Liên quan đến các sai phạm trong xây dựng tại bến xe huyện Phú Thiện (Gia Lai) mà Báo Công lý đã phản ánh, các đơn vị cấp phép đã lên tiếng nhằm làm rõ về các giấy phép trong vụ việc.
Toàn cảnh dãy nhà nghỉ đang xây dựng.
Đến nay, Công ty Đức Lâm đã thực hiện 6,8 tỉ/18 tỉ. Vậy nhưng, công ty này không báo cáo các khó khăn, vướng mắc. Xét thấy, tiến độ thực hiện dự án chậm nên Sở KH&ĐT đã tổng hợp và đưa vào chương trình giám sát đầu tư của năm 2019.
“Không phải đơn vị đi kiểm tra ngay, mà đây là giám sát xem người ta đăng ký giấy chứng nhận đầu tư, có thực hiện đúng hay không. Còn kiểm tra nếu thấy đến mức độ vi phạm thì đoàn sẽ đề xuất, ví dụ như cấp giấy phép xây dựng thì đề xuất Sở Xây dựng đi kiểm tra...”, đại diện Sở KHĐT cho hay.
Theo đại diện Sở KH&ĐT, đơn vị này luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để giúp các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh phát triển. Nếu quá trình kiểm tra, thấy sai và công ty có khó khăn vướng mắc thì sẽ hướng dẫn chủ đầu tư viết lại đơn để làm lại tờ trình. Hết hạn thì phải gia hạn.
Để nắm bắt thêm thông tin, PV đã đăng ký các nội dung liên quan đến Sở Xây dựng thông qua Gmail của Phó Chánh văn phòng Lê Công Nguyên vào chiều ngày 1/10. Đến chiều ngày 8/10, PV được Phó Chánh văn phòng Sở này gửi số điện thoại của Giám đốc Sở để liên hệ trực tiếp.
Trao đổi qua điện thoại, ông Đỗ Việt Hưng, Giám đốc Sở Xây dựng Gia Lai cho biết, trong Giấy phép xây dựng số 110/GPXD cấp ngày 29/11/2016 thì thời hiệu 12 tháng được hiểu là để khởi công công trình. Sau khi chủ đầu tư được cấp phép xây dựng thì trong vòng 12 tháng sẽ phải khởi công xây dựng. Nó khác với chuyện chủ đầu tư phải hoàn thành công trình này trong vòng 12 tháng.
Giám đốc Sở Xây dựng Đỗ Việt Hưng nhấn mạnh: “Sau khi được cấp phép xây dựng thì trong vòng 12 tháng phải khởi công xây dựng. Nếu không khởi công xây dựng trong thời gian đó thì phải gia hạn thời gian khởi công. Theo quy định của Luật Xây dựng được gia hạn 2 lần, mỗi lần tối đa 12 tháng. Giấy phép xây dựng này không phải là giấy phép xây dựng có thời hạn”.
Rất nhiều gạch, đá ngổn ngang trong bến xe.
Ông Hưng cho biết thêm, trong giấy phép xây dựng có một loạt các công trình, bên chủ đầu tư đã khởi công xây dựng. Việc hoàn thành dự án, toàn bộ các hạng mục đó thuộc về kênh đầu tư. Vấn đề này, sẽ có một cơ quan chuyên giám sát về đầu tư để kiểm tra, theo dõi, đánh giá quá trình thực hiện dự án. Kể cả liên quan đến trách nhiệm của huyện, vì dự án này do huyện kêu gọi đầu tư.
Khi PV hỏi về vấn đề nhà điều hành trong giấy phép do Sở Xây dựng cấp là nhà hai tầng, nhưng chủ đầu tư chỉ làm một tầng, ông Hưng thông tin: “Việc họ đã hoàn công công trình đó hay chưa tôi chưa nắm được nhưng sẽ đề nghị huyện báo cáo về nội dung này. Về mặt quy định của giấy phép thì phải thực hiện đúng các nội dung theo giấy phép xây dựng. Nếu có việc thay đổi về quy mô, tính chất… phải thực hiện việc điều chỉnh giấy phép. Đối với các hạng mục thực hiện, hoàn công xong công trình mà không đúng với giấy phép xây dựng thì sẽ có chế tài xử lý. Còn việc họ đang trong quá trình thực hiện, chưa có hoàn công, chưa có chấm dứt dự án thì họ phải có trách nhiệm xin phép điều chỉnh giấy phép trước khi thực hiện các hạng mục mà không đúng với diện tích đã được cấp. Sở Xây dựng đến thời điểm này chưa nhận được đề nghị xin điều chỉnh của nhà đầu tư”.
Liên quan đến vụ việc này, được biết vào sáng ngày 9/10, UBND huyện Phú Thiện tổ chức họp với các bên liên quan trong đó có cả chủ đầu tư để làm rõ các vấn đề liên quan.
Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Trần Sỹ-Ngọc Trinh (Công lý)