Thành Thành Công Gia Lai: Mang niềm vui đến người trồng mía

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Vụ ép 2021-2022, Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai (TTC Gia Lai) đã công bố chính sách thu mua mía tại nhà máy từ hơn 1,16 triệu đồng đến 1,22 triệu đồng/tấn mía tươi sạch 10 chữ đường (CCS). Đây là mức giá cao nhất từ năm 2018 đến nay, giúp người trồng mía khu vực Đông Nam tỉnh yên tâm đầu tư sản xuất.

Giá mía nguyên liệu tăng cao

Để người trồng mía yên tâm thu hoạch và đầu tư mở rộng diện tích, mới đây, TTC Gia Lai chính thức công bố giá thu mua mía nguyên liệu trong vụ ép 2021-2022. Theo đó, tổng giá mua mía tươi sạch 10 CCS về tại nhà máy bình quân hơn 1,16 triệu đồng/tấn (bao gồm giá mua mía tại ruộng, cước vận chuyển và các khoản trợ giá đầu tư trồng, chăm sóc đã chi người trồng mía) và giá cao nhất là 1,22 triệu đồng/tấn, tùy theo cự ly vận chuyển và thời gian giao mía. Riêng những diện tích mía không may bị cháy, giá thu mua giảm 50.000 đồng/tấn so với giá mía tươi.

Vùng nguyên liệu mía của Công ty Thành Thành Công Gia Lai. Ảnh TTC Gia Lai cung cấp
Vùng nguyên liệu mía của Công ty Thành Thành Công Gia Lai. Ảnh TTC Gia Lai cung cấp


Đây là mức giá cao nhất sau 3 năm (2018-2020) bị ảnh hưởng của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Với giá thu mua này, người trồng mía có lợi nhuận cao hơn những năm trước. Đặc biệt, nếu phối hợp tốt cùng Công ty kiểm soát thu hoạch đảm bảo tươi, sạch (tạp chất ≤ 3%) sẽ giảm chi phí phát sinh tăng lợi nhuận cho người trồng mía.

Ông Phương Văn Hiếu (làng Kte, xã Hbông, huyện Chư Sê) cho biết: Những năm trước, ông trồng bắp và đậu. Khoảng 2 năm trở lại đây, khi TTC Gia Lai đầu tư hệ thống tưới, múc ruộng, vật tư nông nghiệp cùng các chính sách phát triển vùng nguyên liệu, ông chuyển sang trồng mía theo hướng thâm canh. Năm ngoái, giá cũng tăng nên 1,4 ha mía của gia đình thu hoạch bán cho Nhà máy, trừ chi phí còn lợi nhuận hơn 60 triệu đồng, cao hơn so với cây bắp, đậu. “Năm nay, tôi trồng thêm hơn 3,5 ha. Vừa rồi, Công ty thông báo các chính sách thu mua mía giá tăng hơn năm ngoái nên tôi rất yên tâm. Nếu thời tiết thuận lợi, năng suất mía có thể đạt 100 tấn/ha. Với gần 5 ha chuẩn bị thu hoạch, với giá như hiện nay, dự kiến sản lượng mía trong vụ thu hoạch này đạt khoảng 500 tấn và đạt 10 CCS, sau khi trừ chi phí, tôi sẽ thu về hơn 250 triệu đồng”-ông Hiếu phấn khởi nói.

Tương tự, ông Đào Duy Phước (thôn Plei Tăng A, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện) cho hay: Tôi trồng mía hơn 10 năm nay với diện tích 80 ha. Các chính sách đầu tư của TTC Gia Lai ổn định nên tiết giảm nhiều chi phí sản xuất. Năm nay, giá mía tăng cao so với những năm trước mang lại niềm vui cho người trồng mía.

Nông dân các huyện, thị xã khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai thu hoạch mía. Ảnh: Nguyễn Diệp
Nông dân các huyện, thị xã khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai thu hoạch mía. Ảnh: Nguyễn Diệp


Theo bà Vũ Thị Lan-Giám đốc TTC Gia Lai: Giá thu mua mía nguyên liệu của TTC Gia Lai trong vụ ép năm nay tăng bình quân 170.000 đồng/tấn, tăng khoảng 20% so với vụ thu hoạch 2020-2021. Thời gian tới, tùy theo giá đường thực tế trên thị trường, Công ty sẽ cân đối điều chỉnh giá thu mua mía phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích để đồng hành cùng người trồng mía khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai.

Sẵn sàng vụ ép mới

Hiện TTC Gia Lai đã chuẩn bị phương tiện vận chuyển, máy móc và nhân công thu hoạch cho vụ ép mới 2021-2022. Cùng với các chính sách đầu tư thâm canh, điều kiện thời tiết thuận lợi, dự ước năng suất mía năm nay bình quân đạt khoảng 72 tấn/ha. Người trồng mía kỳ vọng sẽ “thắng lợi kép” khi được mùa, được giá.

 

Thành Thành Công Gia Lai chú trọng cơ giới hóa từ lúc trồng đến chăm sóc và thu hoạch. Ảnh: Nguyễn Diệp
Công ty TTC Gia Lai chú trọng cơ giới hóa từ khi trồng, chăm sóc đến thu hoạch. Ảnh: Nguyễn Diệp
Dự kiến, vụ ép 2021-2022 bắt đầu từ ngày 11-12-2021. Theo đó, TTC Gia Lai tiến hành thu mua toàn bộ sản lượng mía đã đầu tư trong vùng nguyên liệu các huyện, thị xã khu vực Đông Nam tỉnh. Hiện Công ty đang triển khai dự án nâng công suất nhà máy từ 6.000 tấn mía cây/ngày lên 8.000 tấn/ngày để người trồng mía tại các huyện: Ia Pa, Phú Thiện, Krông Pa, Kông Chro, Chư Sê, thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) và huyện Ea H’Leo (tỉnh Đak Lak) phát triển cây mía theo hướng bền vững.

Giám đốc TTC Gia Lai cho biết: Công ty tiếp tục cải tiến và thực hiện quản lý 100% nhân công thu hoạch mía, đồng hành cùng người dân kiểm soát các tiêu chí thu hoạch và giá đốn mía thấp nhất. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ số, các tài xế vận chuyển mía chủ động kết nối, thao tác nhận lệnh chở mía trên điện thoại thông minh đảm bảo kịp thời, thuận lợi nhất, hạn chế tiếp xúc trong điều kiện dịch Covid 19. Mía được thu hoạch và vận chuyển về nhà máy kịp thời giúp các hộ dân dọn ruộng chăm sóc sớm, góp phần tiết giảm chi phí, nâng cao chất lượng, từ đó người trồng mía “bỏ túi” thêm từ 2-4 triệu đồng/ha.

“Song song với chính sách thu mua mía, vụ ép 2021-2022, TTC Gia Lai đã ban hành nhiều chính sách đầu tư ưu đãi về vốn, vật tư và kỹ thuật canh tác, khuyến nông… Qua đó, tiếp thêm nguồn lực để người trồng mía chủ động cải tạo đất, mở rộng diện tích thâm canh. Đặc biệt, để phát triển vùng nguyên liệu mía ổn định và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành mía đường, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa Công ty và người trồng mía, TTC Gia Lai có chính sách bảo hiểm giá thu mua 3 vụ liên tiếp từ niên vụ 2022-2023 đến 2024-2025 để người dân yên tâm làm giàu cùng cây mía”-bà Vũ Thị Lan thông tin.

 

 NGUYỄN DIỆP

 

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.