"Thắp sáng" cho người khiếm thị ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vượt lên nỗi bất hạnh khi đôi mắt không còn cảm nhận được ánh sáng, nhiều phụ nữ khiếm thị trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã nỗ lực lao động để thắp lên ánh sáng cho bản thân, gia đình và xã hội.
Mất đi ánh sáng của đôi mắt, cứ ngỡ cuộc đời sẽ chìm trong bóng tối, nhưng nhờ sự hỗ trợ tích cực của Hội Người mù tỉnh, chị Nguyễn Thị Phương (SN 1982, tổ 7, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) đã tìm thấy ý nghĩa cuộc đời.
 Vợ chồng chị Trinh, anh Trình và con trai. Ảnh: Đ.Y
Vợ chồng chị Trinh, anh Trình và con trai. Ảnh: Đ.Y
 
Ông Nguyễn Văn Hùng-Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Gia Lai: “Trong số hơn 2.000 người khiếm thị thì có hơn một nửa là phụ nữ. Những năm qua, Hội đặc biệt quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nữ khiếm thị bằng việc hỗ trợ học nghề, tạo việc làm... giúp họ vươn lên trong cuộc sống, tự tin hòa nhập cộng đồng. Họ không chỉ thắp lên ánh sáng cho cuộc đời mình mà còn là gương sáng để những người cùng cảnh ngộ noi theo”.

Nhớ lại những tháng ngày chỉ quẩn quanh trong ngôi nhà nhỏ, chị Phương kể: “Sinh ra trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, tôi từng là đứa trẻ bình thường, nhanh nhẹn như bao đứa trẻ khác. Lúc lên 2 tuổi, mắt phải tôi bị mọc hột lẹo, gia đình đưa đến bệnh viện khám thì bác sĩ khuyên phải phẫu thuật. Không ngờ sau lần ấy, mắt tôi không còn nhìn thấy ánh sáng. Tôi luôn mặc cảm mình là gánh nặng của gia đình, bởi ông bà có câu “Giàu 2 con mắt, khó đôi bàn tay”, mắt đã hỏng, tương lai rồi sẽ ra sao? Nhưng rồi sau đó tôi lại nghĩ khác, mắt hỏng đâu phải là hết và cố gắng vươn lên, dùng đôi tai để nghe, bàn tay để nhận biết sự vật và trí óc để tính toán phụ giúp công việc gia đình”.
Đầu năm 2018, Hội Người mù tỉnh tìm đến vận động gia đình cho chị đi học nghề. Nhưng mẹ chị-bà Nguyễn Thị Nhị-sợ con ra ngoài dễ bị người khác ức hiếp nên không cho đi. Thấy chị quyết tâm, Hội Người mù tỉnh đã cử người về tận nhà dạy nghề tẩm quất, bấm huyệt. Sau hơn một tháng nỗ lực học nghề, chị Phương đã hoàn thành khóa học. Cuối năm 2018, Cơ sở Xoa bóp-Bấm huyệt cổ truyền số 01 Nguyễn Du (TP. Pleiku) thiếu người làm, Hội lại một lần nữa đến nhà vận động gia đình cho chị đi làm.
Thấy sự tận tình của Hội, bà Nhị mới đồng ý nhưng vẫn lên tận cơ sở ở cùng con gái 10 ngày. Tận thấy công việc và nơi ăn ở của con an toàn, bà mới yên tâm. “Mấy tháng nay, con đi làm và nhờ tôi giữ hộ tiền lương 3 triệu đồng/tháng. Nhờ sự quan tâm của Hội Người mù tỉnh, con gái tôi đã tìm thấy tương lai, có cơ hội hòa nhập cộng đồng”-bà Nhị cười hạnh phúc.
Cũng từ nghị lực và được sự quan tâm, chăm lo của Hội Người mù tỉnh mà chị Dương Thị Trinh (SN 1993) có việc làm tại Cơ sở Xoa bóp-Bấm huyệt cổ truyền 01 Nguyễn Du và tìm được hạnh phúc của riêng mình. Chị Trinh sinh ra tại một vùng quê nghèo ở Quảng Trị. Lên 8 tuổi, chị mắc bệnh viêm võng mạc sắc tố. Mặc dù được cha mẹ đưa đi chữa trị khắp nơi nhưng bệnh ngày càng nặng, võng mạc mắt chị mỗi ngày một teo dần, sau đó thì không nhìn thấy gì nữa. Không cam chịu làm người thừa, năm 2014, chị quyết định đi học nghề tẩm quất, bấm huyệt cổ truyền ở Đà Nẵng. Sau 6 tháng nỗ lực, chị đã hoàn thành khóa học. Sau đó, chị theo mẹ lên Pleiku ở trọ đi bán hàng dạo và tìm việc. Đầu năm 2015, chị yêu người con trai ở cùng dãy trọ là anh Trần Văn Trình (SN 1990, quê Quảng Ngãi) làm nghề cửa sắt. Tình yêu của họ được nuôi dưỡng bởi sự cảm thông, hiểu biết, đặc biệt là sự chân thành nơi anh Trình. Cuối năm 2015, anh chị quyết định kết hôn trong sự vui mừng lẫn thương cảm, lo âu từ gia đình và bạn bè. Suốt 4 năm bên nhau, tuy chưa một lần nhìn rõ mặt chồng nhưng chị Trinh luôn cảm nhận được tình yêu và hạnh phúc mà người bạn đời mang lại. Và kết quả của tình yêu ấy là 1 cậu con trai thông minh, ngoan ngoãn.
Khi con đủ lớn để gửi đến trường học, để không là gánh nặng cho chồng, chị Trinh tìm đến Cơ sở Xoa bóp-Bấm huyệt cổ truyền của Hội Người mù tỉnh xin làm việc. Được Hội tạo điều kiện làm việc, nhờ sự chăm chỉ và có đôi tay khéo léo, mỗi tháng chị thu nhập từ 2,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng. “Tôi tuy mù nhưng lại gặp nhiều may mắn. Đó là nhờ vào tình yêu của chồng, của cha mẹ và sự tận tình giúp đỡ của Hội. Tôi ngẫm ra cuộc đời chưa bao giờ quay lưng với người tốt”-chị Trinh chia sẻ.
 ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm

Gia cảnh éo le của em Rah Lan Thư

Gia cảnh éo le của em Rah Lan Thư

(GLO)- Bố bị hoại tử xương đùi nhưng phải dừng việc điều trị để dành tiền cho con gái Rah Lan Thư chữa căn bệnh hiểm nghèo Lupus ban đỏ. Tình cảnh éo le của gia đình em đang rất cần sự giúp đỡ từ cộng đồng.

Tặng 250 suất quà cho người nghèo, khó khăn xã Trang

Tặng 250 suất quà cho người nghèo, khó khăn xã Trang

(GLO)- Ngày 9-3, Hội Chữ thập đỏ huyện Đak Đoa phối hợp với Đoàn từ thiện Chùa Vạn Thông (TP.Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) và UBND xã Trang tổ chức chương trình tặng quà cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn tại địa phương.

Tặng 800 suất quà cho hộ nghèo, người khuyết tật các huyện Ia Pa, Chư Prông, Ia Grai và Chư Păh

Tặng 800 suất quà cho hộ nghèo, người khuyết tật các huyện Ia Pa, Chư Prông, Ia Grai và Chư Păh

(GLO)- Trong 2 ngày (ngày 6 và 7-3), Hội Chữ thập đỏ tỉnh Gia Lai, Hội Chữ thập đỏ các huyện: Ia Pa, Chư Prông, Ia Grai và Chư Păh phối hợp với Đoàn từ thiện Phước Huệ (TP. Hồ Chí Minh) cùng chính quyền địa phương tổ chức tặng quà cho hộ nghèo, bệnh nhân phong, người khuyết tật.

Anh Lê Văn Bài được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã tích cực tham gia phong trào hiến máu tình nguyện. Ảnh: Đ.Y

Lê Văn Bài, gương sáng hiến máu cứu người

(GLO)- Từ năm 2008 đến nay, anh Lê Văn Bài-Công chức Văn hóa-Xã hội xã Ia Pết (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã 25 lần hiến máu tình nguyện (HMTN). Năm 2024, anh được tôn vinh là 1 trong 17 người hiến máu tiêu biểu toàn tỉnh và được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen.