Sẽ ưu tiên tăng trưởng tín dụng cho những ngân hàng 'khỏe'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong quý 1, lúc thị trường thuận lợi, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tại buổi họp báo. (Ảnh: T.H/Vietnam+)
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tại buổi họp báo. (Ảnh: T.H/Vietnam+)



Ngày 1/4, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức họp báo nhằm thông tin về hoạt động điều hành chính sách tiền tệ và ngân hàng trong quý 1/2019.

Tăng trưởng tín dụng đạt 2,28%

Theo báo cáo, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, linh hoạt điều hành các công cụ để điều hòa thanh toán thị trường kịp thời với kỳ hạn hợp lý.

Tính đến 25/3, tín dụng đối với nền kinh tế tăng khoảng 2,28% so với cuối năm 2018. Tín dụng được tập trung cho sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.

Ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước cho biết, tín dụng được tập trung cho sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng sản xuất và tiêu dùng và triển khai nhiều giải pháp căn cơ, quyết liệt góp phần đẩy lùi tín dụng đen.

Đến 25/3, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,67% so với cuối năm 2018 (cùng kỳ năm 2018 tăng 3,23%). Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục ổn định, lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 6-9%/năm, 9-11%/năm đối với cho vay trung và dài hạn.

Trong 3 tháng đầu năm, dựa theo tình hình thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã “nới” tăng trưởng tín dụng cao hơn đối với tổ chức tín dụng thực hiện trước thời hạn các quy định về tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41.

Còn ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ nhấn mạnh: "Chúng tôi đã có công văn chỉ đạo định hướng tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống và thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng. Trong đó, ưu tiên chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn đối với đơn vị nào thực hiện trước thời hạn các quy định về tỷ lệ an toàn vốn tại Thông tư 41.”

Cũng theo ông Tần, tín dụng đối với ngành công nghiệp tăng 2,57%, lĩnh xây dựng tăng 1,08%, lĩnh vực thương mại và dịch vụ tăng 1,97%, lĩnh vực nông, lâm, thủy sản tăng 1,01%, chiếm tỷ trọng 9,17%.

Riêng đối với lĩnh vực lúa gạo, ông Tần cho biết, để kịp thời hỗ trợ tiêu thụ lúa Vụ Đông Xuân năm 2019, ngay sau nghỉ Tết nguyên đán,  Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức hội nghị ngành ngân hàng cho vay đẩy mạnh tiêu thụ lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo đó, đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh 13 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các ngân hàng thương mại tập trung nguồn vốn, giải ngân đáp ứng kịp thời và đầy đủ nhu cầu vốn của doanh nghiệp, thương nhân để thu mua thóc, gạo cho người dân; riêng các ngân hàng thương mại nhà nước tiên phong hạ lãi suất cho vay ngắn hạn xuống còn 6%/năm để hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua lúa gạo.

"Kết quả đến nay, các tổ chức tín dụng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã thực hiện giải ngân khoảng 10.719 tỷ đồng cho các tổ chức, cá nhân để thu mua trên 1,7 triệu tấn;lúa gạo vụ Đông Xuân 2019, góp phần hạn chế đà giảm giá lúa gạo cho bà con nông dân," ông Tần nhấn mạnh.

Ngân hàng Nhà nước cũng kịp thời có giải pháp tháo gỡ cho người chăn nuôi lợn bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi bùng phát. Từ tháng 2/2019, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh đang có dịch nắm sát tình hình cho vay đối với ngành chăn nuôi lợn trên địa bàn và dư nợ bị thiệt hại để kịp thời thực hiện giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tham mưu cho Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố các biện pháp xử lý nợ vay theo quy định tại Nghị định 55 và 116 của Chính phủ.

Để triển khai có hiệu quả các chỉ tiêu đề ra, theo ông Tần, từ nay đến cuối năm Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành tín dụng nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng đi đôi với nâng cao chất lượng, mở rộng tín dụng tập trung vào lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với các ngành, lĩnh vực như: nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các chương trình mục tiêu quốc gia và tín dụng xanh, chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội.


 

Giao dịch ngoại tệ tại ngân hàng. (Ảnh: CTV)
Giao dịch ngoại tệ tại ngân hàng. (Ảnh: CTV)



Tiếp tục mua vào ngoại tệ

Tại buổi họp báo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2019 là năm đưa ra lộ trình hạn chế tín dụng ngoại tệ - tạo lập cơ sở vững chắc cho thị trường ngoại tệ không bị ảnh hưởng bởi những hoạt động về cho vay ngoại tệ.

"Thời gian vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã xuyên suốt trong các giải pháp điều hành luôn tạo sự khuyến khích nắm giữ VND, các giải pháp của Ngân hàng Nhà nước là hướng tới thu hẹp hoạt động tiền gửi và cho vay ngoại tệ theo đúng chủ trương Chính phủ chuyển dần quan hệ tiền gửi cho vay sang quan hệ mua bán," bà Hồng nhấn mạnh.

Cũng theo bà Hồng, thông tư cho vay ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước đưa ra lộ trình đến 31/3 sẽ dừng việc những nhu cầu nhập khẩu ngoại tệ ngắn hạn với khách hàng có nguồn thu ngoại tệ; 30/9 dừng nhu cầu nhập khẩu trung dài hạn. Khi đề xuất lộ trình này, các đơn vị của Ngân hàng Nhà nước đã có sự phân tích đánh giá cụ thể về cơ cấu nguồn vốn sử dụng vốn bằng ngoại tệ đưa ra các giải pháp hữu hiệu.

Chính vì vậy, quý 1 khi thị trường thuận lợi Ngân hàng Nhà nước tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, được hỗ trợ từ nguồn cung ngoại tệ dồi dào, thanh khoản thị trường tốt, hệ thống tổ chức tín dụng tiếp tục mua ròng ngoại tệ từ khách hàng, nhờ đó Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước.

Phó Thống đốc cũng đề cập tới các dự báo của nhiều tổ chức quốc tế về kinh tế thế giới đang giảm tốc, ảnh hưởng Brexit, Fed không tăng lãi suất trong năm 2019… Các ngân hàng trung ương nước ngoài có xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ.

“Tuy nhiên, các diễn biến này có vẻ không tác động tới điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Nhưng ở mặt khác, kinh tế thế giới giảm tốc sẽ có tác động tới hoạt động xuất khẩu… Do đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ linh hoạt điều hành chính sách tiền tệ làm sao để phù hợp với thực tế biến động, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, sản xuất kinh doanh”- bà Hồng nói.

Thúy Hà (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Ngành Thuế Chư Pưh tiếp tục đôn đốc, khai thác tốt các nguồn thu

Ngành Thuế Chư Pưh tiếp tục đôn đốc, khai thác tốt các nguồn thu

(GLO)- Đến thời điểm này, huyện Chư Pưh đã thu được gần 29 tỷ đồng nộp ngân sách, đạt khoảng 120% dự toán tỉnh và HĐND huyện giao (trừ tiền sử dụng đất). Từ nay đến hết năm 2024, ngành Thuế huyện tiếp tục triển khai các giải pháp để quản lý thuế, chống thất thu cũng như khai thác tốt các nguồn thu.

Tiếp tục giảm 2% thuế VAT tới 1.7.2025

Tiếp tục giảm 2% thuế VAT tới 1.7.2025

Quốc hội đồng ý tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong nửa đầu năm 2025; đồng thời yêu cầu chấm dứt việc miễn thuế với hàng giá trị dưới 1 triệu nhập khẩu qua các sàn thương mại điện tử như Shopee, Temu.

Tập huấn kiểm kê tài sản công

Tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công

(GLO)- Ngày 28 và 29-11, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai.