
Ông Rubio tin rằng cuộc gặp riêng giữa ông Trump và ông Putin là cách duy nhất để thúc đẩy các cuộc đàm phán giữa Ukraine và Nga. Ông lưu ý, Tổng thống Trump đã công khai đề xuất một cuộc họp như vậy.
"Cuối cùng, một trong những điều có thể giúp phá vỡ sự bế tắc này, có lẽ cách duy nhất là một cuộc đối thoại trực tiếp giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Putin. Tổng thống đã công khai bày tỏ mong muốn và tin điều đó cần diễn ra sớm", ông Rubio nói.
Trong cuộc điện đàm "lịch sử" với 2 người đồng cấp và chia sẻ với lãnh đạo các đồng minh châu Âu, ông Trump nhấn mạnh: “ngay lập tức bắt đầu đàm phán để đi đến một thỏa thuận ngừng bắn và, quan trọng hơn, CHẤM DỨT cuộc chiến”, theo bài đăng của ông Trump ngày 18/5 trên một mạng xã hội.
Về phần mình, sau cuộc điện đàm của ông Trump cũng như kết quả bước đầu trong cuộc đàm phán tại Thổ Nhĩ Kỳ giữa Nga và Ukraine, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 19/5 tuyên bố Nga và Ukraine ký kết một bản ghi nhớ sẽ góp phần vào lộ trình chấm dứt xung đột, đồng thời gợi ý Ukraine sẽ có thể phác thảo tầm nhìn của mình sau khi nhận được những đề xuất liên quan từ Nga.
Ông Zelensky nêu rõ: "Một bản ghi nhớ liên quan có thể được ký kết song phương. Sau đó, nó có thể dẫn đến một lộ trình chấm dứt chiến tranh, một hiệp ước được cả hai nước ủng hộ, bao gồm cả lệnh ngừng bắn".
Tổng thống Zelensky cho hay, Ukraine đang thảo luận với các đối tác về một vòng đàm phán mới với Nga. Địa điểm đàm phán mới có thể là Thổ Nhĩ Kỳ, Vatican hoặc Thụy Sĩ. Các bên tham gia đàm phán có thể là Mỹ, Ukraine, Nga cùng đại diện của Pháp, Anh, Italy và Đức.
Cùng ngày, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết các bên đều mong muốn tiến trình hòa bình diễn ra nhanh nhất có thể, tuy nhiên chưa thể đặt ra thời hạn để hoàn tất các văn bản trên do tính chất phức tạp và yếu tố then chốt vẫn là nội dung của thỏa thuận.
Ông Peskov cũng nhấn mạnh nội dung chính mà phía Nga sẽ đề cập trong các thỏa thuận là phải loại bỏ hoàn toàn các nguyên nhân gây ra xung đột tại Ukraine.
"Các văn bản sẽ được cả phía Nga và phía Ukraine xây dựng, các tài liệu dự thảo này sẽ được trao đổi, và sau đó sẽ có những cuộc tiếp xúc thận trọng để xây dựng một văn bản thống nhất. Không có thời hạn và không thể có thời hạn nào. Rõ ràng là mọi người đều muốn thực hiện điều này càng nhanh càng tốt, nhưng tất nhiên, vấn đề nằm ở các chi tiết".
Trong một diễn biến liên quan, ngay sau cuộc điện đàm của tổng thống Mỹ với 2 người đồng cấp Nga và Ukraine, ngoại giao trở nên căng thẳng hơn ở châu Âu khi Phát ngôn viên chính phủ Đức Stefan Conellius cho biết lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã thống nhất gia tăng áp lực lên Nga bằng các trừng phạt mới.
Ông Stefan cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chia sẻ nội dung cuộc đàm thoại với các đối tác châu Âu và tất cả các bên đều bày tỏ sự sẵn sàng hỗ trợ đối với Ukraine trong tiến trình đàm phán hòa bình.
Ông Putin trước sau lặp lại lập trường của mình rằng phải giải quyết các “nguyên nhân gốc rễ” của cuộc xung đột – được cho là một cách ám chỉ đến những mục tiêu Nga muốn đạt đối với Ukraine, như “phi phát xít hóa”, cắt giảm lực lượng vũ trang, không nhận hỗ trợ quân sự từ phương Tây, không gia nhập NATO và công nhận 4 vùng lãnh thổ Nga đã sáp nhập.