8Trong phần viết về chiến thắng lẫy lừng của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng năm 938 đánh tan quân xâm lược nhà Hán, chấm dứt 1.000 năm Bắc thuộc, mở ra một thời kỳ độc lập tự chủ lâu dài của dân tộc Việt, Ngô Thì Sĩ bình rằng: “Trận thắng trên sông Bạch Đằng là cơ sở cho việc khôi phục quốc thống. Những chiến công đời Đinh, Lê, Lý, Trần sau này còn nhờ vào uy danh lẫm liệt ấy để lại. Trận Bạch Đằng vũ công cao cả, vang dội đến nghìn thu, há phải chỉ lẫy lừng ở một thời bấy giờ mà thôi đâu”.
Cũng như chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền chấm dứt ngàn năm Bắc thuộc, hơn 1.000 năm sau, chiến thắng Điện Biên Phủ của năm 1954 hay chiến thắng của ngày 30-4-1975 đều là những “uy danh lẫm liệt để lại”, những “vũ công cao cả vang dội nghìn thu”, mở ra thời kỳ mới cho lịch sử dân tộc.
Với ngày 30-4-1975, cùng với độ lùi của thời gian, càng cho thấy tầm vóc vĩ đại của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Nam Bắc sum họp một nhà, Tổ quốc chung một bóng cờ, và người Việt Nam biết đến hòa bình thực sự.
Phải có hòa bình thực sự chúng ta mới tập trung xây dựng và phát triển đất nước. Gần nửa thế kỷ sau ngày 30-4-1975, cùng với đổi thay của đất nước, TPHCM đã và đang phát triển xứng đáng với tầm vóc đầu tàu của nền kinh tế quốc gia. Chúng ta phấn khởi với những dự án tầm cỡ chuẩn bị cho 50 năm ngày thống nhất đất nước vào năm 2025 như: Dự án đường Vành đai 4 với vốn đầu tư hơn 100.000 tỷ đồng; dự án cầu Thủ Thiêm 4 với vốn hơn 4.950 tỷ đồng; dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ với vốn hơn 6 tỷ USD... Cùng với niềm vui có những đại lộ rộng dài, những nhà ga, bến cảng tầm cỡ thế giới, chúng ta cũng không thể không quan tâm việc những con hẻm nhỏ ở từng khu phố nghèo được mở rộng. Mỗi con hẻm được nâng cấp như thế sẽ góp phần làm cho đời sống mỗi người dân an vui hơn, như một cam kết “không ai bị bỏ lại phía sau” khi thành phố từng ngày tiến về phía trước, văn minh, hiện đại, nghĩa tình!
Ở TPHCM, có một quán cà phê trong khuôn viên Dinh Độc Lập ngày trước - nay là Hội trường Thống Nhất. Khi ngồi cà phê ở đó, nhìn xuyên qua tàng cây cổ thụ gặp hình ảnh những chiếc xe tăng húc đổ cánh cổng sắt tiến vào dinh gần nửa thế kỷ trước đang trưng bày ở đây sẽ thấy đôi khi sự vĩ đại của hòa bình lại hiện lên trong một hình ảnh giản dị như thế. Chúng ta càng thấm thía hơn giá trị của hòa bình, khi mà trên địa cầu này, ở một góc trời Đông Âu hay sa mạc Trung Đông, súng vẫn nổ và những người dân vô tội vẫn ngày ngày thiệt mạng.
Mỗi dịp kỷ niệm 30-4 chính là một lần nhắc nhớ, để mỗi công dân biết tri ân và góp sức gìn giữ thành quả lớn lao và vĩ đại này! Tiếp đó, sau ngày 30-4 năm nay, chúng ta lại tự hào với những cột mốc lịch sử: Đúng một tuần nữa là lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5) “Lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu” được tổ chức với quy mô lớn nhất từ trước đến nay; kỷ niệm 65 năm mở đường Hồ Chí Minh (tháng 5-1959); kỷ niệm 70 năm ký kết Hiệp định Genève (tháng 7-1954); kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (tháng 9-1969); kỷ niệm 70 năm giải phóng thủ đô Hà Nội (tháng 10-1954); kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (tháng 12-1944)… Rồi bánh xe thời gian lăn đến ngày tròn nửa thế kỷ trước đất nước Việt Nam có ngày thống nhất, có hòa bình: 30-4-1975 - 30-4-2025.
Hơn ai hết, người Việt hiểu rõ cái giá phải trả dằng dặc bao năm để có được hòa bình và thống nhất. Có thống nhất, có hòa bình, chúng ta mới có thể có được cơ đồ và vị thế như ngày hôm nay!