Thắt chặt kiểm soát tín dụng liên quan đến bất động sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang tăng trưởng “nóng”, tiềm ẩn nguy cơ vỡ “bong bóng” khi đạt đến ngưỡng, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng không nới lỏng điều kiện, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản.

Nhận diện rủi ro trong thẩm định giá đất

Từ đầu năm đến nay, làn sóng nhà đầu tư ngoại tỉnh ôm tiền săn đất nông nghiệp có view đẹp, view hồ, view ruộng diện tích lớn đã đẩy giá đất ở Gia Lai tăng đột biến. Trước những rủi ro “bong bóng” bất động sản vỡ tan bất kỳ lúc nào, một số ngân hàng thương mại trên địa bàn ngay lập tức có động thái thắt chặt kiểm soát tín dụng liên quan tới bất động sản.

Ông Lý Anh Đào-Giám đốc SHB Gia Lai-cho biết: “Đã có tình trạng người có hộ khẩu ngoại tỉnh đưa hồ sơ đất đai giao dịch sang nhượng tại Gia Lai đến ngân hàng đề nghị vay vốn. Quan điểm chỉ đạo nhất quán của chúng tôi là hết sức thận trọng trong việc thẩm định cấp tín dụng đối với dạng hồ sơ này và tuyệt đối không để lấy room tín dụng để thao túng thị trường”. Theo ông Đào, nhằm siết chặt tín dụng bất động sản, giảm thiểu nguy cơ rủi ro, đối với tài sản thế chấp là nhà đất đô thị thì Chi nhánh vẫn tiếp nhận thẩm định, xét duyệt cho vay vốn theo quy trình. Tuy nhiên, đối với đất nông nghiệp ở những khu vực, vị trí thuộc diện đang “nóng” lên bất thường thì Chi nhánh sẽ không định giá theo thị trường đang “sốt”.

 Agribank Gia Lai đã cảnh báo các đơn vị trực thuộc tiếp tục siết chặt công tác thẩm định, định giá bất động sản vùng ven. Ảnh: Sơn Ca
Agribank Gia Lai đã cảnh báo các đơn vị trực thuộc tiếp tục siết chặt công tác thẩm định, định giá bất động sản vùng ven. Ảnh: Sơn Ca


Tại Agribank Gia Lai, việc kiểm soát tín dụng bất động sản cũng được siết chặt. Nhiều năm qua, tỷ trọng dư nợ cho vay liên quan đến bất động sản như xây dựng, cải tạo nhà ở, thuê nhà chỉ chiếm 4,8%/tổng dư nợ. Ông Nguyễn Dự-Giám đốc Agribank Gia Lai-nhấn mạnh: “Chúng tôi luôn theo sát tình hình thị trường bất động sản và thường xuyên có thông báo, cảnh báo các đơn vị trực thuộc về công tác thẩm định, cấp tín dụng liên quan đến bất động sản. Đồng thời, tiếp tục mở rộng tín dụng vào những lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, cho vay các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”.

Tiếp tục siết chặt tín dụng bất động sản

Từ đầu năm đến nay, làn sóng đầu tư bất động sản vùng ven “nóng” lên cũng là yếu tố tác động kéo giảm dư nợ tín dụng nhưng đồng thời lại tăng chỉ số huy động vốn ở nhiều ngân hàng thương mại. Theo ông Lý Anh Đào, tính đến hết tháng 3, dư nợ tín dụng của SHB Gia Lai giảm tới 100 tỷ đồng so với đầu năm. Nguyên nhân dư nợ giảm là do tình hình sản xuất kinh doanh vẫn còn đang khó khăn nên khách hàng tất toán, không mở rộng quy mô sản xuất. Một nguyên nhân khác là khách hàng cá nhân có nguồn thu từ bán đất đã trả hết nợ và tiếp tục gửi tiết kiệm.

Tương tự, tại Agribank Gia Lai, trong khi dư nợ tín dụng giảm 175 tỷ đồng nhưng kênh huy động vốn lại tăng tới 498 tỷ đồng so với đầu năm. Lý giải cho điều này, ông Nguyễn Dự phân tích: “Theo quy luật hàng năm, dư nợ tín dụng của quý I thường giảm vì đặc thù lĩnh vực nông nghiệp-nông thôn chưa đến thời vụ sản xuất kinh doanh. Cộng thêm yếu tố đột biến do thị trường bất động sản nóng lên, người dân ở các địa bàn như TP. Pleiku, Chư Sê, Chư Prông, Chư Pưh trúng đất đã trả hết nợ ngân hàng và gửi tiết kiệm”.

Còn ông Đào Tấn Quốc-Phó Giám đốc BIDV Gia Lai thì cho biết: “Từ sau Tết Nguyên đán, tâm lý người dân hạn chế vay vốn, chủ yếu gửi tiền tiết kiệm. Do đó, dư nợ tín dụng bán lẻ của đơn vị có xu hướng chững lại, trong khi huy động vốn dân cư đạt mức tăng trưởng khá so với các năm trước”.

Tính đến hết quý I, tổng nguồn vốn huy động ngành Ngân hàng tỉnh đạt 50.150 tỷ đồng, tăng 5% so với cuối năm 2021. Phân theo cơ cấu tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm chiếm tới 67,2% tổng nguồn vốn huy động và tăng 7,9% so với cuối năm 2021. Đối với hoạt động tín dụng, tổng dư nợ cho vay đạt 97.500 tỷ đồng, giảm 0,6% so với cuối năm 2021. Đối với chất lượng tín dụng, một điểm đáng lưu ý là tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm tỷ trọng 1,7%/tổng dư nợ, giảm 0,29% so với cuối năm 2021. Trong cơ cấu tín dụng hiện nay, ngành Ngân hàng tỉnh bám sát tinh thần chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với đầu tư, kinh doanh bất động sản nên dư nợ cho vay không đáng kể. Nguồn lực tín dụng tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực cho vay nông nghiệp, nông thôn, đầu tư dây chuyền máy móc, thiết bị, chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp, chương trình bình ổn thị trường, tái canh cà phê...

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Hữu Nghị-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh-khẳng định: “Thực hiện Nghị quyết số 01 và 02/NQ-CP của Chính phủ, Chỉ thị số 01/CT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022, Chi nhánh chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Không nới lỏng điều kiện cấp tín dụng. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng bám sát danh mục các dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội để tập trung đầu tư vốn có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân và doanh nghiệp”.

 

 SƠN CA

Có thể bạn quan tâm

Tập huấn kiểm kê tài sản công

Tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công

(GLO)- Ngày 28 và 29-11, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai.