Vai trò quan trọng đó thể hiện trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng và xây dựng đất nước.
Những người làm báo luôn đi đầu trong các tuyến thời sự nóng bỏng, xông xáo trên nhiều mặt trận, có nhiều tác phẩm hay, tác động mạnh mẽ trong cuộc sống, kịp thời biểu dương, động viên người tốt, việc tốt, những mô hình tiên tiến trong nông nghiệp, nông thôn.
Không chỉ phản ánh khách quan, trung thực sự việc, mà nhiều tác phẩm báo chí còn mang tính phát hiện vấn đề, phản biện những bất cập từ cơ chế, chính sách. Không khó để nhận thấy những cơ chế, chính sách được điều chỉnh nhờ sự lên tiếng mạnh mẽ của báo chí.
Song, mặt trái của báo chí còn bộc lộ, có những bài báo chỉ "phản ánh một phần sự thật", thiếu tính toàn diện, thiếu định hướng, gây ngộ nhận. Sự cẩu thả của một số phóng viên trước áp lực tin bài phải nộp. Đã có tình trạng một phóng viên tham dự một sự kiện chia sẻ thông tin cho nhiều người. Một số bài viết tường thuật sự kiện "từ xa" ở nhà hay quán cà phê. Nhiều cơ quan báo chí còn trông chờ vào ngân sách, kém năng động, chậm đổi mới. Quy hoạch báo chí được triển khai thực hiện mấy năm qua, nhưng chưa gặt hái nhiều thành công như kỳ vọng.
Trong bối cảnh hiện nay, các cơ quan báo chí, người làm báo đang đứng trước những thách thức to lớn trong chuyển đổi số, công nghệ làm báo đang thay đổi mạnh mẽ. Chủ trương sắp xếp lại hệ thống báo chí nhằm bảo đảm tính tinh gọn, hiệu quả là xu thế không thể đảo ngược, là hướng đi đúng. Thay cái cũ bằng cái mới bao giờ cũng xảy ra những "xung đột" hoặc ít nhất là những trăn trở, lăn tăn trước tình trạng kẻ ở, người đi, ai còn, ai mất.
Tuy nhiên, trong thực tế cũng đã xuất hiện những cơ quan báo năng động, tích cực, tự chủ tài chính một cách hiệu quả, nhưng vẫn bảo đảm nhiệm vụ tuyên truyền. Các cơ quan báo này đã chứng minh được vai trò và sự cần thiết, đáp ứng nhu cầu bạn đọc, góp phần lan tỏa những giá trị của báo chí cách mạng. Vì vậy, khi tiến hành sắp xếp lại các cơ quan báo theo hướng tinh, gọn, hiệu quả, cần trả lời thấu đáo những vấn đề sau.
Một là, liệu tại mỗi bộ, ngành Trung ương và địa phương có nhất thiết phải có một cơ quan báo chí trực thuộc hay không? Chỉ nên duy trì, không nhất thiết ở tất cả các bộ, ngành đều phải có một cơ quan báo mà ưu tiên tồn tại tờ báo, tạp chí có vai trò không thể thay thế trong thực hiện nhiệm vụ công. Xem xét tổ chức báo chí theo mô hình liên ngành, liên tỉnh thay vì mỗi bộ, ngành hoặc địa phương đều có cơ quan riêng, nhằm tránh trùng lặp và tăng hiệu quả.
Hai là, ưu tiên giữ lại những cơ quan báo chí đã và đang làm tốt nhiệm vụ chính trị và tự chủ tài chính. Những tờ báo không tự chủ được thì phải sắp xếp, sáp nhập hoặc chuyển sang cơ chế tự chủ, hoạt động dựa trên nhu cầu thị trường. Nếu tờ báo không đáp ứng được, để thị trường tự đào thải.
Ba là, khả năng thích ứng thị trường? Các cơ quan báo chí tồn tại phải sẵn sàng thích nghi với cạnh tranh thị phần, sử dụng công nghệ hiện đại và mô hình tài chính mới để tồn tại và phát triển. Việc thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền cần được xem là nhiệm vụ công có kiểm soát, có cơ chế đặc thù, nhưng không thể chỉ đơn thuần là "mệnh lệnh hành chính" mà cần công cụ tài chính, cơ chế thị trường có định hướng điều tiết.
Theo NLĐO