Thông qua kết nối đồng bộ các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, doanh nghiệp... tạo nền tảng tinh gọn bộ máy.
Đến thời điểm này, có thể khẳng định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu để nâng cao tính hiệu quả và minh bạch trong công tác quản lý nhà nước. Khi áp dụng công nghệ số vào quản lý sẽ giúp giảm thiểu việc xử lý thủ công, tiết kiệm thời gian và nguồn lực; giảm bớt các khâu trung gian và tối ưu hóa nhân sự.
Ông Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, tại buổi tọa đàm "Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy - Những việc cần làm ngay" do Báo Thanh Niên tổ chức hôm qua (11.12), cũng đề cập vai trò của chuyển đổi số đối với cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy hiện nay. Ông nhìn nhận nếu thúc đẩy số hóa, dữ liệu tích tụ nhiều và sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) thì Nhà nước "có thể rất bé".
Thực tế, quá trình ứng dụng các tiến bộ của công nghệ thông tin vào công tác quản lý đã ghi nhận những thay đổi rõ nét, mạnh mẽ trong thực hiện thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước khi dịch vụ công trực tuyến phát triển qua 4 mức độ. Với việc trang bị và ứng dụng công nghệ thông tin trong nhiều dịch vụ công hiện nay, chỉ bằng một chiếc điện thoại di động hay máy tính, người dân có thể ngồi bất cứ đâu để nộp hồ sơ, thanh toán phí và nhận kết quả tại nơi mình yêu cầu.
Điều này không chỉ giúp rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, giảm giấy tờ, giảm công sức và thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí cho tổ chức, doanh nghiệp, công dân mà còn giúp giảm tải rất lớn công việc cho cán bộ, công chức.
Còn trong các cơ quan nhà nước, chỉ với một phần mềm e-office, công tác chỉ đạo, điều hành, thực thi công vụ của lãnh đạo, cán bộ, công chức cũng đã có những chuyển biến lớn. Việc cả cơ quan xử lý công việc trên một phần mềm dùng chung, kết nối đến mọi cấp, liên thông từ T.Ư đến địa phương… đã giúp nâng cao trách nhiệm, năng lực của cán bộ, công chức, viên chức.
Kết quả nhìn thấy từ 2 ứng dụng cụ thể trong các cơ quan nhà nước kể trên đã phản ánh vai trò quan trọng của công nghệ thông tin trong cải cách bộ máy. Và để đạt được kết quả rõ nét, mạnh mẽ, nhất thiết phải có một cuộc chuyển đổi số toàn diện trong toàn hệ thống chính trị. Khi đó, bộ máy quản lý nhà nước nói riêng, hệ thống chính trị nói chung mặc nhiên tinh gọn, vừa đảm bảo nâng cao hiệu quả quản trị, vừa đáp ứng những đòi hỏi phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Theo Hải Triều (TNO)