Thanh tra góp phần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 2022, ngành Thanh tra Gia Lai đã triển khai kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng trong công tác phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh. 
Bà Trần Thùy Thanh-Phó Chánh Thanh tra tỉnh-cho biết: Công tác phòng-chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực luôn được các cấp ủy, chính quyền và người dân đặc biệt quan tâm. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác đấu tranh PCTN, ngay từ đầu năm, Thanh tra tỉnh đã chủ động tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện công tác PCTN trên địa bàn tỉnh; đồng thời, hướng dẫn Thanh tra các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ban, ngành xây dựng kế hoạch thanh tra theo đúng định hướng, gắn với rà soát, xử lý để tránh chồng chéo trong hoạt động thanh tra.
“Ngoài các cuộc thanh tra theo kế hoạch đã được phê duyệt, ngành Thanh tra còn được cấp có thẩm quyền giao thanh tra đột xuất đối với một số cơ quan, đơn vị. Nội dung thanh tra tập trung vào công tác quản lý kinh tế-xã hội của các ngành, địa phương, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm, dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng, được dư luận xã hội quan tâm. Công tác thanh tra được thực hiện trên tinh thần nghiêm minh, khách quan, đúng quy định của pháp luật; kiến nghị xử lý và áp dụng kịp thời các biện pháp theo thẩm quyền nhằm chấn chỉnh, khắc phục sai phạm, thu hồi thiệt hại gây ra cho Nhà nước, cá nhân, cơ quan, tổ chức”-Phó Chánh Thanh tra tỉnh nhấn mạnh.
Vụ việc đền bù sai hơn 1,8 tỷ đồng trong quá trình xây dựng trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiểm, huyện Chư Sê được phát hiện qua công tác thanh tra. Ảnh: Lê Anh
Vụ việc đền bù sai hơn 1,8 tỷ đồng trong quá trình xây dựng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Chư Sê) được phát hiện qua công tác thanh tra. Ảnh: Lê Anh
Theo đó, trong năm 2022, ngành Thanh tra đã triển khai 110 cuộc thanh tra theo kế hoạch và 15 cuộc thanh tra đột xuất về việc chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng ngân sách; đầu tư, mua sắm các dự án phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin; kinh phí đầu tư xây dựng, sửa chữa trụ sở làm việc; triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; thực hiện các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước; phân lô bán nền, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN tại 352 đơn vị; đã kết thúc và kết luận 103 cuộc tại 324 đơn vị. Qua thanh tra đã phát hiện sai phạm về tài chính tại 210 đơn vị với tổng số tiền hơn 33,69 tỷ đồng. Trong đó, yêu cầu nộp ngân sách nhà nước hơn 32,1 tỷ đồng, xử lý khác hơn 1,4 tỷ đồng. Từ kết quả thanh tra, Thanh tra tỉnh đã kiến nghị chuyển hồ sơ 6 vụ việc sai phạm sang Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh để xem xét, xử lý theo quy định, trong đó có 4 vụ liên quan đến đầu tư, mua sắm các dự án phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tại các Sở: Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường; 1 vụ liên quan đến việc chi trả tiền đền bù, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất để thực hiện dự án xây dựng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Chư Sê) và 1 vụ để mất 1.731 ha rừng xảy ra tại Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Ia Pa (huyện Kông Chro). Đồng thời, trên cơ sở kiến nghị của Thanh tra tỉnh, UBND tỉnh và UBND cấp huyện đã kịp thời chỉ đạo tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với 39 tập thể và 224 cá nhân liên quan đến các sai phạm. Trong đó, cảnh cáo 1 cá nhân, khiển trách 2 cá nhân, xóa tư cách chức vụ 1 cá nhân và kiểm điểm rút kinh nghiệm 220 cá nhân. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã thu hồi nộp vào ngân sách hơn 23,4 tỷ đồng từ số tiền sai phạm được phát hiện qua công tác thanh tra. “Trong thời gian qua, các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trên địa bàn tỉnh đã được đẩy mạnh, chú trọng công tác tự phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Hiệu quả thu hồi tài sản qua công tác thanh tra chuyển biến rõ rệt”-bà Thanh cho biết thêm.
Bên cạnh công tác thanh tra hành chính, Thanh tra tỉnh cũng đã triển khai và kết thúc 7 cuộc thanh tra trách nhiệm thủ trưởng trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và PCTN tại 30 đơn vị. Cùng với đó, ngành Thanh tra cũng đã tiến hành 164 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với 1.713 tổ chức, cá nhân; phát hiện 138 tổ chức và 172 cá nhân vi phạm; yêu cầu nộp ngân sách nhà nước hơn 184,6 triệu đồng, ban hành 305 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 3 tỷ đồng.
Theo Phó Chánh Thanh tra tỉnh, các kết luận, kiến nghị xử lý sai phạm qua thanh tra trong năm 2022 luôn đảm bảo chính xác, khách quan, kịp thời và đúng pháp luật. Từ đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo chấn chỉnh kịp thời và xử lý nghiêm đối với những tập thể, cá nhân sai phạm nhằm từng bước phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng tham nhũng, tiêu cực, gây thất thoát tài sản, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh. Công tác PCTN được UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát sao nên đã tạo được những chuyển biến tích cực. Việc chỉ đạo, phối hợp, theo dõi, đôn đốc được thực hiện thường xuyên, cụ thể và sâu sát hơn; các giải pháp về phòng ngừa tham nhũng được các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện đầy đủ, gắn với việc đẩy mạnh công tác tự kiểm tra hoạt động PCTN và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.
LÊ ANH

Có thể bạn quan tâm

Mẹ lãnh án vì giao xe cho con trai gây tai nạn chết người

Mẹ lãnh án vì giao xe cho con trai gây tai nạn chết người

(GLO)-

Sáng 27-3, Tòa án nhân dân huyện huyện Chư Prông đưa ra xét xử lưu động và tuyên phạt bị cáo Rơ Mah Pil (SN 1986, trú tại làng Tu, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ".

Shark Thủy vừa bị bắt là ai?

Shark Thủy vừa bị bắt là ai?

Ông Nguyễn Ngọc Thủy (tức shark Thủy) là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn giáo dục Egroup - một doanh nghiệp trải rộng trên nhiều lĩnh vực từ giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe đến thực phẩm.