Sống chậm ở Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi từng có một khoảng sân nhỏ, chả biết làm gì, bèn... treo mấy giò lan. Thì cứ lắt lay thế, thi thoảng thế, bất chợt thế, năm thì mười họa xịt cho nó tí nước, rồi... quên đi. Một sáng, mở cửa thấy muốt lên mấy cái nụ, rưng rưng mưng mở. Tự nhiên thấy như cả một khoảng trời mở ra trước mắt mình, thấy như cuộc đời trong văn vắt hiện hữu trước mặt.
Rồi từ đấy thì chăm. Ngày nghỉ, sau khi uống cà phê là dạo một vòng các “chợ lan” vỉa hè Hai Bà Trưng, Quang Trung... chọn mua về rồi kỳ cạch trồng, treo. Từ lác đác mấy giò, chả mấy chốc, tôi có cả một khoảng sân đặc lan. Thành ra, mỗi sáng lại phải làm một việc “bất đắc dĩ” là đảo lan, giò nào nở đẹp thì đảo ra chỗ dễ ngắm, những chậu sắp tàn hoặc chưa nở phải nép vào trong...
Không gian một quán cà phê lan rừng.
Không gian một quán cà phê lan rừng. (ảnh internet)
Và mới phát hiện rằng, hóa ra lan ấy tuy khó tính, kén đủ thứ nhưng lại... thương người. Mình yêu nó, nó yêu lại mình. Mình chăm nó, nó dâng hiến lại mình, nở cho mình những gì tinh túy nhất, trinh nguyên nhất, lộng lẫy nhất... mà nó có được.
Rồi do hoàn cảnh, khoảnh sân lan của tôi đã phải dứt ruột san ra, chia sẻ cho bạn bè, không còn chỗ treo lan nữa. Nhưng những gì tốt đẹp nhất, nguyên vẹn nhất của cái đẹp của lan trong tôi vẫn vẹn nguyên như thế.
Vì thế nghe nói ở đâu có lan đẹp là tôi lại lò mò tìm đến ngắm và nghe. Nghe các chuyên gia nói về lan, bởi thích thì chơi thế chứ có biết loài nào ra giống nào đâu. Có giò nào nở là lại chạy cuống đi hỏi tên tuổi của chúng.
Và hóa ra, người chơi lan rất đông.
Lần ấy có 2 chị con gái một vị tướng lừng danh từ Hà Nội vào, điện cho tôi nhờ đưa đến vườn lan Trần Quý Cáp xem và mua lan. Ở Pleiku và cũng yêu lan mà lần đầu tiên tôi biết nơi này. Quả là một thế giới lan. 2 bà chị mua mấy thùng mang về Hà Nội. Lại nhớ, một lần tôi cũng đóng một thùng như thế mang ra Hà Nội tặng một người bạn. Nhẽ đi máy bay, nhưng vì có lan nên tôi đi xe giường nằm để hộ tống chúng. Ra Hà Nội tôi lại trực tiếp ra chợ mua các loại vật liệu rồi vào lan treo ở ban công tầng... 5 cho ông ấy, mua cả lưới che rất cẩn thận. Rồi về, mấy tháng sau, ông này chụp ảnh cho tôi xem lan. Nó thành... củi sạch rồi. Thì ra giữa yêu lan và chăm lan là cả một khoảng cách không hề nhỏ.
Mới nhất, một anh bạn quen trên facebook nhắn: Mời anh xuống nhà em ngắm lan, thưởng trà. Thế là nhân sáng chủ nhật, phóng xe xuống 466 Lê Thánh Tôn, trang trại lan Công Danh để uống trà và nghe về lan. Thì ra Pleiku còn có một thế giới khác, thế giới tĩnh lặng, sống chậm và hết sức thú vị.               
Xuống đây mới thấy ngợp. Cả khu vườn mênh mông 2 vợ chồng chơi hoa, rau, cây, cá... toàn loại sạch. Trà nguyên búp sen Hồ Tây trong ngăn đá mang ra. Nhìn bộ đồ trà biết đây là dân trà thứ thiệt, có độc ẩm, song ẩm, quần ẩm... Nhìn cái cách ông chủ pha trà thì nghĩ, các cụ ta thời xưa sẵn sàng kết nạp cho tay này hầu, nhưng Công còn hơn các cụ xưa, đó là biết lúc nào thì nước 80 độ, lúc nào 90 và lúc nào thì 100... để ra hết trà, để thưởng trà nó ra cung ra bậc, có thăng có giáng chứ không bị... sự dàn đều ru ngủ. Các cụ xưa thì nước cứ phải trên 100 độ. Là các cụ đã phải nấu nước mưa trong siêu đồng, mà là đồng mắt cua như cụ Nguyễn Tuân kể ấy, bằng than nhãn hoặc quả phi lao khô, trong cái hỏa lò bằng đất, xong dội xuống nền nhà đất sét lưu cữu qua nhiều đời mịn hơn... da em bé, nó xèo lên một tiếng, sủi như hành bỏ vào mỡ cực nóng phi thì được, lật đít ấm chén tráng vân vân các kiểu. Ở đây, Công thì một ấm trà pha được 7 nước, mà nước nào cũng như nhau, thế mới tài.
Mà cả 2 vợ chồng đều còn rất trẻ, đều bỏ việc về nhà làm nông. Tay ngang, nông dân cổ cồn vì học nghề khác, điện và kế toán, nhưng chịu khó học và tự nghiên cứu. 2 vợ chồng từng đèo nhau xe máy sang Đà Lạt làm thuê để... học lỏm bí quyết. Khi chủ nhà nghỉ thì nán lại lật tung thùng rác ra xem họ bón gì, phun gì, cứ thế mà rồi thành chuyên gia, chuyên gia thứ thiệt. Hỏi có nợ không? Có chứ, nhưng nợ an nhiên, nhè nhẹ, dù năm ngoái mất cả tỷ đồng đầu tư vào giống hồ tiêu.
Dưới vườn có nhà kính, trồng dâu tây, cà chua Nhật... Trên giàn là lủng lẳng lan, mênh mông lan, dằng dặc lan... Cả 2 vợ chồng quyết làm nông nghiệp sạch. Từ cái cách tự ngâm lấy phân, đến tự tạo, lai giống, mày mò và... chơi chứ ít bán. Tết mới mang lan ra chợ hoa bán và đấy là thu nhập chính của... cả năm. Quanh nhà là cây, có cái phòng uống trà rất chuyên nghiệp, xung quanh sáng choang, hoa bày la liệt. Bàn trà có thắp trầm nữa...
Tôi nói với 2 vợ chồng lúc chia tay, sống như các em sướng, nhưng cũng... khổ. Công cười, biết đủ là đủ, biết sướng là sướng. Vợ đế thêm: Lấy nhau thì dễ, nhưng sống với nhau mới khó. Cái cách 2 vợ chồng này nói với nhau, thấy rằng họ sống với nhau đã dễ rồi, đã phu xướng phụ tùy rồi.
Hiện cả cái trang trại to oạch thế, chỉ 2 vợ chồng làm, mà hàng ngày vẫn ngồi nhâm nhi trà, thắp trầm ngắm hoa, rồi chăm lan...
Có một cuộc sống chậm, ẩn bên trong cái hừng hực hối hả của một đô thị Pleiku đang phát triển. Rất nhiều du khách đã biết nơi này. Vợ Công kể, có những đoàn khách đến đây chỉ để xin uống trà và ngắm lan...
Văn Công Hùng

Có thể bạn quan tâm

Tặng 600 chiếc áo ấm cho thiếu nhi xã Đak Sơ Mei

Tặng 600 chiếc áo ấm cho thiếu nhi xã Đak Sơ Mei

(GLO)- Chiều 6-12, Công ty TNHH Doanh nghiệp xã hội từ thiện và hỗ trợ phát triển cộng đồng Fly To Sky phối hợp cùng Đảng ủy-UBND-Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đak Sơ Mei (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) tổ chức chương trình “Áo ấm chuyền tay” nhằm trao tặng áo ấm cho thiếu nhi trên địa bàn xã.

Quang cảnh hội nghị tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng năm 2024 huyện Phú Thiện. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: 19/20 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt và vượt kế hoạch năm 2024

(GLO)- Sáng 6-12, UBND huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) tổ chức hội nghị tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng năm 2024, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Nguyễn Ngọc Ngô chủ trì hội nghị.

Đak Đoa điều chỉnh giảm dự toán vốn thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 4 Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn hơn 300 triệu đồng. Ảnh Hà Duy.

Đak Đoa điều chỉnh vốn sự nghiệp thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững

(GLO)- Hội đồng nhân dân huyện Đak Đoa vừa ban hành Nghị quyết số 26/NQ-HĐND về việc điều chỉnh dự toán vốn sự nghiệp chưa giải ngân hết trong năm 2023 đã được chuyển nguồn sang năm 2024 và điều chỉnh dự toán vốn sự nghiệp năm 2024 thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (đợt 2).

Đại diện xã Chư Drăng và Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa kiểm tra các diện tích đất rừng giao cho người dân tại xã Chư Drăng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

(GLO)- Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 5-11-2021 của Huyện ủy Krông Pa về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Mùa cà phê chín đỏ

Mùa cà phê chín đỏ

(GLO)- Dưới ánh nắng rực rỡ của những ngày cuối tháng 11, trên khắp các vườn cà phê chín đỏ, không khí thu hoạch rộn rã hơn. Năm nay, bà con nông dân đón mùa vụ với sự hân hoan lớn khi lần đầu tiên cà phê có một mức giá cao nhất lịch sử.