Sai phạm tại Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kông H’de: Buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chi bộ Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kông H’de vừa bị Ban Thường vụ Huyện ủy Kông Chro thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo; đồng thời có 6/13 đảng viên cũng có nhiều vi phạm đến mức phải xem xét xử lý kỷ luật.

Đây là bài học kinh nghiệm sâu sắc cho người đứng đầu cũng như một số cán bộ, đảng viên đã buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, không thực hiện đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao; đặc biệt là không xử lý, báo cáo kịp thời các vụ khai thác, hủy hoại rừng để sai phạm kéo dài gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài nguyên rừng.

Kỷ luật nhiều cán bộ, đảng viên

Theo bà Trần Thị Nhiên-Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Kông Chro: Qua phân tích, đánh giá nội dung, tính chất, mức độ và nguyên nhân khuyết điểm, vi phạm, đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Huyện ủy kết luận: Nhiệm kỳ 2020-2025, Chi bộ Công ty Lâm nghiệp Kông H’de vi phạm khuyết điểm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng đến mức phải xử lý kỷ luật.

Trong đó, người đứng đầu Chi bộ đã buông lỏng lãnh đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát đã để Công ty và một số đảng viên không thực hiện đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao.

Trong năm 2022 và 9 tháng năm 2023, Công ty để xảy ra 4 vụ khai thác, hủy hoại rừng trái pháp luật thuộc lâm phần quản lý nhưng không phát hiện, ngăn chặn, xử lý và báo cáo kịp thời. Các vụ vi phạm đã làm thiệt hại hơn 218,6 m³ gỗ các loại (định giá thiệt hại trên 2,3 tỷ đồng), dẫn đến việc nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật phải khởi tố, xem xét kỷ luật.

Những vi phạm này đã gây hậu quả nghiêm trọng, giảm sút uy tín của Chi bộ, Công ty và gây dư luận bức xúc, bất bình trong cán bộ, đảng viên, công nhân viên, làm thất thoát lớn nguồn tài nguyên của Nhà nước.

Vì vậy, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ra quyết định thi hành kỷ luật Chi bộ Công ty Lâm nghiệp Kông H’de nhiệm kỳ 2020-2025 bằng hình thức cảnh cáo. Cùng với đó, các ông: Lê Văn Thủy-Bí thư Chi bộ, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty; Lê Duy Viễn-Trưởng phòng Kỹ thuật quản lý, bảo vệ rừng của Công ty cũng bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.

Một vụ phá rừng tại lâm phần quản lý của Công ty Lâm nghiệp Kông H’de được cơ quan chức năng huyện Kông Chro phát hiện, xử lý. Ảnh: M.N

Một vụ phá rừng tại lâm phần quản lý của Công ty Lâm nghiệp Kông H’de được cơ quan chức năng huyện Kông Chro phát hiện, xử lý. Ảnh: M.N

Nghiêm trọng hơn, ông Diệp Thanh Dũng-nguyên Trạm trưởng Trạm quản lý, bảo vệ rừng xã Đak Tơ Pang đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện khởi tố và bắt tạm giam về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Song song với đó, Ban Thường vụ Huyện ủy đã quyết định thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm bằng hình thức khai trừ đối với ông Dũng.

Theo đó, trong thời gian giữ chức vụ Trạm trưởng, ông Dũng không xây dựng kế hoạch, thiếu kiểm tra, giám sát thực tế, chưa sâu sát địa bàn để phát hiện, ngăn chặn, báo cáo kịp thời hành vi khai thác, hủy hoại rừng trái pháp luật. Từ tháng 3-2021 đến tháng 7-2022, ông Dũng đã để xảy ra vụ phá rừng trên lâm phần được giao quản lý tại tiểu khu 750 và 752 gây thiệt hại trên 97 m3 gỗ, định giá thiệt hại về tiền hơn 1,2 tỷ đồng.

Mặt khác, Ban Thường vụ Huyện ủy Kông Chro cũng thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với các ông: Phan Thanh Tùng-Phó Giám đốc Công ty; Ngô Văn Thế-Trạm trưởng Trạm quản lý, bảo vệ rừng xã Sró. Riêng ông Hoàng Văn Thành-Trạm trưởng Trạm quản lý, bảo vệ rừng xã Ya Ma, phụ trách xã Đak Kơ Ning (tự nhận hình thức kỷ luật khiển trách) nhưng được xem xét giảm nhẹ, chưa đến mức phải thi hành kỷ luật.

Vụ khai thác rừng trái pháp luật được các cơ quan chức năng phát hiện vào tháng 2-2023 tại tiểu khu 792 (xã Sró) thuộc lâm phần Công ty Lâm nghiệp Kông H'de quản lý. Ảnh: M.N

Vụ khai thác rừng trái pháp luật được các cơ quan chức năng phát hiện vào tháng 2-2023 tại tiểu khu 792 (xã Sró) thuộc lâm phần Công ty Lâm nghiệp Kông H'de quản lý. Ảnh: M.N

Ngoài ra, Ban Thường vụ Huyện ủy Kông Chro cũng có văn bản đề nghị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy xem xét, xử lý đối với đảng viên Nguyễn Thanh Kim-nguyên Bí thư Chi bộ, nguyên Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Kông H’de (nghỉ hưu từ ngày 1-7-2023).

Trong thời gian giữ chức vụ, ông Kim đã thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra vụ khai thác rừng trái phép tại tiểu khu 750, 752 (thuộc địa giới hành chính xã Đak Tơ Pang) từ tháng 3-2020 đến tháng 7-2022 gây thiệt hại hơn 153,1 m3 gỗ, được định giá thiệt hại về tiền trên 1,8 tỷ đồng.

Nhận diện sai phạm

Trao đổi về những sai phạm tại đơn vị, ông Lê Văn Thủy-Bí thư Chi bộ, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Kông H’de-nêu nhiều yếu tố khách quan như: Diện tích rừng quản lý lớn với trên 15.000 ha, địa hình phức tạp trải dài trên địa bàn các xã: Đak Tơ Pang, Sró, Đak Kơ Ning và Ya Ma. Mặt khác, lực lượng quản lý, bảo vệ rừng mỏng, tập quán du canh, du cư của người dân dẫn đến việc phá rừng làm nương rẫy, khai thác, phá hoại tài nguyên rừng.

Liên quan đến sai phạm diễn ra từ tháng 3-2020 đến tháng 7-2022, ông Thủy cho rằng: Thời điểm này, ông là Phó Giám đốc Công ty được giao nhiệm vụ rà soát thu hồi đất trả về địa phương quản lý và được cử đi đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ ngành nên không đảm nhận công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Tuy vậy, ông Thủy khẳng định đã nhiều lần đề xuất và kiến nghị với Giám đốc Công ty trong cuộc họp và trao đổi riêng về việc báo cáo vụ việc vi phạm lên cấp trên nhưng người đứng đầu Công ty không muốn các ban ngành biết nên để sai phạm kéo dài, khối lượng lớn.

Ông Thủy thừa nhận khuyết điểm: “Là đảng viên nhưng tôi chưa kiên quyết, còn né tránh công việc để Giám đốc tự quyết định nên vụ việc vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng và thiệt hại lớn. Đó là vụ khai thác gỗ trái phép vào tháng 8-2022 tại tiểu khu 750 và 752 thuộc địa giới hành chính xã Đak Tơ Pang đang được cơ quan có thẩm quyền điều tra, xử lý. Trách nhiệm của ai đến đâu thì người đó phải chịu”.

Trong năm 2023, nhiều vụ khai thác rừng trái pháp luật diễn ra tại lâm phần Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kông H'de nhưng đơn vị này chậm báo cáo với cơ quan chức năng phối hợp xử lý. Ảnh: M.N

Trong năm 2023, nhiều vụ khai thác rừng trái pháp luật diễn ra tại lâm phần Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kông H'de nhưng đơn vị này chậm báo cáo với cơ quan chức năng phối hợp xử lý. Ảnh: M.N

Ông Thủy cho rằng, từ tháng 11-2022, ông mới được bổ nhiệm giữ chức vụ Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty. Từ đó đến hết năm 2023, trên lâm phần Công ty quản lý chỉ xảy ra 3 vụ vi phạm liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng. Cụ thể, tháng 2-2023 xảy ra vụ khai thác gỗ trái pháp luật tại tiểu khu 792 (xã Sró) thiệt hại hơn 30 m3 gỗ; tháng 3-2023 xảy ra vụ hủy hoại rừng tại tiểu khu 790 (xã Đak Kơ Ning) với diện tích thiệt hại 0,67 ha và tháng 9-2023 xảy ra vụ khai thác rừng trái phép tại tiểu khu 793 (xã Sró) làm thiệt hại 4,8 ha.

Về việc chậm báo cáo các vụ việc vi phạm với các ban ngành liên quan, ông Thủy lý giải: Đơn vị chưa xác định các đối tượng khai thác gỗ trái phép và khối lượng thiệt hại; nhân viên đề xuất “từ từ báo cáo” để tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ các quy định của pháp luật; hay việc một số người dân nhận thức pháp luật kém, sợ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nên có tư tưởng tự tử. Một nguyên nhân khác nữa là do chờ nhân viên báo cáo bằng văn bản thay cho việc báo cáo trực tiếp bằng miệng hay qua điện thoại để Công ty có cơ sở báo với các cơ quan có thẩm quyền.

“Bản thân là người đứng đầu nhưng tôi còn thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý điều hành, chưa thường xuyên đi cơ sở để nắm bắt và xử lý công việc khiến một bộ phận nhân viên còn lơ là, buông lỏng quản lý dẫn đến các vụ vi phạm chậm phát hiện hoặc khi phát hiện rồi nhưng sợ chịu trách nhiệm nên chậm báo cáo cho lãnh đạo và các ngành chức năng biết để ngăn chặn, xử lý theo quy định”-ông Thủy nhìn nhận khuyết điểm.

Trao đổi xung quanh vấn đề xử lý sai phạm đối với cán bộ, đảng viên, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Kông Chro khẳng định: Các trường hợp xem xét, xử lý kỷ luật được thực hiện đúng quy trình từ việc phân tích, đánh giá nội dung, tính chất, mức độ đến nguyên nhân khuyết điểm, sai phạm. Chi bộ, đảng viên tự kiểm điểm về khuyết điểm, vi phạm và tự nhận hình thức kỷ luật với nội dung, mức độ vi phạm của mình; đồng thời, thông qua cuộc họp chi bộ để bỏ phiếu biểu quyết đề nghị hình thức kỷ luật.

Từ kết quả này, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy cũng họp xem xét mức độ sai phạm đối với từng trường hợp cụ thể và bỏ phiếu đề nghị Ban Thường vụ Huyện ủy thi hành kỷ luật đối với tổ chức, đảng viên vi phạm đảm bảo đúng người, đúng tội.

Một vụ phá rừng xảy ra vào tháng 2-2023 tại địa giới hành chính xã Sró thuộc lâm phần Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kông H'de quản lý. Ảnh: M.N

Một vụ phá rừng xảy ra vào tháng 2-2023 tại địa giới hành chính xã Sró thuộc lâm phần Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kông H'de quản lý. Ảnh: M.N

“Các sai phạm nêu trên chủ yếu là do cán bộ, đảng viên Công ty Lâm nghiệp Kông H’de buông lỏng quản lý, phân công nhiệm vụ nhưng thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát. Đáng chú ý là khi xảy ra các vụ việc vi phạm liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng thì đơn vị đã không kịp thời ngăn chặn, xử lý, thậm chí sợ trách nhiệm, sợ bị kỷ luật nên không thông báo với cơ quan chức năng sớm phối hợp điều tra, để sai phạm kéo dài.

Vụ việc đang được Công an huyện điều tra nhưng qua công tác kiểm tra tại đơn vị, chúng tôi chưa phát hiện dấu hiệu có sự tiếp tay, tạo điều kiện cho lâm tặc khai thác trái phép tài nguyên rừng”-Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Kông Chro thông tin.

Trao đổi với P.V, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Công ty Lâm nghiệp Kông H’de có vi phạm, trong đó có trách nhiệm của tổ chức cơ sở Đảng và người đứng đầu. Theo quy định, nếu bị kỷ luật về mặt Đảng thì tùy mức độ sẽ xem xét xử lý về mặt chính quyền.

Sở Nội vụ sẽ chủ trì, tham mưu xử lý. Về phía Sở Nông nghiệp và PTNT cũng sẽ tham mưu, đồng thời đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét xử lý để ổn định tổ chức đơn vị, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ theo quy định.

“Kinh nghiệm cho thấy nơi nào, chỗ nào tổ chức cơ sở Đảng mạnh thì lãnh đạo đơn vị triển khai tốt nhiệm vụ chính trị và sản xuất kinh doanh lâm nghiệp đúng quy định và cùng với địa phương giải quyết được sinh kế thông qua công tác trồng rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp, hạn chế người dân phá rừng”-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nhận định.

Có thể bạn quan tâm

Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về vũ khí, vật liệu nổ dịp Tết Nguyên đán 2025

Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về vũ khí, vật liệu nổ dịp Tết Nguyên đán 2025

(GLO)- Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Rah Lan Chung vừa ký ban hành Công văn số 101/UBND-NC về việc tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí (VK), vật liệu nổ (VLN), công cụ hỗ trợ (CCHT) và pháo đảm bảo an ninh trật tự trong Tết Nguyên đán 2025.

Bác sĩ Nguyễn Quang Khôi (Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi tỉnh) thăm hỏi một trường hợp bị thương do tai nạn pháo nổ. Ảnh: N.N

Cảnh báo tai nạn do pháo nổ

(GLO)- Hơn 1 tháng trở lại đây, Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai tiếp nhận nhiều trường hợp cấp cứu do tai nạn pháo nổ, trong đó có bệnh nhân được đưa đến cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương. Hầu hết các trường hợp bị thương tích là do tự chế pháo và đốt pháo.