Tản văn: Hương đồng, gió nội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Hôm qua em đi tỉnh về/ Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”  (Nguyễn Bính).

“Hương đồng, gió nội”, hẳn đó là phát hiện dân gian và được nhà thơ Nguyễn Bính thể hiện trong phần lớn thi phẩm của ông nên ông được tôn vinh là “Nhà thơ của làng quê Việt Nam”. Tất nhiên, những nhà thơ tiền bối khuyết danh và cả hữu danh như Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Đình Chiểu… hay các nhà thơ cùng thời: Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ, Bàng Bá Lân… hậu thế có Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, Phạm Công Trứ… cũng dốc tâm huyết, bút lực với đề tài này, bằng thể thơ lục bát truyền thống.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thế có nghĩa, “hương đồng, gió nội” là thực thể hiện hữu ở làng quê Việt, tạo nên chất quê, gồm cả người quê. Và, làn gió như tỏa ra từ dòng sông, đồng bãi, bờ tre, khóm lá, từng nếp nhà… “chuyển tải” hương đồng, gọi là gió nội, chứ sao!

Từ thẳm sâu trong tiềm thức, những đêm khó ngủ, những lần về thăm quê… dần định danh sự ám gợi mê hoặc ngút ngát đến choáng ngợp con tim mãi cho đến bây giờ tôi mới gọi ra: Hương đồng. Vâng, quê tôi có mùi và có lẽ chỉ những người sống xa quê, yêu nhớ quê, thường trực ý nghĩ về quê, thêm một chút nhạy cảm sẽ nhận ra cái mùi hương đặc trưng ấy.

Mùa xuân, trên cánh đồng mươn mướt lúa đương thì con gái, trôi dọc bờ sông bãi mía, ruộng bắp thẳm xanh hương của đất trời dậy lên phảng phất trong sương sớm ngan ngát dịu lành như thảng hoặc mơ hồ mà tinh khôi, thanh khiết nồng nàn. Mùi đồng quê nồng ngập trong người, chút hương lúa đương thì con gái thơm thanh, chút mùi cỏ dại, cây non ngòn ngọt mát lành; phù sa đất thở; ruộng đồng qua đêm cựa mình, hơi nước từ mặt sông mang theo chút mùi bùn ao, mùi tanh nhẹ của những loài rêu tảo, thủy sản hòa thành một mùi rất riêng biệt khó định danh. Pha trộn mà vẫn cứ rạch ròi mùi hợp hương nồng đượm tỏa vào không gian bát ngát buổi sớm mai trong lành lúc mặt trời chưa kịp nhô lên ướp vào gió, phảng phất rồi trôi đi trong vô tận. Mùi hương ấy nhẹ len vào hơi thở của người dân ra đồng sớm rồi dường như tự tan biến khi mặt trời vừa qua khỏi ngọn tre.

Mùa hạ đánh thức ta bằng tiếng chim quen lảnh lót hiên nhà. Tia nắng sớm lùa qua khung cửa sực nức mùi ổi chín mà đêm qua loài chim ăn đêm đã vứt bừa mấy trái ăn dở ngay đầu ngõ nhỏ. Rồi mùi mít chín, xoài thơm, vú sữa mọng căng lủng lẳng… Mùi trái chín trong vườn.

Mùa hạ cũng là mùa người dân quê tôi đốn mía làm đường. Giữa trưa chang chang nắng thảng hoặc làn gió, lẫn trong không gian sực nức mùi đường nấu thơm lừng ngọt đậm. Bất giác cánh mũi phập phồng, nước miếng tứa ra thèm một bát nước chè hai vừa nấu sôi mới đánh vôi lần nhất.

Ngày hè thường dài hơn, và khoảng thời gian kéo dài ấy là chiều tà, hoàng hôn nhập nhoạng. Vào thời điểm này, dường như nhà nào cũng hun một đống lép cạnh chuồng trâu bò để xua bớt đàn muỗi đói. Mùi khói lép không hăng nồng như mùi vỏ trấu, không đậm và thơm như mùi đốt cỏ lá mà hình như có sự hòa quyện của tất cả các nguyên liệu trên. Khói từ đống lép hun không lên cao mà ngập ngừng âm ỉ, nhè nhẹ tỏa lan quyện với mùi phân chuồng, mùi đốt lá dọn vườn nồng nồng, ngăn ngắt không hẳn là thơm nhưng cũng không hoàn toàn khó chịu nhưng rất đặc trưng mà ám gợi vô cùng! Khi hoàng hôn vừa tắt hẳn ngõ hẹp, lối mòn lập lòe đom đóm, ôi chao hoa dủ dẻ như quyện lấy bước chân, đưa ngang cánh mũi độc chiếm một khoảng không gian quánh đặc cuối ngày…         

Sáng mùa thu hơi sương bảng lảng, thảnh thơi vác cuốc ra đồng, hương lúa ngậm đòng, bắp trổ cờ phơi nõn, ao làng búp sen hàm  tiếu hứng giọt sương đêm; hơi bùn đất thở qua đêm… dìu dịu, ngọt lành mà trang văn tôi chưa có tính từ gợi tả!

Hương đồng mặn mòi, nồng chua từ tấm áo mẹ cha sau buổi làm đồng về. Từ làn da, mái tóc em thơ chân đất đầu trần chang chang đuổi nắng. Từ cơ thể người già nay yếu mai đau khó bề tắm gội. Ngan ngát hương sả, hương chanh, hương bồ kết dịu thơm lay lay theo mái tóc buông dài cô thôn nữ bước chân duyên nhẹ nhàng đung đưa trong gió. Hợp hương cùng mùi mồ hôi tỏa ra từ cơ thể thanh tân sau nếp áo “chân quê”, định danh mùi trinh nữ!      

Còn có biết bao nhiêu mùi khác nữa mà từng thời khắc trong ngày, mỗi mùa trong năm đất quê, người quê, sản vật từ quê ấp ủ, ngầm chiếm ngự trong tôi, nuôi lớn tâm hồn tôi để rồi trên bước đường viễn xứ khi ai đó hỏi về, tự hào mà rằng: Tôi là dân quê. Và mùi hương ấy, làn gió ấy vì lý do gì bị hao sút chẳng tiếc nuối lắm sao!

Nguyễn Đình

Có thể bạn quan tâm

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

(GLO)- Đó là phát biểu của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn tại hội nghị tổng kết 50 năm nền văn học nghệ thuật tỉnh Gia Lai sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) diễn ra vào sáng 23-4 tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku).

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

(GLO)- “Dáng vẻ của một người yên lặng đọc sách khá giống với những gì tôi cảm thấy khi nghĩ về một người đang trưởng thành trong lặng lẽ”-đó là cảm nhận của chị Trần Thị Kim Phùng Thủy-Trưởng ban Điều hành dự án “Văn hóa đọc Gia Lai” về giá trị sâu bền mà sách mang lại.

Thơ Lenguyen: Mùa qua phố

Thơ Lenguyen: Mùa qua phố

(GLO)- Bài thơ "Mùa qua phố" của tác giả Lenguyen là một bức tranh dịu dàng, gợi cảm xúc, đưa người đọc bước vào không gian phố núi Pleiku trong thời khắc chuyển mùa. Với giọng điệu lãng mạn và sâu lắng, bài thơ khơi gợi vẻ đẹp bình dị nhưng đầy chất thơ của phố núi...

Con đường tất yếu

Con đường tất yếu

Vài năm trở lại đây, các sản phẩm văn hóa - nghệ thuật Việt đã được khai thác với tinh thần mới: vừa trân trọng truyền thống, vừa dấn thân khai phá cái mới.

Xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết

Xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết

Ngày 4-4, tại Hà Nội, Bộ VH-TT-DL tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng Nghị định về khuyến khích phát triển văn học. Đây là một bước quan trọng nhằm tạo dựng hành lang pháp lý hỗ trợ nền văn học Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0.

 Thơ Lữ Hồng: Bầu trời trở lại

Thơ Lữ Hồng: Bầu trời trở lại

(GLO)- "Bầu trời trở lại" của Lữ Hồng là bài thơ giàu hình ảnh và cảm xúc, gợi lên sự chuyển mình của thiên nhiên, lòng người. Bài thơ là bức tranh thiên nhiên đẹp đẽ, cũng là một hành trình nội tâm sâu sắc, nơi con người giao hòa với đất trời, với những giấc mơ và niềm tin vào ngày mai.