Đại biểu Quốc hội nhấn mạnh điều này khi thảo luận về quy định cho thuê tài sản công trong Luật quản lý, sử dụng tài nhà nước (sửa đổi).
Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XIV |
Với quy định về khai thác, sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích cho thuê, kinh doanh dịch vụ, Đại biểu Hà Thị Minh Tâm (đoàn Hà Nam) đề nghị cần quy định rõ, tách bạch chủ thể sử dụng tài sản công cho mục đích cho thuê, kinh doanh dịch vụ với chủ thể quản lý chung để thể hiện rõ trách nhiệm pháp lý của mỗi cá nhân với mỗi tài sản mà mình quản lý.
Về cho thuê tài sản công, bà Tâm cho rằng thực chất tình trạng này vẫn diễn ra nhưng chưa có quy định cụ thể, do đó cần luật hoá đẻ tránh cho “thuê chui”, tăng thêm nguồn thu cho Nhà nước đối với tài sản công không sử dụng hết công năng. Tuy nhiên, nữ đại biểu lưu ý cần quy định cụ thể để giám sát, có chế tài xử lý nghiêm, tránh tình trạng khai báo thêm về nhu cầu sử dụng để cho thuê trục lợi.
Vị đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nam cũng đề nghị xem xét lại quy định cho phép đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng tài sản để góp vốn kinh doanh, nhất là cần xem xét tính pháp lý của chủ sở hữu.
Theo bà Hà Thị Minh Tâm, nếu là tài sản công thì chủ sở hữu là toàn dân, việc giao cho người đứng đầu toàn quyền quyết định vào mục đích góp vốn, khi kinh doanh thua lỗ thì khó quy trách nhiệm cá nhân, Nhà nước lại phải đứng ra trả khoản thua lỗ.
“Từ thực tế góp vốn kinh doanh của một số đơn vị xả ra thua lỗ, thất thoát tài sản công nhưng khó quy trách nhiệm, thậm chí có hiện tượng hoá giá khu đất vàng của Nhà nước để chuyển sang quyền sử dụng cá nhân do hình thức góp vốn kinh doanh bị thua lỗ và doanh nghiệp mất khả năng trả nợ” – đại biểu Hà Thị Minh Tâm nêu ý kiến và nhấn mạnh vấn đề này dễ phát sinh tiêu cực nên nếu áp dụng vào thực tiễn cần cân nhắc, xem xét để tránh tình trạng vụ lợi.
Về vấn đề khai thác tài sản công tại cơ quan nhà nước, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cho rằng không nên cho thuê hội trường, phương tiện vận tải... chưa sử dụng hết công suất vì về bản chất đây chính là thuê tài sản. Khi đó, nhiều cơ quan tổ chức sẽ lợi dụng để kinh doanh thu lợi nhuận. Theo bà Mai, nếu dùng không hết công suất có thể điều chuyển cho các cơ quan khác.
Đại biểu Hồ Đức Phớc (đoàn Nghệ An) bày tỏ quan tâm việc đầu tư trụ sở làm việc theo hình thức đối tác công tư. Đại biểu này cho rằng chỉ nên theo hình thức BT (xây dựng-chuyển giao), vì công năng của trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước khác với nhà ở, hộ gia đình hay trung tâm thương mại, khác sạn… Nếu đầu tư theo hình thức đối tác công tư thì có thể sử dụng các hình thức BOT, BTO, BOO… tuy nhiên sẽ không thích hợp.
Vị đại biểu này cho rằng hình thức trên chỉ giải quyết được vấn đề huy động nguồn vốn xã hội để xây dựng trụ sở nhưng chưa lường hết được hậu quả, rủi ro gây ra trong quá trình sử dụng như an toàn cháy nổ, mất cắp, an ninh, bí mật nhà nước… Đặc biệt, dễ bị lợi dụng, nhất là những khu đất vàng.
“Chúng ta chấp nhận điều này cũng giống như một hộ gia đình có đất nhưng không có tiền làm nhà, mà phải gọi hàng xóm đến cùng làm nhà, cùng ở; hoặc giao họ sử dụng trong một thời gian nhất định rồi mới trả cho mình”-ông Hồ Đức Phớc nêu ý kiến.
Theo VOV