc khu vực Tây và Nam Á, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, phải đến năm 1917, nhà khoa học, bác sĩ Yersin cùng các cộng sự của mình mới chính thức di thực thành công cây Cinchona về trồng tại một số cao nguyên ở Nha Trang và Đà Lạt.
 Một trong 4 cây Cinchona còn sót lại tại khu vực Biển Hồ chè.
Một trong 4 cây Cinchona còn sót lại tại khu vực Biển Hồ chè. Ảnh: Lê Hòa
Những tài liệu ghi chép về sự có mặt của cây Cinchona tại cao nguyên Pleiku gần như chưa được tìm thấy. Vậy nhưng, trong ký ức nhiều người từng sinh sống và gắn bó tại khu vực Biển Hồ chè vẫn còn lưu lại hình ảnh vườn Cinchona được trồng tại đây. Và điều may mắn là ngay sát hàng thông cổ thụ đoạn gần chùa cổ Bửu Minh hiện vẫn còn 4 cây Cinchona vươn mình giữa những vườn chè xanh mướt. Đây là minh chứng xác thực nhất cho sự có mặt của loài cây đặc biệt mà người Pháp từng mất hàng chục năm trời ròng rã tìm cách trồng thử nghiệm để phát triển tại Việt Nam.
Thượng tọa Thích Giác Tâm-Phó Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh, Trụ trì chùa Bửu Minh-nắm những thông tin khá xác thực về vườn Cinchona. Thượng tọa Giác Tâm cho rằng, vị trí khu vườn nằm tại địa phận thôn 2 (xã Nghĩa Hưng). “Thời đầu khai phá, đây là chốn rừng thiêng nước độc. Phu chè, người dân các làng sinh sống quanh vùng bị sốt rét rất nhiều. Người nào da cũng vàng bủng, bụng chướng bởi sốt rét. Đó là lý do người Pháp lập vườn Cinchona tại đây. Ngoài ra, Cinchona còn có tác dụng khử độc nước rất tốt, do đó khi tìm hiểu và phát hiện ra vị trí mạch nước ngầm dẫn từ Biển Hồ chảy về các khu làng công nhân, họ đã trồng cây ngay trên mạch nước để khử độc. Từ khi có vườn Cinchona, dòng nước trở nên mát lành”-Thượng tọa Giác Tâm chia sẻ câu chuyện.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng-Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Hưng, người được sinh ra từ một trong những làng phu đồn điền chè Biển Hồ-cho rằng, vị trí vườn cây Cinchona chính xác là nằm tại khu vực cổng chào thôn 2 hiện nay, rộng tầm 2-3 ha. “Cây Cinchona không chỉ là “bộ máy” xử lý nguồn nước mà người dân còn dùng thân cây để giã ra làm thuốc chữa sốt rét. Nó rất đắng!”-ông Dũng nhớ lại.
Không giống như vườn cây Cinchona nhanh chóng bị xóa sổ, hàng thông cổ thụ tại Biển Hồ chè (cũng do người Pháp trồng) may mắn được gìn giữ cho đến hôm nay. 4 cây Cinchona còn sót lại không hề to lớn. Chúng chỉ ngang những cây thân gỗ tầm thấp và nhỏ bé hơn nhiều khi so dáng với những hàng muồng vàng được trồng chắn gió cho đồi chè. Quan sát sẽ thấy thân cây không có dáng vẻ tương xứng so với tuổi đời ngót trăm năm nhưng phần gốc lại khá lớn. Có lẽ, chúng đã từng bị cưa đốn, phần thân cây hiện nay là cành nhánh tái sinh. Theo ông Trịnh Đình Trường-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chè Biển Hồ, Công ty sẽ giữ lại 4 cây Cinchona để mọi người có thể đến tham quan, chiêm ngưỡng. 
…Đã ngót 100 năm kể từ khi người Pháp bắt đầu khai phá, thành lập các đồn điền chè tại khu vực Biển Hồ, dấu ấn người Pháp để lại sau công cuộc khai thác thuộc địa vẫn còn hiện diện không ít. Hầu hết chúng đã trở thành “di sản”: hàng thông cổ thụ trăm tuổi, đồi chè, những xóm phu đồn điền… Và từ đây, chúng ta còn biết thêm về một loài cây đặc biệt từng được người Pháp đem đến trồng trên vùng đất này: cây Cinchona.
Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm

Thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Ia Tô (xã Ia Tô, huyện Ia Grai) mong muốn được hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản. Ảnh: H.D

Ia Grai: Hợp tác xã chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm

(GLO)- Nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã chủ động tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm của mình. Tuy nhiên, để sản phẩm mới có được chỗ đứng ổn định trên thị trường, các HTX rất cần sự hỗ trợ của chính quyền và ngành chức năng địa phương.

Hướng dẫn thực hiện các phong trào thi đua cho phụ nữ huyện Phú Thiện

Hướng dẫn thực hiện các phong trào thi đua cho phụ nữ huyện Phú Thiện

(GLO)- Sáng 25-3, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hiện các phong trào thi đua, đợt thi đua đặc biệt chào mừng các ngày lễ lớn và hưởng ứng phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hơn 100 cán bộ, hội viên phụ nữ của 2 xã Ia Piar và Ia Peng (huyện Phú Thiện).

Hội LHPN xã Ia Mơ Nông tặng hội viên thùng rác để bỏ rác sinh hoạt, bảo vệ môi trường. Ảnh: G.H

Ia Mơ Nông chung tay bảo vệ môi trường nông thôn

(GLO)- Nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và triển khai nhiều mô hình, cách làm hay, hiệu quả, góp phần làm cho cảnh quan môi trường nông thôn của xã ngày càng xanh-sạch-đẹp. 

Diện mạo nông thôn xã Chư Mố ngày càng khang trang. Ảnh: R.H

Chuyện về những ngôi làng bên sông Ba

(GLO)- Đến xã Chư Mố (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai), chúng ta nhận thấy tên gọi 5 làng ở đây đều gắn liền với dòng sông Ba và những người lập làng đầu tiên. Đó là các làng: Plơi Apa Ama Đă, Plơi Apa Ama H’Lăk, Plơi Apa Ama Lim, Plơi Apa Ơi H’Trông và Plơi Apa Ơi H’Briu.

Nhờ chăm chỉ làm lụng, gia đình anh Rơ Lan Hle (ở giữa) đã xây dựng được ngôi nhà khang trang, bề thế. Ảnh: T.D

Sức sống mới ở làng Ó

(GLO)- Xa rồi những ngày khốn khó với nỗi lo thiếu đói lúc giáp hạt luôn ám ảnh trong tâm trí người dân làng Ó, xã Ia Krái, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. Giờ đây, làng Ó đã khoác lên mình chiếc áo mới bởi màu tươi sáng của những ngôi nhà xây to đẹp và các khu vườn mướt xanh, trĩu quả.