(GLO)- Tây Nguyên trước mắt tôi không như trước nữa. Những dòng sông không còn đầy đặn nước giữa đôi bờ tàn lụi bóng cây xanh. Mấy mươi năm qua, có mấy trăm ngàn ha rừng nguyên sinh bị mất trắng bởi lòng tham vô hạn của con người. Rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng từng thân cây gỗ lớn quý hiếm cũng bị bàn tay ai đốn ngã ngổn ngang...
Ngay cả khu rừng thực nghiệm lâm sinh đầy gỗ quý rộng hơn 2 ngàn ha bên sông Krông Ana cũng bị khai thác, chỉ còn lại một nhóm nhỏ, không còn sắc màu sinh thái rừng. Và lần lượt mấy vạn ha rừng già thuần chủng bằng lăng chen giáng hương trên địa bàn huyện mang tên dòng sông ấy từng năm tháng qua bàn tay người đã triệt hạ đến thân cây cuối cùng. Nhiều lâm trường ở Đak Lak, Đak Nông... đã xóa tên sau khi không còn bóng cây rừng.
Cưỡi voi vượt sông Serepok. |
Qua mỗi mùa mưa, những dòng sông lớn Tây Nguyên lại bắt đầu vơi cạn nước, nhiều nơi phơi lộ đáy cát nóng bỏng dưới nắng trưa. Hơn hai mươi năm trước, tôi cùng em đi thuyền thong dong trên sông dài Serepok, hòa lòng mình vào thiên nhiên giữa hai bên bờ xanh màu trùng điệp rừng bằng lăng hoa tím, từ bến nước buôn D’Rây, xã Ea Na, huyện Krông Ana ngang qua bến nước Eo Đờn thơ mộng đến bờ hồ Lak mênh mông ăn thông dòng sông lớn bên thị trấn Liên Sơn, nơi nào cũng đầy ắp nước êm trôi từ thượng nguồn dãy núi cao Chư Yang Sin. Ngày ấy đã lùi xa, xa mãi, sông đã cạn rừng đã tàn... Có phải sông dài rừng rộng từ thuở ấy có em gần gũi và đồng cảm đã giữ tôi ở lại cao nguyên này cho đến nay...
Người bản địa các dân tộc Tây Nguyên bao đời sống vui thanh thản, có bến nước sông đầy kề cạnh buôn làng, có rừng cây xanh vây quanh nương rẫy, giờ đây cả không gian sinh tồn rộng lớn thiếu vắng bóng cây chim thú và dòng sông đó đây vơi cạn theo tháng ngày. Tôi đã đến làng người Xê Đăng, người Ca Dong bên sông Pô Kô và sông Đak Tờ Kan tỉnh Kon Tum; làng người Jrai, người Bahnar bên sông Ba và sông Ayun tỉnh Gia Lai; làng người M’Nông bên sông Krông Knô tỉnh Đak Nông; làng người Êđê bên sông Krông Ana tỉnh Đak Lak.
Tất cả đã đổi thay sắc màu không gian đời sống từ vật chất đến tinh thần. Rừng xa dần buôn làng, rừng lùi xa, xa mãi, chỉ còn lại nương rẫy xanh màu lưa thưa giữa bốn bề khô khốc với bến nước bên sông vơi cạn dòng suốt mùa nắng nôi. Người làng khó tìm thấy mật ong, dược thảo, cả con cá sông cá suối cũng hiếm hoi như nụ cười tươi tắn hồn nhiên thuở nào sông còn đầy nước và rừng còn cây già bóng cả nhiều tiếng chim rộn rã hót ca.
Người bản địa Tây Nguyên sống nương tựa rừng; đất làng lấy từ rừng, nương rẫy gần xa cũng từ rừng mà có được; làng biết ơn rừng, giữ gìn rừng với tình cảm gắn bó thủy chung; luật tục của làng trân trọng rừng như đối tượng thiêng liêng với thần sông, thần núi, thần cây già bóng cả; văn hóa làng với bản sắc phóng khoáng, hữu tình và sinh động tự nhiên cũng từ rừng mà ra. Giờ đây, văn hóa các tộc người miền núi Tây Nguyên đang mai một dần, nhiều nơi hầu như mất hẳn.
Vẫn tiếng cồng chiêng ngân nga gửi gắm niềm vui nỗi buồn cùng ý tình nhắn nhủ yêu thương, mà bàn tay và tâm hồn nghệ nhân phôi phai xa lạ, không còn thiên nhiên xanh vây quanh trong niềm cộng hưởng, không còn chất chứa cảm xúc sâu đậm lòng mình với thần linh. Tiếng cồng chiêng thuở nào trong làng-rừng ngân nga thiết tha đắm đuối, gần gũi sinh động và vang xa cộng hưởng tâm tình, giờ như lạc hồn lạc điệu giữa cảnh quan làng đã đổi thay sắc màu hình dạng sông suối núi rừng.
*
Đầu mùa xuân vừa qua, tôi trở lại buôn Chư Mơ bên suối Ea Na. Già làng Y Nhin đã ngoài 80, tóc bạc trắng, mặt đen đúa nhăn nheo với đôi mắt buồn mà sáng trong. Ông tiếp tôi trên nhà sàn gỗ vách nứa năm nào, chỉ có khác là mái tranh đã thay bằng mái tôn khô khốc không tương hợp nhẹ nhàng với tâm tình người gần gũi thiên nhiên. Đầu xuân không có ché rượu cần, là nỗi buồn của già làng lại buồn hơn khi tiếp khách.
Tôi nhìn khuôn mặt già nua hồn hậu của Y Nhin mà nghe lòng mình thương quá đỗi; đã lâu tôi không về thăm già làng Chư Mơ giữa vùng rừng bằng lăng bên sông Krông Ana, đã lâu, từ khi những thân cây rừng cuối cùng bị chặt hạ và bến nước Chư Mơ cạn kiệt gần như đổi thay dòng từ đầu nguồn. Tôi mời già làng hút thuốc. Ông mỉm cười như tư lự khi cầm chai rượu trắng rót đầy vào ly và trao tay tôi:
- Mình cũng nhớ nhà báo mà, mình không quên đâu! Uống đi, buôn Chư Mơ giờ không còn rượu cần đâu, cũng không còn cồng chiêng nữa...
- Tôi về đây thăm buôn Chư Mơ, nhìn già làng khỏe là lòng vui, uống rượu gì cũng được, cũng vui...
Tôi nhìn đôi mắt già làng Y Nhin trong veo hiền hòa ấm áp như nắng mai. Chúng tôi cùng nâng ly... Một ly rồi hai ly. Trong giây lát, đôi mắt đẹp của Y Nhin đọng buồn nhìn ra bên ngoài khung cửa trời chiều đầy nắng, in bóng cây pơ lang cổ thụ nở rộ màu hoa đỏ như lửa bên bến nước vơi cạn lặng lờ...
- Mất rừng, buồn lắm, nhà báo ơi... Ngày xưa, bước ra khỏi nhà là đụng rừng, bây giờ đi một ngày đường không thấy bóng cây cao... Krông Ana là con sông không phải nhỏ đâu, rộng và dài tận cái núi cao Chư Yang Sin, nhà báo biết chớ không đâu, mà hôm nay nó cạn nó khô, từ bên này đến bên kia bờ, chỉ cần bước chân lội qua thôi... Buôn Chư Mơ bây giờ nó mất hết rồi, chỉ còn cái nhà cái rẫy thôi, nhà báo ơi...
Tôi hiểu nỗi buồn trong lòng già làng, buồn hơn nỗi buồn của tôi. Tôi không muốn nói điều gì cho buồn lòng thêm. Tôi quý Y Nhin giàu tình cảm yêu thương rừng cây bến nước buôn làng. Dù muốn ở lại thêm với già làng nhưng tôi không thể, uống thêm nữa lại thêm buồn. Tôi và ông không ai giúp được gì cho ai trước nỗi đau sông cạn rừng tàn còn mang theo bao hệ quả đáng tiếc về đời sống tinh thần cho cả cộng đồng rộng lớn hơn. Tôi nói lời chia tay Y Nhin khi nắng chiều chưa tan nơi dãy núi phía Tây. Đôi mắt già làng buồn chợt lóe lên tia sáng mời mọc nhẹ nhàng:
- Mình uống thêm ly nữa, rồi thôi, cho vui mà, nhà báo ơi...
Trong giây lát tôi nhìn khuôn mặt Y Nhin gắng gượng vui và đồng tình uống cùng già làng thêm ly rượu chia tay trước khi rời buôn Chư Mơ bên sông Krông Ana...
*
Gió lùa nhẹ nhàng trên những tán lá sao xanh lay động mềm mại trong nắng mai. Nắng vàng đầy nắng dưới bầu trời xanh lồng lộng của một ngày mùa đông Tây Nguyên. Tôi ngồi nơi quán cà phê lộ thiên bên đường gần ngã sáu Buôn Ma Thuột. Nhiều năm qua, thành phố cao nguyên này không còn thấy sương mù mùa đông bàng bạc đó đây. Những cánh rừng gần xa thiếu vắng bóng cây xanh và trơ trụi dần, mang theo không khí mát lạnh nhẹ nhàng và làn sương trắng ban mai.
Châm lửa điếu thuốc lá mới, lòng đau đáu nỗi đau sông cạn rừng tàn, tôi nghĩ đến đoạn sông dài lượn vòng uốn khúc mấy mươi kilômét nơi hạ nguồn Serepok bao đời qua đưa nước từ thượng nguồn xa đến các buôn làng ven sông, góp phần làm nên cuộc sống đầy đặn tốt tươi bên bến nước rừng cây nương rẫy, chẳng còn bao lâu nữa sẽ khô cạn, đổi thay dòng bởi thêm một nhà máy thủy điện mang tên Serepok đang thi công đào kênh mương thẳng tắp và sâu rộng tạo dòng chảy mới, tách xa các buôn làng, có độ dốc cao, thuận lợi dẫn nước chảy mạnh vào đường ống phục vụ cho công trình.
Đoạn sông dài đầy nước gần gũi thiết thân, chất chứa cả sự sống vật chất và tình cảm thiêng liêng của nhiều cộng đồng làng các dân tộc Ê đê, M’Nông, M’Nông-Lào, Jrai... bấy lâu gắn bó với bến nước bên sông, rồi sẽ bị cạn kiệt khô dòng...
Thương sao dòng Serepok, nhìn về phía thượng nguồn phải gánh chịu nhiều nhà máy thủy điện đang hoạt động tích nước sông vơi cạn, nay thêm công trình mới, lại hy sinh cả một đoạn sông dài hạ nguồn, nơi xanh màu sự sống tốt tươi yên lành của hàng vạn người cư dân bản địa, có khu du lịch thác Bảy Nhánh thơ mộng và cầu treo Bản Đôn trên sông sinh động cảnh sắc hữu tình, kề cạnh những buôn làng ven dòng Serepok...
Nhớ ngày nào cùng em đi trong rừng khộp Vườn Quốc gia Yok Đôn xanh màu lá mới bên dòng sông đầy đặn nước, em thì thầm nói với tôi: “Sông suối núi rừng cũng buồn vui như người. Một ngày nào không còn rừng cây xanh và dòng sông cạn nguồn, con người sống buồn biết bao! Con người sống không chỉ với người, mà còn có nhu cầu tương giao thân thiện với thiên nhiên...”.
Nguyễn Hoàng Thu