Tăng cường phạt "nguội" để đảm bảo trật tự an toàn giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh, ngày 10-3-2021, Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai đã ban hành Kế hoạch số 352/KH-CAT-PV01 với 7 giải pháp, trọng tâm là giám sát, phát hiện, xử phạt “nguội” các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
Hiệu quả rõ rệt
Xử phạt “nguội” các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ là việc lực lượng Công an sử dụng camera ghi nhận hình ảnh vi phạm, trích xuất đảm bảo đủ 4 yếu tố pháp lý: không gian, thời gian vi phạm, lỗi vi phạm và biển số đăng ký của phương tiện vi phạm. Trên cơ sở đó, bộ phận đăng ký, quản lý phương tiện xác minh người điều khiển phương tiện vi phạm, gửi thông báo, lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt.
Hiện nay, ngoài hệ thống camera an ninh trật tự, Công an các địa phương còn đưa vào sử dụng các camera có chất lượng hình ảnh, độ phân giải rõ nét nhất để ghi nhận hình ảnh vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Trong 9 tháng năm 2021, qua trích xuất hình ảnh 5 camera giao thông, Công an TP. Pleiku phát hiện 318 trường hợp vi phạm, ra quyết định xử phạt “nguội” 220 trường hợp (19 mô tô, 201 ô tô) với tổng số tiền 826,2 triệu đồng về các lỗi vi phạm chủ yếu là vượt đèn đỏ, đi ngược chiều; tước 220 giấy phép lái xe; gửi thông báo vi phạm hành chính 98 trường hợp. Cũng trong thời gian này, qua dữ liệu 4 camera giám sát giao thông, Công an thị xã An Khê ra quyết định xử phạt “nguội” 79 trường hợp vi phạm với tổng số tiền 66,4 triệu đồng, tước 63 giấy phép lái xe.
Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thông qua hệ thống camera được quy định cụ thể tại khoản 1, Điều 64 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012. Theo đó, cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông. Bên cạnh đó, thực hiện Thông tư số 65/2020/TT-BCA ngày 19-6-2020 của Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an toàn tỉnh thực hiện nghiêm túc, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trong đó chú trọng tiếp nhận, xử lý tin báo vi phạm giao thông từ người dân qua mạng xã hội như Facebook, các nhóm Zalo, Fanpage chính danh của Công an các huyện, thị xã, thành phố; hệ thống nhóm Zalo thôn, làng, tổ dân phố. Điển hình như Công an huyện Đak Đoa đã xây dựng nhóm Facebook An toàn giao thông huyện Đak Đoa. Qua đó, người dân có thể tương tác trực tiếp với lực lượng Công an, cung cấp thông tin, hình ảnh vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, gương người tốt-việc tốt, hành động đẹp hoặc những bất cập trong tổ chức giao thông trên địa bàn... Công an huyện sẵn sàng tiếp nhận, xác minh, xử lý các trường hợp vi phạm, góp phần xây dựng văn hóa giao thông, phòng ngừa và kéo giảm tai nạn. Sau 10 tháng triển khai, Công an huyện Đak Đoa tiếp nhận 45 thông tin phản ánh về vi phạm Luật Giao thông đường bộ; xác minh, tra cứu phương tiện, ra quyết định xử phạt “nguội” 25 trường hợp vi phạm hành chính với số tiền 23,55 triệu đồng.
Đại tá Lê Văn Hà (bìa phải)-Phó Giám đốc Công an tỉnh kiểm tra trung tâm điều hành hệ thống camera giám sát giao thông tại Công an TP. Pleiku. Ảnh: Thúy Trinh
Đại tá Lê Văn Hà (bìa phải)-Phó Giám đốc Công an tỉnh kiểm tra trung tâm điều hành hệ thống camera giám sát giao thông tại Công an TP. Pleiku. Ảnh: Thúy Trinh
Hình thức xử phạt “nguội” đem lại nhiều lợi ích thiết thực. Với hình ảnh rõ nét, thời gian, địa điểm, lỗi vi phạm rõ ràng, người vi phạm phải công nhận hành vi vi phạm và chấp hành nộp phạt. Việc tăng cường ứng dụng công nghệ vào giám sát và xử phạt hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ góp phần đảm bảo minh bạch trong việc xử phạt, giúp nâng cao ý thức tự giác chấp hành của người tham gia giao thông, hạn chế các hành vi cố tình vi phạm pháp luật khi không có lực lượng chức năng, từ đó góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.
Những bất cập cần khắc phục
Tuy nhiên, việc tiến hành phạt “nguội” qua hệ thống camera vẫn bộc lộ một số bất cập, dẫn đến hiệu quả chưa cao. Tại một số địa phương, hệ thống camera giám sát đã hư hỏng, hình ảnh không rõ nét hoặc đứt cáp quang truyền tín hiệu từ camera về hệ thống máy chủ đặt tại trụ sở Công an. Đơn cử như Công an huyện Krông Pa được trang bị 20 camera an ninh nhưng hiện đã hư hỏng toàn bộ; Công an thị xã Ayun Pa có 22 camera hoạt động chủ yếu phục vụ công tác bảo đảm an ninh trật tự, chưa đáp ứng yêu cầu ghi nhận hình ảnh vi phạm giao thông… Bên cạnh đó, sau khi ghi nhận hình ảnh vi phạm, việc xác minh, gửi thông báo cho người vi phạm gặp nhiều khó khăn trong các trường hợp như: phương tiện đã được chuyển nhượng chủ sở hữu khác nhưng không đăng ký với cơ quan chức năng; người điều khiển sử dụng phương tiện của dịch vụ cho thuê xe tự lái...
Để việc xử phạt “nguội” ngày càng phát huy hiệu quả, thiết nghĩ các địa phương, đơn vị cần quan tâm lắp đặt, bảo dưỡng hệ thống camera giám sát giao thông với chất lượng, độ phân giải cao, có thể ghi nhận biển số xe, thậm chí có khả năng nhận diện đặc điểm người vi phạm. Gắn hệ thống camera giao thông song song với hệ thống đèn chiếu sáng ban đêm, nhất là ở một số tuyến quốc lộ, tỉnh lộ để ghi nhận hình ảnh rõ nét hơn. Ngoài giám sát giao thông, hệ thống camera chất lượng cao sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội; kịp thời giám sát, truy vết và răn đe tội phạm. Người dân khi mua bán ô tô, mô tô cần tiến hành thủ tục sang tên đổi chủ để tránh gặp rắc rối khi chủ phương tiện mới điều khiển xe vi phạm, bị xử phạt “nguội”.   
Trong thời gian tới, Công an tỉnh tiếp tục phối hợp với Sở Giao thông-Vận tải tham mưu Ban An toàn giao thông tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh khảo sát, lắp đặt hệ thống camera thông minh trên các tuyến quốc lộ để giám sát, phát hiện, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông đi qua địa bàn tỉnh nhằm góp phần giảm thiểu tai nạn. Để chứng minh người vi phạm trong xử phạt “nguội”, Công an toàn tỉnh sẽ quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm nhằm khắc phục tình trạng mua bán xe không sang tên đổi chủ. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng áp dụng chế tài nghiêm khắc đối với những trường hợp cố tình chây ì, không tuân thủ hình thức xử phạt “nguội” như: cấm đăng kiểm có thời hạn; tước giấy phép lái xe tạm thời đối với người vi phạm... Ngoài ra, lực lượng Công an đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ; tiếp tục tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin, hình ảnh về vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ từ người dân, phát huy vai trò của toàn xã hội trong việc giữ gìn trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.
Đại tá LÊ VĂN HÀ
Phó Giám đốc Công an tỉnh

Có thể bạn quan tâm

Phiên tòa giả định xét xử tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ tại Đak Pơ

Phiên tòa giả định xét xử tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ tại Đak Pơ

(GLO)- Chiều 8-11, Huyện Đoàn Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) phối hợp với các cơ quan tư pháp huyện tổ chức phiên tòa giả định xét xử tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ và giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ tại xã Yang Bắc.

Thanh tra Sở Giao thông-Vận tải kiểm tra điều kiện an toàn kỹ thuật phương tiện kinh doanh vận tải trước khi xuất bến. Ảnh: M.P

Nỗ lực kiềm chế tai nạn giao thông

(GLO)- Trong 10 tháng năm 2024, tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh Gia Lai tăng cả số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện tại, ngành chức năng và chính quyền các địa phương đề ra nhiều giải pháp nhằm kiềm chế, kéo giảm TNGT trong những tháng cuối năm.