Sơ yếu lý lịch điện tử của cán bộ, công chức, viên chức sẽ thay bản giấy từ năm 2023, tiến tới minh bạch trong việc quản lý cán bộ.
Mới đây, Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 612/QĐ-BNV ngày 4/9/2020 về kế hoạch triển khai đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước. Trong đó, đáng chú ý là việc sử dụng sơ yếu lý lịch điện tử thay thế sơ yếu lý lịch giấy từ năm 2023.
Theo đó, lý lịch điện tử sẽ được dùng khi thực hiện quy trình tuyển dụng, nâng ngạch, chuyển ngạch, điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu bầu cử...
Sơ yếu lý lịch điện tử thay thế sơ yếu lý lịch giấy sẽ giảm thiểu việc kê khai hồ sơ, sơ yếu lý lịch cho cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình công tác. (Ảnh minh hoạ) |
Theo quyết định này, các cơ quan phải từng bước số hóa thông tin dữ liệu để thay thế hồ sơ giấy truyền thống; thực hiện cấp biên chế công chức, số người làm việc và hợp đồng lao động (theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP) trong các cơ quan Nhà nước qua hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu. Thông tin được kết nối, chia sẻ với các hệ thống thông tin, cổng dịch vụ công, cơ sở dữ liệu quốc gia khác... để tích hợp, tổng hợp, phân tích dữ liệu, dự báo hỗ trợ trong việc ban hành chính sách của Chính phủ, Thủ tướng về công tác cán bộ, nguồn nhân lực theo thời gian thực.
Để đạt được kết quả đó, Bộ Nội vụ xây dựng kế hoạch đến hết năm 2020 hoàn thiện thể chế để tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước. Trong đó, các văn bản pháp luật quy định về quản lý cán bộ, công chức, viên chức và tổ chức bộ máy, biên chế sẽ tập trung xây dựng, sửa đổi, bổ sung.
Theo kế hoạch, năm 2021, hạ tầng kỹ thuật cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước tại Bộ Nội vụ sẽ hoàn thành. Các phần mềm ứng dụng, hệ thống kết nối, chia sẻ tích hợp dữ liệu; giải pháp kỹ thuật mật mã để bảo mật dữ liệu lưu trữ và dữ liệu trao đổi thuộc phạm vi bí mật Nhà nước. Năm 2022 và các năm tiếp theo, cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức sẽ được đưa vào quản lý và sử dụng. Lãnh đạo Bộ Nội vụ cho hay, việc khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức gắn với quản lý nhà nước, chỉ đạo điều hành, cải cách hành chính liên quan quản lý cán bộ của các cơ quan Nhà nước.
"Từng cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương sẽ được phân quyền để tự cập nhật thường xuyên thông tin bổ sung, có thay đổi của bản thân theo quy định trong công tác cán bộ và được liên thông trong toàn hệ thống chính trị", lãnh đạo Bộ Nội vụ cho hay.
Theo QUỲNH NGUYÊN (Dân Việt)