Agribank Đông Gia Lai: Tiếp bước truyền thống, kết nối tương lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mới hơn 2 năm sau khi chia tách, Agribank Đông Gia Lai đã chính thức bước vào tốp các ngân hàng thương mại dẫn đầu về thị phần và quy mô hoạt động trên địa bàn tỉnh. Kết quả này không phải ngẫu nhiên mà là cả quá trình tập thể Chi nhánh cùng nhau nỗ lực tăng tốc, bứt phá để vượt lên chính mình trong hoạt động kinh doanh, đưa ra những giải pháp linh hoạt trong điều hành, ứng xử với khách hàng, có tầm nhìn chiến lược dài hơi gắn với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Bứt phá để thành công
Tháng 11-2016 là cột mốc quan trọng đánh dấu sự kiện chia tách Agribank Gia Lai, thành lập Agribank Đông Gia Lai. Đây được xem là bước đi cần thiết cho sự phát triển bền vững hơn của Agribank trong giai đoạn tiếp theo, tiến tới quản trị ngân hàng theo hướng hiện đại và chỉ còn 2 cấp: cấp quản trị điều hành tại trụ sở chính và cấp trực tiếp kinh doanh. Ở phương diện khác, sự ra đời của Chi nhánh Đông Gia Lai một lần nữa khẳng định Agribank đã không ngừng lớn mạnh, hiện đại, đa năng, nắm giữ vai trò chủ đạo trên thị trường nông nghiệp, nông thôn. Xuất phát điểm với lợi thế nền tảng thương hiệu lẫn bề dày lịch sử của Agribank, cộng thêm mạng lưới hoạt động sẵn có ở Chư Pah, Ia Grai, Đak Đoa, Mang Yang, Đak Pơ, Kbang, Kông Chro, thị xã An Khê và TP. Pleiku là tiềm lực vững vàng để Chi nhánh vươn lên khẳng định chỗ đứng của mình trên thị trường tài chính-ngân hàng. Tuy nhiên, đây cũng là trở ngại, thách thức lớn nhất của Agribank Đông Gia Lai nếu không đủ bản lĩnh để vượt qua chính mình.
Agribank Đông Gia Lai khen thưởng các đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kinh doanh năm 2018. Ảnh: S.C
Agribank Đông Gia Lai khen thưởng các đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kinh doanh năm 2018. Ảnh: S.C
Tăng trưởng mạnh mẽ là từ khóa phản ánh rõ nét nhất về Agribank Đông Gia Lai trong hơn 2 năm qua. Nếu như ở thời điểm tháng 11-2016, dư nợ của Chi nhánh là 6.800 tỷ đồng, huy động vốn là 3.600 tỷ đồng thì đến tháng 1-2019, quy mô dư nợ đã đạt 10.264 tỷ đồng, huy động vốn đạt 5.067 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân hơn 20%/năm, hầu hết các chỉ tiêu kinh doanh chính đều hoàn thành xuất sắc. Một điểm rất đáng lưu ý là so với các ngân hàng thương mại khác, thị phần huy động vốn của Chi nhánh chiếm tới 14,3%, đứng đầu về quy mô huy động vốn. Thị phần dư nợ của Chi nhánh cũng chiếm 11,7% và đứng thứ 4 về quy mô tín dụng trên địa bàn tỉnh. Cơ cấu dư nợ của Chi nhánh tiếp tục được bố trí hợp lý, phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, phân tán rủi ro và đúng hướng chỉ đạo của ngành là ưu tiên đầu tư cho “tam nông”.
Rót vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn-một lĩnh vực giàu tiềm năng nhưng luôn chứa đựng nhiều rủi ro, Agribank Đông Gia Lai cũng chịu tác động mạnh mẽ khi ngành nông nghiệp địa phương đang phải đối diện với nhiều khó khăn do giá cả một số mặt hàng nông sản chủ lực như hồ tiêu, cao su, cà phê, mía luôn ở mức thấp; tình hình dịch bệnh trên cây hồ tiêu diễn biến phức tạp; thời tiết ảnh hưởng bất lợi đến năng suất cây trồng… Để vượt qua khó khăn, Chi nhánh đã phát huy nội lực, sức mạnh tập thể thông qua các phong trào thi đua, ưu tiên quỹ khen thưởng cho công tác huy động vốn và phát triển kinh doanh. Đồng thời, Chi nhánh tích cực, chủ động trong điều hành kế hoạch kinh doanh, gắn với việc triển khai có hiệu quả các chính sách tín dụng thu hút được khách hàng, khai thác tiềm năng mở rộng tín dụng ở địa bàn huyện, thị xã.
Song song với đó, Chi nhánh quan tâm công tác chăm sóc, phát triển khách hàng, chú trọng cải tiến phong cách, thái độ giao dịch. Đối với công tác huy động vốn, Chi nhánh thường xuyên theo dõi diễn biến lãi suất, nguồn vốn huy động để có giải pháp chỉ đạo quyết liệt cũng như phương án ứng xử linh hoạt nhằm giữ vững nguồn huy động. Mặt khác, chủ động tìm kiếm khách hàng, dự án khả thi, hiệu quả để đầu tư tín dụng, thu hút khách hàng tốt và nâng cao khả năng sinh lời. Nhờ tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nguồn vốn tín dụng đã phát huy hiệu quả trên thị trường nông nghiệp, nông thôn, thực sự đi vào các chương trình, dự án, mô hình kinh tế của khách hàng doanh nghiệp và hộ gia đình, cá nhân. Tính đến cuối năm 2018, dư nợ cho vay tiêu dùng của Chi nhánh đạt 1.631 tỷ đồng, chiếm 16% tổng dư nợ; dư nợ cho vay qua tổ vay vốn thuộc các tổ chức chính trị-xã hội đạt 900 tỷ đồng, chiếm 8,8% tổng dư nợ; dư nợ cho vay dự án thủy điện đạt 443 tỷ đồng, chiếm 4,3% tổng dư nợ; dư nợ cho vay ngành cà phê đạt 2.945 tỷ đồng, chiếm 28,7% tổng dư nợ; dư nợ cho vay tái canh cà phê 43 tỷ đồng, chiếm 0,4% tổng dư nợ…
Ảnh: S.C
Ảnh: S.C
Phát huy lợi thế về công nghệ, điều kiện sẵn có, Chi nhánh đã phát triển mạnh các sản phẩm, dịch vụ nhiều tiềm năng. Do đó, thu dịch vụ của Chi nhánh có bước tiến vượt bậc so với các năm trước (tăng 27%) với các khoản thu chiếm tỷ trọng lớn như: thu dịch vụ thanh toán trong nước chiếm 32,45%, thu dịch vụ thẻ và E-Banking chiếm 22,62%, thu dịch vụ ủy thác ABIC chiếm 15,15%, thu dịch vụ thanh toán quốc tế, kiều hối, kinh doanh ngoại tệ tăng vượt bậc, đạt 335% kế hoạch năm. Các chỉ tiêu này phản ánh hoạt động kinh doanh của Agribank Đông Gia Lai đạt mức tăng trưởng khá cao, tạo đà phát triển bền vững cho những năm tiếp theo.
Ổn định quy mô để phát triển bền vững

* Từ năm 2016 đến 2018, Chi nhánh đã tài trợ 13,71 tỷ đồng để thực hiện công tác an sinh xã hội. Cụ thể, tài trợ hơn 10 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng 202 căn nhà tình nghĩa cho các hộ nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn các huyện: Chư Pah, Đak Đoa, Đak Pơ, Ia Grai, Kbang, Kông Chro, Mang Yang, thị xã An Khê và TP. Pleiku; tài trợ cho Trung tâm Y tế huyện Đak Đoa 1 xe cứu thương chuyên dùng trị giá 1,3 tỷ đồng; trao tặng 4.369 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó; tặng quà Tết cho nông dân nghèo, ủng hộ Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, ủng hộ khắc phục hậu quả thiên tai và Quỹ “Vì người nghèo”…

* Trong quá trình hoạt động, Chi nhánh đã được Ngân hàng Nhà nước tặng cờ thi đua tập thể có thành tích xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua ngành Ngân hàng năm 2017. Chi nhánh cũng được UBND tỉnh khen tặng tập thể có thành tích xuất sắc trong sản xuất kinh doanh giai đoạn 2014-2018; tặng cờ thi đua đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước năm 2017, năm 2018...


Bước vào năm kinh doanh thứ 3, Agribank Đông Gia Lai xác định rõ, đây là thời điểm cần ổn định quy mô kinh doanh để phát triển bền vững. Trên cơ sở đó, tăng tốc phát triển dịch vụ và đảm bảo khả năng tài chính. Phát huy vai trò chủ đạo ở lĩnh vực đầu tư cho “tam nông” cũng như nền tảng nội lực sẵn có, Chi nhánh sẽ thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng có hiệu quả đáp ứng nhu cầu hấp thu vốn của nền kinh tế, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên đi đôi với kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Chi nhánh phấn đấu nguồn vốn huy động tăng tối thiểu 20% so với thời điểm 31-12-2018, đạt mức 6.100 tỷ đồng (tăng khoảng 1.017 tỷ đồng trở lên); tổng dư nợ tăng khoảng 10-15%, đạt mức 11.200 tỷ đồng đến 11.800 tỷ đồng (tăng khoảng 1.000-1.600 tỷ đồng); tỷ trọng dư nợ trung, dài hạn đạt khoảng 40%/tổng dư nợ; kiểm soát tỷ lệ nợ xấu khoảng 0,5%/tổng dư nợ; thu dịch vụ tăng khoảng 27% so với năm trước, đạt mức 41,6 tỷ đồng.
Trên tinh thần lấy khách hàng làm trung tâm của mọi hoạt động kinh doanh, Chi nhánh xây dựng kế hoạch tiếp thị, chăm sóc khách hàng ngay từ đầu năm. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, thắt chặt hơn nữa các mối quan hệ truyền thống, gắn bó với khách hàng lớn, khách hàng tốt thông qua ký kết thỏa thuận hợp tác nhiều mặt. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển khách hàng mới, có giải pháp linh hoạt để thu hút khách hàng đến với Agribank, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các đối tượng khách hàng. Đồng thời, mở rộng thị trường, chọn lọc khách hàng làm ăn có hiệu quả, dự án khả thi nhằm tăng trưởng dư nợ ngay từ đầu năm. Mặt khác, Chi nhánh tập trung tạo điều kiện hỗ trợ đối tượng hộ kinh doanh quy mô lớn phát triển thành doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp mới thành lập; nâng dần tỷ trọng cho vay doanh nghiệp cũng như tăng tỷ trọng cho vay trung, dài hạn nhằm đảm bảo mục tiêu cân đối tài chính và phát triển thị phần đầu tư tín dụng.
Đổi mới phương thức đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, đơn giản hóa hồ sơ thủ tục xét duyệt nhằm gia tăng khả năng tiếp cận vốn của khách hàng, nâng cao hiệu quả công tác quản lý tín dụng... là yêu cầu bắt buộc trong giai đoạn hiện nay. Để thực hiện điều này, Chi nhánh sẽ chuyển đổi căn bản hình thức quản lý, phấn đấu đến tháng 10-2019 củng cố, thành lập 700 tổ vay vốn, đảm bảo 100% hộ vay dưới 200 triệu đồng thông qua tổ và ủy thác thu lãi qua tổ nhằm giảm tải cho cán bộ tín dụng cơ sở, dành thời gian phát triển khách hàng vay quy mô lớn.
Trong bối cảnh gia tăng cạnh tranh giữa các ngân hàng gắn với xu thế phát triển dịch vụ thanh toán thì việc nâng cao chất lượng mảng này gắn với ứng dụng các công nghệ mới bảo đảm an toàn, bảo mật và gia tăng tiện ích cho khách hàng là yêu cầu tiên quyết. Do vậy, Chi nhánh đã và đang chú trọng triển khai mạnh mẽ các giải pháp nhằm tăng tốc phát triển sản phẩm ngân hàng điện tử như: Emobile Banking, QR Code, Internet Banking, rút tiền bằng mã tại ATM, thẻ không tiếp xúc, gửi tiền-rút tiền trên CDM. Thông qua đó, khách hàng có thể thực hiện hầu hết các giao dịch tài chính như thanh toán hóa đơn tiền điện, thuế, chuyển khoản, gửi tiết kiệm 24/7 mà không bị hạn chế về không gian, thời gian, phát triển các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. 
 PHAN TIẾN THU
Giám đốc Agribank Đông Gia Lai

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

(GLO)- Việc có đến 12/16 khu vực, sắc thuế đạt và vượt tiến độ đã tạo đà cho tổng thu nội địa của tỉnh Gia Lai trong quý I-2024 đạt 1.935,6 tỷ đồng, bằng 34,7% dự toán Bộ Tài chính giao và 33,6% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Rủi ro lớn

Rủi ro lớn

Trong lúc giá vàng nhảy múa vì khan hiếm, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vàng đã chớp thời cơ để tung mạnh ra thị trường nhiều sản phẩm vàng mini và đã tạo nên một cơn sốt mới.