Thương-bệnh binh giúp nhau phát triển kinh tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, những năm qua, tổ thương-bệnh binh thuộc Hội Cựu chiến binh xã Ia Pal (huyện Chư Sê) đã đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau khắc phục khó khăn để vươn lên ổn định cuộc sống.  
Năm 2007, tổ thương-bệnh binh xã Ia Pal được thành lập với 11 thành viên tuổi từ 64 đến 93. Đây là những người từng tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Chiến tranh kết thúc, trở về quê hương khi sức khỏe và khả năng lao động bị suy giảm, họ bắt đầu cuộc sống mới với không ít khó khăn. Để tương trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế gia đình, họ đã quyên góp, thành lập quỹ thương-bệnh binh của xã. Trung bình mỗi năm, các thành viên trong tổ xây dựng quỹ được 36 triệu đồng. Số tiền này được cho các thành viên gặp khó khăn vay để đầu tư sản xuất, chăn nuôi.
Nguồn quỹ của Tổ thương-bệnh binh xã Ia Pal đã giúp các thành viên phát triển chăn nuôi, sản xuất. Ảnh: N.T
Nguồn quỹ của Tổ thương-bệnh binh xã Ia Pal đã giúp các thành viên phát triển chăn nuôi, sản xuất. Ảnh: N.T
Ông Đồng Văn Bờ-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ia Pal, Tổ trưởng Tổ thương-bệnh binh-cho biết: “Chúng tôi thành lập Tổ thương-bệnh binh với mong muốn giúp đỡ vốn làm ăn không lấy lãi cho các thành viên khó khăn, chia sẻ cách làm hay, vận động thành viên mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Qua đó, các thành viên có thêm điều kiện để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống”.
Từ khi thành lập tổ đến nay, các thành viên đã cùng nhau tìm ra nhiều giải pháp hay, mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Bên cạnh đó, từ nguồn quỹ của tổ, con em các thành viên có thêm cơ hội học tập, có nguồn vốn để sản xuất. Không trông chờ, ỷ lại vào chế độ chính sách của Nhà nước, các thành viên trong tổ không ngừng phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Một số thành viên có điều kiện kinh tế tốt hơn đã nỗ lực làm giàu bằng các mô hình sản xuất nông nghiệp cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
Ông Nguyễn Mạnh Tiến (67 tuổi, thôn Phú Cường) là thương binh hạng 3/4. Rời quân ngũ trở về cuộc sống đời thường, dù không có vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất nhưng với bản lĩnh người lính, ông đã vượt qua khó khăn. Từ nguồn vốn vay của Tổ thương-bệnh binh, ông cùng con cháu tăng gia trồng 1 ha bơ, nhãn cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đồng thời, gia đình ông tích cực đóng góp cùng địa phương xây dựng nông thôn mới và tận tình giúp đỡ hộ nghèo trong thôn. Ông Tiến chia sẻ: “Sau khi thất bại với cây hồ tiêu, nhờ vốn vay của Tổ thương-bệnh binh, tôi đã chuyển đổi sang trồng bơ, nhãn giúp gia đình có nguồn thu ổn định. Từ thành công của bản thân, tôi cùng các thành viên trong tổ thường xuyên chia sẻ cách làm hay với nhau và động viên con cháu tập trung phát triển kinh tế”.
Tổ thương bệnh binh cùng Hội Cựu chiến binh xã Ia Pal giúp hội viên nghèo hội Cựu chiến binh xây nhà ở. Ảnh: N.T
Tổ thương bệnh binh cùng Hội Cựu chiến binh xã Ia Pal giúp hội viên nghèo hội Cựu chiến binh xây nhà ở. Ảnh: N.T
Tổ thương-bệnh binh xã Ia Pal hiện chỉ còn 5 thành viên (6 thành viên đã qua đời) nhưng mọi người vẫn luôn duy trì quỹ, hỗ trợ nhau khi cần thiết. Tổ thường xuyên tổ chức sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm và sẵn sàng giúp đỡ người dân trong xã khi gặp khó khăn. “Chúng tôi đang có kế hoạch mở rộng quy mô Tổ thương-bệnh binh. Theo đó, ngoài thương-bệnh binh, gia đình thân nhân liệt sĩ cũng có thể tham gia để xây dựng quỹ ngày càng phát triển. Từ đó, không chỉ góp phần giúp các thành viên trong tổ ổn định kinh tế mà còn có thể hỗ trợ vốn cho các hộ nghèo trong xã để làm ăn, vươn lên thoát nghèo”-ông Bờ cho biết.
Với những kết quả đạt được trong quá trình hoạt động, Tổ thương-bệnh binh xã Ia Pal là mô hình điển hình của huyện Chư Sê về công tác giúp nhau giảm nghèo, phát huy phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”. Ông Võ Tòng Huế-Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Chư Sê-khẳng định: “Những đối tượng chính sách, thương-bệnh binh “tàn nhưng không phế” đã tạo điều kiện giúp nhau phát triển kinh tế, trọn vẹn việc chung, thắm tình đồng đội. Mô hình này đã có ảnh hưởng tốt, tạo động lực giúp các tổ, Hội Cựu chiến binh các địa phương khác trên địa bàn huyện học hỏi và làm theo. Sắp tới, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình Tổ thương-bệnh binh cho các cơ sở Hội làm theo, qua đó góp phần thực hiện phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau xóa đói giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” cũng như các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương”.
NGỌC THU

Có thể bạn quan tâm

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt. 

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.