Tạo thương hiệu sản phẩm truyền thống trên quê hương thứ hai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Vốn quen với tiếng cối giã thịt, tiếng nước sôi của nồi giò luộc ở vùng quê Ninh Bình, khi vào xã Ia Sol (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) lập nghiệp, anh Nguyễn Duy Thanh tìm cách gầy dựng lại nghề và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm truyền thống của quê hương.

Duyên nghề

Sinh ra ở vùng quê Yên Lâm, Yên Mô, Ninh Bình, ngay từ nhỏ, anh Nguyễn Duy Thanh đã biết phụ giúp gia đình làm giò, chả. Đặc biệt, mỗi khi Tết đến xuân về, tiếng chày giã thịt xôn xao cả xóm nhỏ.

Năm 1991, anh Thanh vào thôn Thắng Lợi 3 (xã Ia Sol) lập nghiệp. Nhớ nghề làm giò, chả ở quê, anh bàn với một người bạn mua máy rồi về xay thịt làm giò, chả thuê cho người dân địa phương. Lúc bấy giờ, dịch vụ tiệc cưới chưa phổ biến, có đám cưới thuê anh làm tới 50 kg giò, chả. Tích lũy ít vốn liếng, năm 1998, anh quyết định mở cơ sở sản xuất giò, chả tại nhà.

Sản phẩm giò chả, nem chua Duy Thanh được người tiêu dùng tại địa phương đánh giá cao. Ảnh: Vũ Chi

Sản phẩm giò chả, nem chua Duy Thanh được người tiêu dùng tại địa phương đánh giá cao. Ảnh: Vũ Chi

Anh Thanh chia sẻ: “Nghề nào cũng cần có cái duyên. Ai có duyên và biết giữ chữ tín thì sẽ gắn bó được với nghề”. Vì vậy, ai muốn học nghề anh cũng sẵn lòng chỉ dạy. Theo anh Thanh, làm giò, chả không khó nhưng đòi hỏi phải biết chọn thịt, giã thịt, gói và luộc. Trong đó, khâu chọn nguyên liệu là quan trọng nhất.

Mặc dù đặt hàng ở cơ sở uy tín nhưng hàng ngày, anh Thanh vẫn thức dậy từ 3-4 giờ sáng tới lò mổ để lựa thịt heo ngon. Nếu thịt heo có màu đỏ thì giò sẽ có màu hồng còn nếu sử dụng thịt heo nái, giò sẽ có màu thâm, không hấp dẫn. Thịt heo lấy về sơ chế cho sạch rồi xay, hấp tùy thuộc vào số lượng khách hàng đặt trước sao cho khoảng 6-7 giờ sáng là mọi thứ phải xong xuôi.

Cùng với việc chọn nguyên liệu, công đoạn luộc giò, chả cũng phải căn chỉnh thời gian chính xác, nếu không sản phẩm sẽ không được thơm ngon. “Giò ngon thường có màu trắng hồng, bề mặt có lỗ nhỏ li ti. Nếu tinh mắt, người tiêu dùng sẽ thấy những lỗ nhỏ này có độ bóng, nhẵn. Khi thưởng thức, người ăn cảm nhận được độ dai nhẹ và hương thơm tự nhiên của thịt”-chị Tống Thị Nhung-vợ anh Thanh-vừa cắt miếng giò mời khách vừa giới thiệu.

Xây dựng thương hiệu

Mỗi ngày, cơ sở của anh Thanh cung cấp cho thị trường khoảng vài chục ký giò, chả. Khi có đám tiệc, số lượng tăng lên khoảng 50-60 kg/ngày. Ngoài làm giò, chả, anh Thanh làm thêm nem chua để đa dạng mặt hàng phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.

Nếu như nem chua Thanh Hóa hoặc Bình Định dùng thịt xay nhuyễn, gói nhỏ thì nem chua Ninh Bình gói to hơn, thịt thái thành miếng tạo sự khác biệt. Gia đình anh đang bán với giá 120.000 đồng/kg giò, chả; 180.000 đồng/kg nem. Cùng với 7 ha chuyên trồng khoai lang, mía, gia đình anh là hộ sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu tại địa phương.

Theo chị Nhung, nhờ có nồi hấp căn chỉnh nhiệt độ, thời gian, năng suất và chất lượng giò, chả được nâng lên đáng kể. Ảnh: Vũ Chi

Theo chị Nhung, nhờ có nồi hấp căn chỉnh nhiệt độ, thời gian, năng suất và chất lượng giò, chả được nâng lên đáng kể. Ảnh: Vũ Chi

Theo anh Thanh, giò, chả từ lâu đã trở thành món ăn quen thuộc của người Việt. Nếu như trước đây, món ăn này chủ yếu để phục vụ đám tiệc thì giờ lại xuất hiện thường xuyên trong mâm cơm của nhiều gia đình. Đây là cơ hội để nghề làm giò, chả phát triển. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu dùng cao đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng phải đảm bảo. Vì vậy, anh Thanh vẫn trung thành với cách làm truyền thống, nói không với hóa chất. Anh luôn trăn trở sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng với chất lượng tốt nhất và giá cả hợp lý nhất.

Năm 2022, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, anh Thanh đã đăng ký tham gia Chương trình OCOP cho bộ sản phẩm giò chả và nem chua của gia đình. “Chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh là niềm vui song cũng là đòi hỏi để cơ sở không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm. Riêng với tôi, đây như một lời tri ân với cố hương. Thời gian gần đây, tôi làm thêm các sản phẩm giò bò, giò gà. Thông qua Chương trình OCOP, hy vọng sản phẩm của cơ sở được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn”-anh Thanh chia sẻ.

Trao đổi với P.V, bà Tạ Thị Lan-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Sol-cho biết: Hiện trên địa bàn xã có 4 cơ sở sản xuất giò, chả. Tuy nhiên, bộ sản phẩm giò chả và nem chua Duy Thanh là sản phẩm đầu tiên của xã đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, được người tiêu dùng đánh giá cao. Địa phương luôn khuyến khích và tạo điều kiện để gia đình tham gia các phiên chợ, hội chợ thương mại do huyện, tỉnh tổ chức nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng, từ đó, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Có thể bạn quan tâm

Bún quậy... lên non

Bún quậy... lên non

(GLO)- Bún quậy còn có tên là bún nước. Có lẽ đó là cách ông bà ta gọi theo những gì nhìn thấy. Ngoài ra, nó còn có tên khác là bún rạm, cua (có nơi còn chế biến với cá, tôm, mực, bò...), tùy theo loại thực phẩm kèm với bún.

“Đại thụ” về ẩm thực ở làng Tiêng 2

“Đại thụ” về ẩm thực ở làng Tiêng 2

(GLO)- Bà H’Nut được coi là “đại thụ” về ẩm thực truyền thống ở làng Tiêng 2 (xã Tân Sơn, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai)Ở tuổi 70, bà là người duy nhất ở làng đã dành trọn đời mình để giữ vẹn nguyên hương vị ẩm thực Jrai bao đời.
Những mùa kiệu... ngọt

Những mùa kiệu... ngọt

(GLO)- Ngày Tết cổ truyền của dân tộc, trong mâm cơm của gia đình người Việt, nhất là ở phía Nam, món dưa kiệu là món không bao giờ thiếu. Không gì bằng món dưa kiệu (ngâm cùng với đu đủ xanh, cà rốt, củ cải... tùy sở thích của người dùng) ăn cùng với bánh tét, bánh chưng.
Quán mì hoành thánh 50 năm chỉ bán ăn đêm

Quán mì hoành thánh 50 năm chỉ bán ăn đêm

(GLO)- Không nổi tiếng như những quán ăn lâu đời cùng thời, nhưng quán mì hoành thánh Kế Đô (55 Hai Bà Trưng, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) từ khi mở cửa đến nay chỉ chuyên bán ăn đêm. Cũng bởi “lấy đêm làm ngày” mà không phải thực khách nào cũng biết đến quán ăn đêm đã tồn tại suốt nửa thế kỷ qua ở Phố núi.
Độc đáo “rượu ghè mẹ Dung”

Độc đáo “rượu ghè mẹ Dung”

(GLO)- Lâu nay, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh Gia Lai vẫn ủ rượu ghè. Tuy nhiên, khi nhắc tới rượu ghè làm từ men vỏ cây rừng, nhiều người nhớ ngay đến “rượu ghè mẹ Dung” ở làng Kon Pơ Nang, xã Hà Tây, huyện Chư Păh.
Ra mắt thương hiệu “Rượu ghè mẹ Dung” làng Kon Pơ Nang

Ra mắt thương hiệu “Rượu ghè mẹ Dung” làng Kon Pơ Nang

(GLO)- Ngày 22-9, Ban Quản lý thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xã Hà Tây (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) ra mắt thương hiệu sản phẩm “Rượu ghè Mẹ Dung”. Đây là sản phẩm của mô hình sản xuất rượu ghè từ gạo lứt và men của vỏ cây rừng tại làng Kon Pơ Nang.
Vị đắng trong ẩm thực vùng “chảo lửa”

Vị đắng trong ẩm thực vùng “chảo lửa”

(GLO)- Ẩm thực ở vùng “chảo lửa” Krông Pa (tỉnh Gia Lai) gắn với nhiều loài cây lá, hoa trái mang vị đắng có tác dụng thanh nhiệt. Đó có thể chính là kinh nghiệm tích lũy truyền đời của cư dân vùng đất này, như một cách thích nghi với khí hậu hanh khô nắng nóng. Theo thời gian, người dân nơi đây đã biến những vị thuốc thành món ăn theo một cách thức thật kỳ diệu.