Sử dụng chế phẩm IMO trong sản xuất nông nghiệp: Chi phí thấp, hiệu quả cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ở thôn 1 (xã Ia Ka, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), ông Nguyễn Văn Thiện là người tiên phong sản xuất phân bón hữu cơ từ chế phẩm vi sinh vật bản địa (tên tiếng Anh viết tắt là IMO) để bón cho vườn cây của gia đình. Thực tế cho thấy, loại chế phẩm này chi phí thấp nhưng mang lại hiệu quả cao nên nhiều người dân trong vùng làm theo.

Tận dụng nguồn phụ phẩm sẵn có

Theo giới thiệu của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Păh, chúng tôi đến tham quan vườn cây của gia đình ông Thiện. Trò chuyện với chúng tôi, ông Thiện cho biết: Trước đây, gia đình ông canh tác cà phê theo phương thức truyền thống, chủ yếu sử dụng phân hóa học để bón cho vườn cây. Qua nhiều năm, ông nhận thấy đất bị chai cứng, năng suất vườn cây giảm dần. Đặc biệt, việc sử dụng nhiều phân hóa học còn ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân và gia đình.

“Tại sao người nông dân như mình cứ phải sử dụng phân bón hóa học để bón cho cây trồng dù ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và môi trường. Cần phải sống thuận theo tự nhiên thì mới đảm bảo sức khỏe con người”-ông Thiện bộc bạch.

Từ suy nghĩ đó, ông Thiện để tâm tìm hiểu về sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ. Ban đầu, ông tìm hiểu qua sách vở, rồi mày mò chế biến phân bón hữu cơ nhưng kết quả không được như ý. Đến năm 2021, qua các trang mạng xã hội, ông thấy chương trình “Nông nghiệp tử tế” hướng dẫn phương pháp sản xuất phân bón hữu cơ từ chế phẩm IMO. Từ đó, ông bắt đầu nghiên cứu với quyết tâm theo đuổi mô hình nông nghiệp hữu cơ từ chế phẩm IMO.

Ông Nguyễn Văn Thiện (bìa trái, thôn 1, xã Ia Ka, huyện Chư Păh) hướng dẫn người dân cách ủ chế phẩm IMO. Ảnh: N.S

Ông Nguyễn Văn Thiện (bìa trái, thôn 1, xã Ia Ka, huyện Chư Păh) hướng dẫn người dân cách ủ chế phẩm IMO. Ảnh: N.S

“Muốn chăm sóc vườn cây một cách hiệu quả chỉ có con đường làm chế phẩm IMO. Vì thế, tôi tận dụng tất cả những phụ phẩm sẵn có ở địa phương như: chuối, đu đủ, bơ, mít, các loại rau củ, đồng thời thêm men tiêu hóa dành cho người hòa trộn rồi ủ trong thùng phuy khoảng 7 ngày sẽ thành chế phẩm IMO gốc”-ông Thiện chia sẻ.

Theo ông Thiện, sau khi ủ thành công, ông đem chế phẩm IMO gốc pha trộn với mật rỉ đường, cám gạo và nước theo tỷ lệ 1/10. Với việc sử dụng chế phẩm IMO, gia đình ông chỉ tốn hơn 10 triệu đồng/ha/năm để chăm bón cho cây trồng. Mức chi phí sẽ giảm dần theo từng năm do dinh dưỡng trong đất đã đủ. Hiện tại, chi phí đầu tư giảm còn khoảng 5 triệu đồng/ha/năm. Trong khi đó, trước đây, ông sử dụng phân hóa học thì chi phí đầu tư ít nhất cũng 50 triệu đồng/ha/năm, chưa kể bón thêm phân chuồng.

“Với 2 ha đất, gia đình tôi trồng 1.600 cây cà phê, 400 cây sầu riêng và 200 cây mít Thái. Mỗi năm, gia đình thu hơn 200 triệu đồng từ mít Thái. Hiện tại, sầu riêng mới cho thu bói, còn vườn cà phê cho sản lượng 35-40 tấn tươi/vụ”-ông Thiện cho hay.

Canh tác bền vững

Thấy được hiệu quả từ việc sử dụng chế phẩm IMO trong sản xuất nông nghiệp của gia đình ông Thiện, nhiều hộ dân trong thôn bắt đầu học tập và làm theo. Ông Nguyễn Văn Trường cho biết: Trước đây, vườn cà phê 2,5 ha của gia đình luôn bị vàng lá, năng suất thấp. Sau khi học hỏi ông Thiện để ủ chế phẩm IMO chăm bón cà phê, vườn cây lúc nào cũng xanh tốt.

“Lúc trước, trung bình 1 năm, gia đình tôi đầu tư chi phí phân hóa học cho vườn cà phê hết 120 triệu đồng. Còn hiện tại, khi sử dụng phân hữu cơ và chế phẩm IMO, gia đình chỉ hết khoảng 40 triệu đồng. Quan trọng là từ ngày áp dụng canh tác hữu cơ, sức khỏe của mọi người trong nhà luôn được đảm bảo”-ông Trường nói.

Gia đình anh Bùi Văn Dương (làng Mrông Ngó 3, xã Ia Ka) có 1,2 ha cà phê và 5 sào sầu riêng. Anh cũng đã học hỏi ông Thiện ủ chế phẩm IMO để canh tác theo hướng hữu cơ. Anh Dương cho biết: Anh được ông Thiện hướng dẫn tận tình cách sản xuất chế phẩm IMO và áp dụng trên toàn bộ vườn cây của gia đình.

“Trước đây, do sử dụng phân hóa học rất nhiều khiến chi phí đầu tư tăng cao, trong khi cây trồng ngày càng bị bệnh, năng suất thấp. Khi sử dụng chế phẩm IMO, chỉ trong thời gian ngắn, vườn cây đã phục hồi, khỏe mạnh”-anh Dương cho hay.

Nhận thấy làm nông nghiệp hữu cơ với chế phẩm IMO mang lại giá trị cao, anh Dương từng bước lan tỏa mô hình này đến nhiều hộ trong làng. Đặc biệt, anh mạnh dạn hỗ trợ kỹ thuật cho nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số để tiếp cận phương thức sản xuất theo hướng hữu cơ.

Nhờ sử dụng chế phẩm IMO nên vườn cà phê của gia đình ông Nguyễn Văn Trường (thôn 1, xã Ia Ka) phát triển xanh tốt, cho năng suất cao. Ảnh: N.S

Nhờ sử dụng chế phẩm IMO nên vườn cà phê của gia đình ông Nguyễn Văn Trường (thôn 1, xã Ia Ka) phát triển xanh tốt, cho năng suất cao. Ảnh: N.S

Ông Lê Văn Thanh-Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, thương mại, dịch vụ, du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) thông tin: “Vườn cây canh tác theo hướng hữu cơ từ chế phẩm IMO của ông Thiện mang lại hiệu quả rất rõ rệt. Chúng tôi cũng đã tuyên truyền để các thành viên Hợp tác xã thay đổi phương thức sản xuất theo hướng hữu cơ. Hiện có trên 200 thành viên đã áp dụng chăm sóc vườn cây theo hướng hữu cơ, sử dụng chế phẩm IMO”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Công Sơn-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Păh-cho biết: Việc phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ đang được nhiều hộ dân trên địa bàn xã Ia Ka áp dụng thông qua việc sử dụng chế phẩm IMO, giúp vườn cây phát triển bền vững. Sử dụng chế phẩm IMO và phân hữu cơ thay thế phân hóa học vừa giúp giảm chi phí đầu tư, vừa ổn định năng suất, kéo dài tuổi thọ của cây và bảo vệ môi trường, đảm bảo sức khỏe cho người nông dân.

"Phòng đang phối hợp với Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ tỉnh triển khai mô hình vườn cây sầu riêng chăm bón bằng chế phẩm IMO tại xã Nghĩa Hưng để đánh giá đạt chuẩn hữu cơ. Từ mô hình này, chúng tôi sẽ xây dựng công thức để nhân rộng đến với người dân áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, hướng đến nền nông nghiệp sạch, an toàn"-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Păh-cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Liên tiếp các lô hàng trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu bị nhiều nước nhập khẩu cảnh cáo vì không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hệ thống kênh nhánh dẫn nước tại thủy lợi Plei Keo về làng Vơng Chép (xã Ayun). Ảnh: N.D

Chư Sê chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới

(GLO)- Trước thông tin dự báo về thời tiết diễn biến khắc nghiệt, cộng với việc công trình hồ thủy lợi Ia Ring gặp sự cố, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới cuối vụ Đông Xuân 2024-2025 nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.