Sắp xếp bộ máy: Hoàn thành kiểm kê, phân loại tài sản trước ngày 1/1/2025

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bộ Tài chính hướng dẫn các Bộ, ngành thuộc diện sắp xếp phải hoàn thành việc kiểm kê, phân loại tài sản đồng thời tam dừng việc mua sắm, thuê mới tài sản từ ngày 1/1/2025.

Đại diện Bộ Tài chính ngày 20/12 thông tin đơn vị này đã ban hành Công văn số 13749/BTC-NSNN hướng dẫn các bộ, ngành về nguyên tắc xử lý tài sản, tài chính và ngân sách Nhà nước trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy.

Tạm dừng mua sắm, thuê mới tài sản từ ngày 1/1/2025

Văn bản này cung cấp hướng dẫn chi tiết về quy trình kiểm kê, phân loại, bàn giao và tiếp nhận tài sản cũng như quản lý ngân sách trong giai đoạn chuyển đổi, nhằm đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả và hoạt động liên tục của các cơ quan Nhà nước.

Theo đó, các bộ, ngành thuộc diện sắp xếp phải hoàn thành việc kiểm kê, phân loại tài sản trước ngày 1/1/2025. Tài sản được phân loại theo các nhóm: Tài sản của cơ quan, đơn vị (bao gồm cả tài sản đang được cho thuê, liên doanh, liên kết); Tài sản phát hiện thừa/thiếu qua kiểm kê; Tài sản không phải của cơ quan (tài sản nhận giữ hộ, tài sản mượn, tài sản thuê). Việc cập nhật biến động tài sản sẽ tiếp tục cho đến khi đề án/phương án sắp xếp được phê duyệt. Đặc biệt, việc mua sắm, thuê mới tài sản sẽ tạm dừng từ ngày 1/1/2025, trừ trường hợp đã lựa chọn nhà thầu hoặc trường hợp thật sự cần thiết được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Sau khi kiểm kê, các Bộ, ngành phải xử lý tài sản thừa/thiếu, trả lại tài sản giữ hộ, mượn, chấm dứt hợp đồng thuê tài sản (nếu có thể) và bảo quản tài sản tránh thất thoát. Bộ Tài chính cũng đưa ra hướng dẫn cụ thể về việc quản lý, xử lý tài sản tùy theo từng hình thức sắp xếp, bao gồm hợp nhất, thay đổi cơ quan quản lý cấp trên, kết thúc hoạt động và chuyển giao chức năng, nhiệm vụ.

Đối với việc bàn giao, tiếp nhận các nguồn tài chính Nhà nước như kinh phí từ phí, lệ phí, quỹ trích lập, công nợ, công văn yêu cầu thực hiện kiểm kê, đối chiếu sổ sách, số dư đảm bảo khớp đúng và lập báo cáo kiểm kê. Mọi chênh lệch phải được xử lý trước khi bàn giao. Bộ, cơ quan sau sắp xếp có trách nhiệm sử dụng nguồn tài chính đúng quy định, trường hợp dôi dư phải lập phương án trình cấp có thẩm quyền quyết định. Nguyên tắc bàn giao công nợ là cơ quan nhận nguồn tài chính hình thành từ công nợ thì có trách nhiệm nhận nợ. Sau khi tiếp nhận, bộ, ngành phải mở sổ sách theo dõi, quản lý theo quy định.

Quản lý ngân sách: Đảm bảo hoạt động liên tục

Về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2023, các Bộ, ngành thuộc diện sắp xếp vẫn thực hiện theo quy định hiện hành. Đối với năm 2024, các Bộ, ngành thực hiện khóa sổ cuối năm, chịu trách nhiệm về công tác thanh tra, kiểm tra và bàn giao toàn bộ hồ sơ, chứng từ liên quan cho bộ, cơ quan sau sắp xếp để thực hiện quyết toán.

Dự toán ngân sách năm 2025 sẽ được phân bổ theo nhiệm vụ đã được giao. Sau khi được phân bổ, các đơn vị ưu tiên chi cho con người, hạn chế tối đa chi thường xuyên trừ trường hợp cần thiết. Khi thực hiện sắp xếp, các Bộ, ngành sẽ thống nhất phương án bàn giao, tiếp nhận dự toán năm 2025 chi tiết theo từng bộ phận chức năng theo phương án hợp nhất, chia tách.

Trong đó, các bộ, ngành thuộc diện được sắp xếp lại thực hiện giao nguyên trạng công việc, hồ sơ, chứng từ đối với các nhiệm vụ thuộc dự toán năm 2025 đã và đang thực hiện theo phương án đã thống nhất cho các bộ, cơ quan sau sắp xếp.

Các bộ, ngành sau sắp xếp xác định lại dự toán thu-chi (bao gồm dự toán đã được giao đầu năm 2025 trừ đi phần dự toán đã thống nhất chuyển cho các Bộ, ngành khác, cộng với phần dự toán tiếp nhận từ các bộ, ngành được sắp xếp lại), báo cáo Bộ Tài chính để tổng hợp, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh dự toán ngân sách năm 2025 theo quy định.

Công văn của Bộ Tài chính cung cấp khung pháp lý rõ ràng cho quá trình sắp xếp bộ máy, đảm bảo việc xử lý tài sản, tài chính, ngân sách Nhà nước diễn ra minh bạch, hiệu quả đồng thời duy trì hoạt động liên tục của các cơ quan Nhà nước. Bộ Tài chính cũng khuyến khích các Bộ, ngành phản hồi kịp thời những vướng mắc để có hướng dẫn phù hợp.

Theo Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Dự án trụ sở HĐND-UBND TP. Pleiku đang được đơn vị thi công gấp rút hoàn thành các hạng mục còn lại. Ảnh: Q.T

Pleiku tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

(GLO)- Ủy ban nhân dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đang tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và các xã, phường quyết liệt triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn. Thành phố quyết tâm đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 95% theo kế hoạch.

Ngành Thuế Chư Pưh tiếp tục đôn đốc, khai thác tốt các nguồn thu

Ngành Thuế Chư Pưh tiếp tục đôn đốc, khai thác tốt các nguồn thu

(GLO)- Đến thời điểm này, huyện Chư Pưh đã thu được gần 29 tỷ đồng nộp ngân sách, đạt khoảng 120% dự toán tỉnh và HĐND huyện giao (trừ tiền sử dụng đất). Từ nay đến hết năm 2024, ngành Thuế huyện tiếp tục triển khai các giải pháp để quản lý thuế, chống thất thu cũng như khai thác tốt các nguồn thu.

Tiếp tục giảm 2% thuế VAT tới 1.7.2025

Tiếp tục giảm 2% thuế VAT tới 1.7.2025

Quốc hội đồng ý tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong nửa đầu năm 2025; đồng thời yêu cầu chấm dứt việc miễn thuế với hàng giá trị dưới 1 triệu nhập khẩu qua các sàn thương mại điện tử như Shopee, Temu.