Suối Ia Ve biến dạng dòng chảy: Dân mất đất sản xuất

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Suối Ia Ver uốn lượn chảy quanh các xã Ia Khươl, Đak Tơ Ve, Hà Tây, huyện Chư Pah, là nguồn nước chính phục vụ việc tưới tiêu cho hàng trăm ha cây trồng của người dân. Nơi đây cũng được thiên nhiên ban tặng một nguồn tài nguyên với khối lượng lớn là... cát. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên này bị khai thác không theo quy hoạch đã khiến dòng chảy bị thay đổi nên cứ mỗi mùa mưa đến đất sản xuất của người dân lại bị nước cuốn trôi...
 

 Suối Ia Ver ngày càng rộng và xâm lấn vào đất sản xuất của người dân. Ảnh: Lê Anh
Suối Ia Ver ngày càng rộng và xâm lấn vào đất sản xuất của người dân. Ảnh: Lê Anh

Những ngày này, khi những cơn mưa bắt đầu ngớt dần, dòng nước trên suối Ia Ver cũng xuống thấp và trở nên hiền hòa hơn. Tuy nhiên, ở hai bên bờ suối bắt đầu từ làng Tver, làng Klên, xã Ia Khươl đến xã Đak Tơ Ve và xã Hà Tây vẫn còn lại những dấu vết sạt lở từ những đợt mưa lớn trước đó. Hai bên bờ suối bây giờ không còn là những bờ đất thoai thoải mà đã trở thành những vực sâu từ 2 mét đến 3 mét xâm lấn vào tận các khu vực đất sản xuất của người dân… Đứng trên tầng hai của trụ sở UBND xã Đak Tơ Ve, ông Hồng-Phó Chủ tịch UBND xã chỉ tay về hướng những rẫy bắp, mì nằm cạnh con suối Ia Ver, tiếc nuối: “Mới đợt mưa lũ năm ngoái, dòng nước đã cuốn trôi 4,2 ha đất sản xuất và hoa màu của bà con; mấy năm trước mưa lũ cũng đã làm sập 2 cây cầu và sạt lở đến sát nhà dân. Bây giờ, mỗi khi mưa là sạt lở, mưa lũ lớn thì diện tích đất sản xuất bị cuốn trôi càng nhiều mà chưa biết làm sao khắc phục…”.

Thực tế về việc mất đất sản xuất ở hai bên con suối Ia Ver của người dân các xã Ia Khươl, Đak Tơ Ve, Hà Tây đã diễn ra nhiều năm nay và đến bây giờ hàng chục ha đất nằm sát con suối cũng đang lơ lửng không biết khi nào sẽ bị nuốt chửng. Hầu hết các ý kiến của người dân và lãnh đạo chính quyền ba xã này đều cho rằng nguyên nhân là do tình trạng khai thác cát trên dòng suối kéo dài nhiều năm nay. Ông Rơ Châm Rem, xã Hà Tây (hơn 50 tuổi) chứng kiến sự biến dạng của con suối Ia Ver: “Hơn chục năm trước, suối Ia Ver không rộng và có những vực sâu như bây giờ, nó chỉ xuất hiện nhiều trong mấy năm nay và do người ta hút cát dưới lòng suối. Hàng năm khi mưa lớn là ở những điểm bị hút cát nước chảy xiết lấn dần vào bờ cuốn theo đất sản xuất của người dân. Gia đình tôi cũng có hơn 1 ha, nhưng cũng đã bị nước cuốn đi khá nhiều…”.

Đi dọc hơn 10 km của dòng suối Ia Ver chảy qua ba xã này, chúng tôi nhận thấy, ngoài hai công ty được tỉnh cấp phép đang khai thác cát rầm rộ, thì vẫn còn nhiều dấu vết của các điểm khai thác cát lén lút bị cơ quan chức năng xử lý trước đó. Tại những nơi này, lượng đất hai bên suối sạt lở khá lớn và tạo những vực sâu giữa bờ đất với mặt suối. Đưa vấn đề này trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Quang-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pah và được ông cho biết: “Nói nguyên nhân do hút cát thì chỉ một phần thôi, phần khác vì địa hình ở đây có độ dốc lớn và chất đất ở đây chủ yếu là đất pha cát, nên khi mưa lũ lớn thường dễ bị xói mòn. Thời gian tới, huyện sẽ chỉ đạo các phòng chuyên môn về tìm hiểu và xác định mức độ thiệt hại để có phương án xử lý…”.     

Cũng cần nói thêm rằng, việc hai doanh nghiệp đang khai thác cát trên suối Ia Ver (thuộc xã Hà Tây) lâu nay cũng gây không ít bức xúc và phiền toái cho chính quyền và người dân ở đây. Xe chở cát quá tải làm hư hỏng mặt đường, ngay cả cây cầu Ia Ong (từng bị gãy tháng 10-2011) được xây mới chỉ với trọng tải thiết kế 13 tấn, nhưng hàng đêm vẫn chịu hàng chục xe chở cát quá trọng tải vượt qua. Ghi nhận những ý kiến phản ánh của người dân, gần một tháng nay Công an huyện Chư Pah phải thành lập các tổ công tác chốt chặn 24/24 giờ ở khu vực này để ngăn chặn xe chở cát quá trọng tải.

Lê Anh

Có thể bạn quan tâm

Lãnh đạo Báo Gia Lai thăm, chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam

Lãnh đạo Báo Gia Lai thăm, chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam

(GLO)- Nhân kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2024), sáng 20-11, đồng chí Lương Văn Danh- Phó Tổng Biên tập Báo Gia Lai đã đến thăm, chúc mừng tập thể lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, giáo viên, nhân viên Sở Giáo dục và Đào tạo, Trường Chính trị tỉnh.

Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch (thứ 2 từ phải sang) trao tặng phần quà cho buôn Chư Krih, xã Chư Drăng, huyện Krông Pa. Ảnh: Yến Thụy

Bình xét danh hiệu văn hóa: Công khai, minh bạch

(GLO)- Trên cơ sở Quyết định số 60/2024/QĐ-UBND ngày 11-11 của UBND tỉnh Gia Lai quy định tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”, các địa phương đã triển khai bình xét các danh hiệu nghiêm túc, đảm bảo công khai, minh bạch.

FAO đánh giá người lớn và trẻ em khu vực bắc Gaza đang chết đói

FAO đánh giá người lớn và trẻ em khu vực bắc Gaza đang chết đói

(GLO)- Giám đốc Văn phòng khẩn cấp và phục hồi của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) Rein Paulsen trong phiên họp của Hội đồng Bảo an diễn ra ngày 12/11, cho biết “Ủy ban Đánh giá Nạn đói đã phát hiện ra khả năng cao là nạn đói đang xảy ra hoặc sắp xảy ra ở các khu vực phía bắc dải Gaza”.

Gia Lai: Quy định xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”

Gia Lai: Quy định xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”

(GLO)- Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành Quyết định số 60/2024/QĐ-UBND ngày 11-11-2024 quy định chi tiết tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Mắt người già thật là... phức tạp

Mắt người già thật là... phức tạp

(GLO)- Ngày còn trẻ, tôi có tính hay bị “dị ứng” với những người mang kính. Nhưng đúng là “ghét của nào trời trao của nấy”, tuổi chưa đầy 50, tôi đã phải gắn bó với cặp kính. Mới đầu rất khó chịu, không có kính thì không thấy đường đọc, mà mang kính vào thì vướng víu đủ điều.