"Tàn nhưng không phế"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dù phải để lại một phần cơ thể nơi chiến trường, nhưng về với cuộc sống đời thường, nhiều thương-bệnh binh vẫn luôn gương mẫu đi đầu trên mọi lĩnh vực, không chùn bước trước những khó khăn, tiếp tục tỏa sáng giữa đời thường bằng những việc làm ý nghĩa.

Vượt lên chính mình

Một chiều tháng 7, chúng tôi đến thăm nhà ông Oam-bệnh binh làng Rkhương Tleo, xã Kdang, huyện Đak Đoa. Ngôi nhà khang trang tọa lạc ở đầu làng được tạo dựng bởi bàn tay của một bệnh binh suy giảm khả năng lao động trên 61%. Ông Oam kể: “Thời chiến, tôi là bộ đội đặc công, bị thương trong một trận càn của Mỹ vào năm 1968. Sau khi xuất ngũ, về địa phương, cuộc sống đối mặt với nhiều khó khăn: thiếu đất sản xuất, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm làm lúa nước, nhất là sức khỏe suy giảm. Thế nhưng, tôi đã cùng vợ con ngày đêm tích cực lao động sản xuất để có cuộc sống đầy đủ như bao người”.  

Theo ông Oam, dù trên mặt trận nào thì người lính cũng luôn phải cố gắng phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, “thương binh tàn nhưng không phế”. Ông tự hào: “Sau nhiều năm miệt mài khai hoang, tôi sở hữu 12 ha cà phê, hồ tiêu, cao su, lúa nước và các loại cây ăn quả. Giờ tuổi cao, sức yếu nên tôi chia lại cho 6 người con 7 ha. Vợ chồng tôi hiện giờ chỉ làm 3 ha cà phê, 2 ha lúa rẫy và nuôi 8 con bò. Cuộc sống như vậy là tốt lắm rồi”.

 Bệnh binh Oam (làng Rkhương Tleo, xã Kdang, huyện Đak Đoa) bên vườn cà phê của gia đình. Ảnh: Hà Tây
Bệnh binh Oam (làng Rkhương Tleo, xã Kdang, huyện Đak Đoa) bên vườn cà phê của gia đình. Ảnh: Hà Tây


Lâu nay, bà Trần Thị Huê (thương binh, làng Kênh Siêu, xã Chư Pơng, huyện Chư Sê) luôn tích cực đóng góp cho công tác xã hội. Trở về sau chiến tranh, dù suy giảm sức lao động 31% nhưng bà Huê luôn đi đầu trong mọi phong trào, nhất là công tác xóa đói giảm nghèo. Trước đây, gia đình chỉ có vài sào đất để trồng hoa màu, cuộc sống luôn thiếu trước hụt sau. Năm 2015, bà mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội 30 triệu đồng để  nuôi bò sinh sản, mua cây giống sầu riêng, chuối mốc về trồng. Gia đình bà Huê dần có tích lũy, ổn định vững chắc. Bà cho hay: “Có được kết quả như ngày hôm nay là gia đình tôi chịu khó học hỏi, lấy ngắn nuôi dài, chi tiêu tiết kiệm. Khi có ít vốn, thấy ai sang nhượng đất, vợ chồng tôi mua lại, cải tạo canh tác cây trồng phù hợp. Cứ thế mà vươn lên. Hiện gia đình có hơn 1 ha cà phê xen cây ăn quả. Mỗi năm, trừ chi phí cũng dư cả trăm triệu đồng”.

Hàng năm, bà Huê trích lãi tiết kiệm và vận động mua nhiều phần quà để tặng hội viên nghèo trong dịp lễ, Tết. Những việc làm của bà Huê được hội viên, bà con dân làng trân trọng, cảm kích.   

Lo cho dân và đồng đội

Mặc dù đã 75 tuổi nhưng thương binh Rơ Châm Kóp (làng Kép 2, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) chưa nghĩ đến việc an phận tuổi già. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông chiến đấu quả cảm, 3 lần bị thương. Khi đất nước thống nhất, ông tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ cho sự phát triển của địa phương.

Ông Rơ Châm Kóp (giữa) trao đổi với cán bộ trẻ của huyện về những vấn đề phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương. Ảnh: Đinh Yến
Ông Rơ Châm Kóp (giữa) trao đổi với cán bộ huyện về những vấn đề phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Ảnh: Đinh Yến


Từ năm 1976 đến 2005, trải qua nhiều cương vị khác nhau, ông từng giữ chức vụ cao nhất là Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy kiêm Chủ tịch HĐND huyện. Ông đã nhận nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành như: bằng khen của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, UBND tỉnh; nhiều giấy khen của huyện, xã. Trong quá trình công tác, ông luôn đi đầu thực hiện nhiệm vụ, truyền đạt những kinh nghiệm quý cho thế hệ kế cận, góp phần xây dựng quê hương. Ông Nguyễn Văn Hiệu-Chủ tịch UBND xã Ia Mơ Nông-cho hay: “Xã Ia Mơ Nông hôm nay đường làng ngõ xóm được quy hoạch vuông vức, bê tông phẳng lì. Biệt thự, nhà cửa mọc lên càng nhiều làm cho bộ mặt thôn làng thêm khang trang. Thành quả đó có phần đóng góp không nhỏ của thương binh Rơ Châm Kóp”.

Năm 2006, sau khi thôi giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Ia Mơ Nông, ông Kóp lại bắt tay vào làm ăn phát triển kinh tế. Hiện ông có 3 ha cà phê, 250 cây sầu riêng, 5 sào điều, 5 con trâu, 3 con bò sinh sản... Bằng đôi bàn tay, ý chí và quyết tâm chiến đấu với cái đói, cái nghèo như đã từng chiến đấu với kẻ thù trên chiến trường, gia đình ông Kóp đã nhanh chóng vươn lên trở thành hộ giàu tại địa phương. Kinh tế phát triển, cả 5 người con của ông được học hành thành tài. Hiện tất cả đều có cuộc sống khá giả, con trai đầu là Rơ Châm Kên đang làm Bí thư Đảng ủy xã Ia Mơ Nông.

 

HÀ TÂY

 

Có thể bạn quan tâm

Hồ nuôi cá của gia đình ông Phan Đình Đại (thôn 5, xã Ia Tô). Ảnh: N.H

Ia Grai phát triển nghề nuôi cá nước ngọt

(GLO)- Tận dụng nguồn nước mặt dồi dào từ lòng hồ thủy điện, hồ thủy lợi và sông suối, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã đầu tư nuôi cá nước ngọt để tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Cha mẹ hãy thực sự là người thầy đầu tiên của con, dạy cho trẻ những thói quen tốt. Ảnh: MINH HUỆ

Nền tảng của giáo dục gia đình

(GLO)- Người xưa có câu “Mẹ dạy thì con khéo, cha dạy thì con khôn”, ngụ ý thể hiện tầm quan trọng của những người làm cha mẹ trong việc giáo dục con cái. Có lẽ, tất cả chúng ta đều phải thừa nhận rằng, gia đình là nền tảng tiên quyết, góp phần hình thành tính cách và nhân cách của một con người.

Gia Lai: Triển lãm tài liệu lưu trữ kết hợp trao trả hồ sơ cán bộ đi B từ ngày 17 đến 30-4

Gia Lai: Triển lãm tài liệu lưu trữ kết hợp trao trả hồ sơ cán bộ đi B từ ngày 17 đến 30-4

(GLO)- Ngày 26-3, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Kế hoạch tổ chức triển lãm tài liệu lưu trữ kết hợp trao trả hồ sơ cán bộ đi B nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) với chủ đề “50 năm độc lập, thống nhất đất nước: Trỗi dậy miền đất Bazan”.

Việt Nam đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á về mức độ an toàn với 59,2 điểm. Ảnh: Phương Vi

Việt Nam xếp thứ 4 Đông Nam Á về mức độ an toàn

(GLO)- Trang web Numbeo-một trang web chuyên thống kê về chỉ số mức sống tại các thành phố và quốc gia vừa công bố danh sách các quốc gia an toàn nhất thế giới. Trong đó, xếp theo khu vực, Việt Nam đứng thứ 4 Đông Nam Á với 59,2 điểm.

Y-bác sĩ Bệnh viện Nhi tỉnh động viên chị Siu Bếp (bìa trái, làng O Grưng, xã Ia Ko, huyện Chư Sê) cố gắng cho con nằm viện điều trị. Ảnh: N.N

Điểm tựa cho bệnh nhân nghèo

(GLO)- Chứng kiến những bệnh nhân nghèo, khó khăn không có tiền điều trị, đội ngũ y-bác sĩ tại các bệnh viện trong tỉnh Gia Lai đã không ngần ngại đứng ra giúp đỡ, trở thành điểm tựa cho bệnh nhân an tâm điều trị.

Xã anh hùng vươn mình phát triển

Xã anh hùng vươn mình phát triển

(GLO)- Những ngày tháng 3 lịch sử, chúng tôi về thăm lại xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai. Vùng đất anh hùng năm xưa giờ đây đã “thay da đổi thịt” với những ngôi nhà khang trang mọc lên san sát, điện-đường-trường-trạm kiên cố, đời sống người dân khởi sắc từng ngày.