Tháng 3 đi săn lan rừng...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mỗi loài lan rừng có thời điểm ra hoa khác nhau, nhưng đa số thường ra tầm tháng 3, tháng 4 và cuối mùa hoa vào khoảng tháng 9. Mùa này, những nhánh lan rừng hé nụ chúm chím, nhánh bung hoa ngát hương thơm. Đây được coi là thời điểm tiêu thụ lan mạnh nhất, bởi người yêu hoa, người đam mê lan rừng ra sức săn lùng...

Còn nhớ cách đây chừng hơn chục năm, lan rừng các loại có giá chỉ 20-50 ngàn đồng/kg và trồng lan chưa thành phong trào như bây giờ. Lan đẹp, lan hiếm cũng nhiều hơn, lan được đổ đống người mua tha hồ chọn lựa nhành lan ưng ý. Tuy màu sắc không quá bắt mắt nhưng đổi lại hoa lan rừng hương sắc thắm đượm, dịu dàng.

 

Trúc mành được người chơi săn lùng. Ảnh: T.N
Trúc mành được người chơi săn lùng. Ảnh: T.N

Người chơi lan biết đến tụ điểm bán lan rừng ngã ba đường Hai Bà Trưng-Lê Lai bởi sự sôi động khi có đến hàng chục người bán, lượt khách ghé vào xem và mua thì vô kể, mỗi ngày có thể tiêu thụ ngót trăm ký lan rừng. Theo người bán, lan này ở rừng Kon Tum là chủ yếu. Đó là chưa kể đến những shop bán lan, những vườn lan hàng ngày vừa bán lẻ, vừa đóng gói gửi đi các tỉnh khi khách có yêu cầu.

Chị Nương-một người bán lan ở vỉa hè chia sẻ: “Lan thực tế được lấy ở các nhà vườn là chính, chứ lan trực tiếp từ rừng xuống không có bao nhiêu so với trước. Giá lấy lại khá cao bán không lời nhiều, nhưng được cái lan đẹp, nhánh to. Mình bán theo ký là lan rẻ tiền hơn, còn bán bó, bán chậu thường những loại đắt tiền”. Chỉ tay vào nhánh lan trúc quan âm (trúc phật bà) đang hé nụ được gắn sẵn vào tấm gỗ, chị cho biết loại này thuộc dạng tương đối hiếm và khó chăm sóc nên nhiều khách quen của chị đã lân la đến đặt hàng từ lâu rồi mà giờ mới có được một ít.

Bán lan ở đây có nhiều chị em là người dân tộc thiểu số, người sống trên địa bàn Pleiku và một số huyện lân cận, người đến từ Kon Tum, họ bán lâu năm tích góp được kinh nghiệm trồng lan và tỏ ra khá có nghề, ai cũng thủ sẵn trong túi nhiều tấm hình chụp hoa nở để quảng bá hàng của mình. Thấy vậy mà người mua rất tin tưởng, có người mới tập tành chơi lan đến vơ hàng chục ký lan các loại mỗi lần.

Mùa này là mùa nở hoa của dã hạc, hoàng thảo ngũ tinh, hoàng thảo xoắn, hoàng lan, long tu, kim điệp, thủy tiên, đơn cam, sóc lào, đuôi cáo... Lan được rất nhiều người yêu thích, sưu tầm, khiến nhiều loại lan lọt vào hàng hiếm như trúc quan âm, trúc mành, dã hạc trắng, đơn cam, lan trầm... Do đặc điểm về thời tiết nên khó trồng ở nhiều nơi, những người bán lan cho biết các loại này ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội bán có giá khá cao.

Có mặt thường xuyên ở điểm bán lan dễ dàng bắt gặp những gương mặt quen thuộc. Ngày nào cũng đến, có khi chẳng mua được giò lan nào, chỉ là thỏa mãn niềm đam mê. “Đến thường xuyên để săn những giống lan mình chưa có. Hôm nọ mình mua được vài nhánh bạch ngọc, mà hay hoa này chỉ nở đúng 1 ngày. Đi làm về chưa kịp ngắm hoa, hoa đã tàn, vậy mà nhiều người thích chăm hoa này lắm”-anh Sĩ Hà (nhà ở chợ Nhỏ), một người đam mê lan nói. Anh Hà thường sưu tầm lan ở các cánh rừng Tây Bắc. Đặc điểm lan vùng này thân to, mập mạp, cánh hoa dày, sắc hoa tươi hơn lan vùng Tây Nguyên. Anh kể mùa lan tháng 3 năm ngoái có người săn được giống lan dã hạc 5 cánh trắng (còn gọi là dã hạc Duy Linh-vùng đất Đà Lạt) với giá trên dưới 10 triệu đồng/cành hoặc đo chiều dài mỗi cọng (thân) để tính tiền. Một số dân mê lan khác cho biết, cũng là dã hạc 5 cánh trắng nhưng giống cấy mô từ Thái Lan rẻ hơn rất nhiều. Song, ai đã đam mê lan rừng, nhất nhất phải là lan từ tự nhiên.

Từ thú chơi tao nhã nhiều năm nay, mà nhà anh Khải-chủ một vườn lan đã trồng được khoảng 2.000 giò lan các loại. Từ chơi chuyển qua kinh doanh, ngoài  vườn lan ở huyện Mang Yang, anh còn chưng lan tại nhà cho khách muốn ghé thăm (tại hẻm 74 Phùng Khắc Khoan). Lan của anh đa phần xuất bán các tỉnh ở đồng bằng và một số điểm bán lẻ ở Pleiku. Dù sở hữu lượng lan lớn và phong phú chủng loại như vậy nhưng hàng ngày anh vẫn có mặt tại điểm bán lan vỉa hè để mua-bán, trao đổi, với hy vọng sẽ bổ sung thêm loài lan mới.

Chơi lan rồi mới biết, lan rừng tự nhiên có hàng ngàn loại, mỗi loại hoa ở từng vùng đất do ảnh hưởng khí hậu có sự khác biệt về cấu tạo, loại ra chùm hoa dày, loại thưa hoa, loại hoa to, hoa nhỏ, cánh dày-cánh mỏng, màu đậm-nhạt khác nhau... Đặc biệt hơn, theo kinh nghiệm của người chơi, giống nào đột biến về màu sắc thì coi như hàng vừa hiếm vừa quý, tính tiền mỗi nhánh cứ một cm tầm trên dưới 1 triệu đồng. Ví dụ như nghinh xuân thường là tím, tím trắng nhưng có nhành ra toàn màu trắng; đuôi cáo màu tím hồng cũng ra vòi hoa trắng tuyền... Người am hiểu về lan, sành lan, dựa vào màu sắc, lưỡi hoa và mùi hương cũng đánh giá được đâu là lan rừng, đâu là lan cấy mô. Và thường mùa lan tháng 3 tháng 4, từ các mối lái quen biết ở nhiều tỉnh họ đặt hàng và săn lan, làm dày thêm bộ sưu tập lan rừng của mình. May mắn sở hữu được những giò lan này coi như mãn nguyện quá trình đam mê.

Sau thời gian tất bật của cuộc sống hiện đại, người ta thường tìm về với thiên nhiên, tự thưởng cho mình những phút giây thư giãn, vì vậy một không gian tràn đầy sắc hoa, hay đôi khi chỉ thoảng hương thơm dịu nhẹ của nhành lan, cảm thấy lòng thư thái lạ lùng...

Thảo Nguyên

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.